(Tổ Quốc) - Căng thẳng giữa EU và Belarus đã leo thang trong thời gian gần đây xung quanh làn sóng di cư ở khu vực biên giới Belarus và Ba Lan.
Sự hiện diện của Nga
Cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - Ba Lan đang khiến căng thẳng leo thang giữa Belarus và châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/11 đã công bố một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus liên quan đến vấn đề này. Giới phân tích nhận định, một khi EU áp đặt trừng phạt mới với Belarus, nhiều khả năng Tổng thống Lukashenko sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược đáp trả tương xứng.
Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell khẳng định, quyết định này thể hiện quyết tâm của EU nhằm phản đối việc lợi dụng người di cư để thực hiện "các mục đích chính trị".
Giới quan sát cho rằng, khủng hoảng di cư tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan đang mang lại lợi thế cho Nga, mặc dù Moscow bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến cuộc khủng hoảng này. Một trong số các cố vấn an ninh của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Moscow đang nhìn thấy rủi ro về "xung đột quân sự" giữa các quốc gia thành viên NATO và Belarus bởi diễn biến này. Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao xuyên Đại Tây Dương lại nhấn mạnh, điện Kremlin có thể đang nhắm tới mục tiêu khác.
"Tín hiệu gần đây đang cho thấy sự gia tăng sự phụ thuộc của Belarus vào Nga trong nhiều thập kỷ qua", ông Julie Fisher – đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ tại Belarus cho biết. "Vì vậy, điều quan trọng là không chỉ nhìn vào các diễn biến trong những ngày gần đây mà còn phải căn cứ vào tình hình tiếp theo trong thời gian tới".
Theo trang Washington Examiner, hoạt động quân sự của Nga ở biên giới các quốc gia thành viên NATO đang gia tăng gần đây khi Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko kêu gọi sự giúp đỡ từ phía Nga đối với quân đội Belarus để đưa người di dân từ Trung Đông vào Liên minh châu Âu. Hoạt động quân sự của Nga được xem là hồi chuông cảnh báo tới các quan chức của Ukraine khi nước này lo ngại một vụ tấn công khác từ phía quân đội của Điện Kremlin.
Liên minh châu Âu cũng đang đưa ra suy luận rằng có thể Tổng thống Putin đang sử dụng những tranh cãi hiện tại như một cái cớ để mở rộng sự hiện diện quân sự của Nga ở Belarus. Giới quan sát gợi ý, trong bối cảnh phương Tây đang nỗ lực tìm hướng giải quyết khủng hoảng người di cư và Ukraine lo ứng phó tình hình bất ổn tại biên giới với Belarus, Điện Kremlin có thể tranh thủ thời cơ để gây sức ép lên Kiev.
"Xung đột biên giới liên quan đến hoạt động vũ trang chưa bao giờ giảm đi căng thẳng", Phó Thư ký Hội đồng An ninh Nga - Alexander Grebenkin nói với truyền thông Nga.
Lợi ích của Nga
Khủng hoảng biên giới Ba Lan – Belarus diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều thông tin về việc Nga đang gia tăng sự hiện diện quân sự tại khu vực biên giới với Ukraine.
Đại sứ Dirk Schuebel, người đứng đầu phái đoàn của Liên minh châu Âu tại Belarus cho biết: "Cá nhân tôi cho rằng không nên chỉ nhìn từ góc độ Ukraine về vấn đề này. Nói chung, lợi ích của Nga trong quá trình tăng cường hiện diện quân sự ở Belarus vẫn đặt ra các giả thiết khác".
Tổng thống Lukashenko luôn mong muốn nhận sự hỗ trợ từ phía Nga kể từ khi EU áp đặt 4 vòng trừng phạt đối với Belarus từ tháng 10/2020. Các nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc của Belarus với Nga đã sụp đổ vào năm ngoái sau các cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống Belarus năm 2020 và các trấn áp người biểu tình cùng các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ của chính quyền Lukashenko.
"Không có cuộc đàm phán nào với chính quyền Tổng thống Lukashenko. Chính bản thân ông Lukashenko đã tạo nên cuộc khủng hoảng, vì vậy ông ta phải có trách nhiệm giải quyết khủng hoảng và chăm sóc người dân", ông Scheubel nhấn mạnh.
Nga đã có phản ứng của riêng mình trước cuộc khủng hoảng di cư này. Moscow đã lên tiếng phản đối việc các thành viên của EU từ chối cho người di cư từ Belarus vào Liên minh châu Âu. Trong khi đó, bản thân các quan chức EU xem cuộc khủng hoảng người di cư là mối đe dọa đến từ Moscow và Minsk.
"Chúng tôi đang tiếp tục theo dõi các tác động đối với an ninh của EU và các nước láng giềng, và sẵn sàng đưa ra phản ứng thống nhất và tuần tự", ông Schuebel nhấn mạnh.
Châu Âu đang nghi ngại khả năng Nga tiếp tay cho Belarus gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới EU sau khi các nhà lãnh đạo Ba Lan trực tiếp cáo buộc Tổng thống Putin tiếp tay cho Belarus “dàn dựng” cuộc khủng hoảng này. Mặc dù Điện Kremlin đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc, song giới phân tích vẫn cho rằng, lợi thế hiện giờ đang nghiêng về phía Nga.
"Moscow có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở biên giới Belarus - EU với tư cách là trung gian hòa giải", Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố./.