(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, Ấn Độ đang đối mặt với nhiều khó khăn vì khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh.
Đại dịch Covid-19 đã khiến hàng triệu người dân Ấn Độ rơi vào cảnh nghèo đói. Tuy nhiên, trong khi nhiều người dân nước này đang chật vật kiếm sống qua ngày thì giới siêu giàu của Ấn Độ lại trở nên giàu có hơn và gia tăng ảnh hưởng với thế giới. Báo cáo về khối tài sản mà họ đang sở hữu lên tới hàng chục tỷ đôla trong năm ngoái.
Trong danh sách xếp hạng tỷ phú thế giới của Bloomberg Billionaires Index có mặt ông Mukesh Ambani – Chủ tịch Tập đoàn Reliance Industries với khối tài sản trị giá lên tới 80 tỷ đô la, tăng khoảng 15 tỷ đô la so với năm trước. Xếp sau ông Mukesh Ambani là ông Gautam Adani – người sáng lập Tập đoàn Gautam Adani với khối tài sản tăng vọt từ 13 tỷ đô la vào năm 2020 lên đến 55 tỷ đô la vào thời điểm hiện tại.
Theo CNN, ông Mukesh Ambani và ông Gautam Adani hiện là hai tỷ phú lần lượt được xếp hạng giàu thứ nhất và thứ 4 tại châu Á. Giới quan sát nhận định, số liệu thống kê tài sản của hai tỷ phú Ấn Độ đang phản ánh phần nào khoảng cách giàu nghèo rõ rệt nhất ở nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á.
Ấn Độ - quốc gia của nhiều tỷ phú
Bất chấp dịch bệnh, tỷ phú Ấn Độ Mukesh Ambani vẫn giữ vị trí là người giàu nhất châu Á, vượt qua nhiều gã khổng lồ của Trung Quốc.
Ông Mukesh Ambani vẫn tiếp tục duy trì vị trí này trong năm nay ở châu Á và hiện là tỷ phú giàu thứ 12 trên thế giới. Tổng tài sản mà ông Ambani sở hữu được đánh giá là giá trị hơn cả ông trùm Mexico Carlos Slim và người sáng lập tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới Dell Technologies – ông Michael Dell. Theo CNN, công ty của ông Ambani đã chứng kiến một năm tài chính tuyệt vời, huy động hàng tỷ USD từ các gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon như Google (GOOGL) và Facebook (FB) – các công ty đang đặt cược tham vọng thống trị Internet tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới là Ấn Độ.
Và tất nhiên không chỉ tỷ phú Ambani, mới đây, danh sách xếp hạng lại tiếp tục tìm ra người giàu tiếp theo của Ấn Độ là ông Adani. Nhà sáng lập Tập đoàn Adani kiểm soát hàng loạt các công ty từ các lĩnh vực hàng không đến năng lượng nhiệt và than đá. Giống với Reliance, tập đoàn Adani đã có bước ngoặt đột phá trong lĩnh vực thị trường chứng khoán Ấn Độ. Chẳng hạn như cổ phiếu của Adani Enterprises đã tăng hơn 800% trên sở giao dịch chứng khoán quốc gia ở Mumbai kể từ tháng 6/2020 – một tín hiệu cho thấy các nhà đầu tư khá lạc quan khi đánh cược vào Adani Enterprises.
Theo CNN, cả hai tỷ phú người Ấn Độ đều sinh ra ở Gujarat – quê hương của Thủ tướng Ấn Độ Modi. Theo Bloomberg, ông Adani hiện nằm trong số những tỷ phú giàu nhất châu Á sau ông trùm nước đóng chai Trung Quốc Zhong Shanshan và Giám đốc điều hành của Tencent - ông Pony Ma.
Các tỷ phú khác của Trung Quốc, bao gồm ông Jack Ma – người đồng sáng lập Alibaba cũng đã bị ảnh hưởng tiêu cực sau khi Trung Quốc siết chặt quy định về công nghệ.
Cuộc sống người dân Ấn Độ "khốn đốn" bởi dịch bệnh
Theo CNN, hầu hết người dân Ấn Độ đang đối mặt với khó khăn nghiêm trọng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế vì Covid-19.
Trong khi Ấn Độ áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và giảm thiểu tối đa các hoạt động doanh nghiệp nhằm kiểm soát mức độ lây lan của Covid-19 thì khoảng cách chênh lệch giàu nghèo tại Ấn Độ ngày càng gia tăng.
Báo cáo lưu ý hệ số Gini – thước đo về tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, đã tăng từ 74,7 trong năm 2000 lên 82,8 vào năm ngoái. Hệ số Gini chỉ ra sự bất bình đẳng của phân phối thu nhập giữa cá nhân và hệ kinh tế trong một nền kinh tế. Hệ số Gini thể hiện giá trị bằng 0 nghĩa là mọi người đều có mức thu nhập bình đẳng và được phân bổ đồng đều trong xã hội. Sự chệnh lệch thu nhập trong xã hội được tính bắt đầu từ 1, và hệ số càng cao thì khoảng cách chênh lệch giàu nghèo càng tăng.
Vào năm ngoái, Ấn Độ đã đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng sau đợt phong tỏa đất nước kéo dài gần 4 tháng. Mặc dù nền kinh tế đất nước đã phục hồi trong năm nay nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn được đánh giá cao kỷ lục vào tháng Năm sau khi số ca mắc Covid tăng mạnh vào mùa xuân.
Theo một phân tích của Trung tâm nghiên cứu Pew, nhóm đối tượng thuộc tầng lớp trung lưu của Ấn Độ đã giảm khoảng 32 triệu người vào năm ngoái do hậu quả của suy thoái kinh tế.
"Số lượng người nghèo ở Ấn Độ ước tính đã tăng 75 triệu bởi khủng hoảng Covid-19 và điều này đang khiến quốc gia này gia tăng số người nghèo trên thế giới", nhà nghiên cứu cấp cao Rakesh Kochhar nhận định.
Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Azim Premji, bang Karnataka, Ấn Độ, nhiều hộ gia đình trong bang đã phải cách cắt giảm lương thực, bán tài sản và vay mượn không chính thức từ bạn bè, người thân... để duy trì sự sống. Giới nghiên cứu ước tính khoảng 230 triệu người Ấn Độ rơi vào tình trạng nghèo đói với mức thu nhập dưới 5 đô la/1 ngày.
Trong một báo cáo về lao động trẻ nhập cư từ các bang Bihar và Jharkhand, giới nghiên cứu của Ấn Độ nhận thấy dịch bệnh Covid-19 đã khiến tình trạng mất việc làm gia tăng mạnh.
"Những phụ nữ trẻ bị mất việc làm đang đối mặt với thách thức mới. Họ phải trở về gia đình và bị ép phải kết hôn", Clément Imbert – Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Warwick và là một trong số những nhà nghiên cứu nói trên CNN Business.
Một số nhà nghiên cứu đang hy vọng Chính phủ Ấn Độ có thể đưa ra một số biện pháp tích cực nhằm làm giảm ảnh hưởng của dịch bệnh đối với những người đang chịu rủi ro nhất trong xã hội nước này./.