• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng điện tại Trung Đông: Nơi các máy phát "gầm rú" và phun khí thải độc hại

Thế giới 12/09/2022 17:14

(Tổ Quốc) - Trong các bãi đậu xe, sân bệnh viện và mái các tòa nhà, máy phát điện tư nhân có mặt khắp nơi ở Trung Đông, phun khói độc hại ra môi trường 24 giờ một ngày.

Khi thế giới tìm kiếm năng lượng tái tạo để đối phó với biến đổi khí hậu, hàng triệu người quanh khu vực Trung Đông gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các máy phát điện tư nhân chạy bằng động cơ diesel để tiếp tục hoạt động cung cấp năng lượng vì chiến tranh và sự quản lý yếu kém khiến cơ sở hạ tầng điện tại nơi này gần như không hoạt động đầy đủ.

Nguy cơ nghiêm trọng từ khí thải của máy phát

Các chuyên gia gọi đây là hành vi vô cùng nguy hại từ góc độ môi trường và sức khỏe.

Samy Kayed, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Học viện Môi trường tại Đại học Beirut ở Lebanon, cho biết: "Ô nhiễm không khí từ máy phát điện diesel chứa hơn 40 chất độc hại gây ô nhiễm không khí, bao gồm nhiều chất đã hoặc có nghi ngờ gây ung thư".

Ông Samy Kayed nói: Tiếp xúc nhiều hơn với các chất ô nhiễm này có thể làm tăng các bệnh về đường hô hấp và bệnh tim mạch. Các chất này cũng gây ra mưa axit có hại cho sự phát triển của thực vật và đầu độc các nguồn nước, giết chết các thực vật thủy sinh.

Ông nói: Vì họ thường sử dụng dầu diesel, các máy phát điện cũng tạo ra nhiều khí thải gây ra biến đổi khí hậu hơn so với một nhà máy điện khí tự nhiên.

Các chất ô nhiễm từ các máy phát điện lớn cũng kéo theo nhiều thảm họa môi trường cho Trung Đông, một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước tác động của biến đổi khí hậu. Khu vực này đã phải hứng chịu nắng nóng gay gắt và nguồn nước hạn chế ngay cả khi không có tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Và sự phụ thuộc vào máy phát điện là kết quả của những vấn đề cấp nhà nước. Ở Lebanon, Iraq, Yemen, Libya và Afghanistan, các chính phủ không thể duy trì một mạng lưới điện trung tâm vì chiến tranh, xung đột, quản lý yếu kém và cả tham nhũng.

Lebanon chẳng hạn, đã không xây dựng một nhà máy điện mới nào trong nhiều thập kỷ. Nhiều kế hoạch xây dựng đã vướng vào những tranh cãi gay gắt của chủ nghĩa bè phái và xung đột lợi ích bảo trợ. Một vài nhà máy sản xuất điện từ nhiên liệu nặng già cỗi của nước này từ lâu đã không thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Khủng hoảng điện tại Trung Đông: Nơi các máy phát "gầm rú" và phun khí thải độc hại - Ảnh 1.

Khí thải từ các máy phát điện kéo theo nhiều hệ lụy về môi trường và sức khỏe. Ảnh: AP.

Trong khi đó, Iraq lại là một trong những quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, cái nóng như thiêu như đốt vào mùa hè luôn đi kèm với tiếng gầm rú của các máy phát điện trong khu phố, khi người dân sử dụng máy phát điện suốt ngày đêm để làm mát.

Các cuộc chiến tranh lặp đi lặp lại trong nhiều thập kỷ đã phá hủy mạng lưới điện của Iraq và nhu cầu về máy phát điện đã trở nên khắc sâu trong tâm trí mọi người. Tại một buổi hòa nhạc gần đây ở thủ đô Baghdad, ca sĩ nổi tiếng Umm Ali al-Malla đã cảm ơn giám đốc kỹ thuật của địa điểm này "vì đã giữ cho máy phát điện hoạt động".

2,3 triệu người ở Dải Gaza cũng đang dựa vào khoảng 700 máy phát điện trên khắp lãnh thổ để cung cấp điện cho ngôi nhà của họ. Hàng nghìn máy phát điện tư nhân cũng đang giúp các doanh nghiệp, tổ chức chính phủ, trường đại học và trung tâm y tế hoạt động. Chạy bằng động cơ diesel, chúng tạo ra khói đen trong không khí, làm hoen ố các bức tường xung quanh.

Máy phát điện trở thành vấn đề ở quy mô nhà nước và khu vực

Kể từ khi Israel đánh bom nhà máy điện duy nhất trên vùng lãnh thổ do Hamas cai trị vào năm 2014, nhà máy này chưa bao giờ hoạt động được hết công suất. Gaza chỉ nhận được khoảng một nửa lượng điện năng cần thiết từ nhà máy này và trực tiếp từ Israel. Do đó, thời gian bị cắt điện có thể kéo dài đến 16 giờ một ngày.

Có lẽ không nơi nào máy phát điện lại chi phối cuộc sống của con người nhiều như ở Lebanon, nơi mà hệ thống này phát triển mạnh mẽ đến mức các chủ sở hữu máy phát điện tư nhân có hiệp hội kinh doanh của riêng họ.

5 triệu người của Lebanon từ lâu đã phụ thuộc vào hiệp hội này. Từ "moteur", tiếng Pháp có nghĩa là máy phát điện, là một trong những từ thường được nói nhất ở Lebanon.

Sự phụ thuộc này cũng chỉ tăng lên kể từ khi nền kinh tế Lebanon suy thoái vào cuối năm 2019 và từ khi giá dầu diesel tăng cao, các chủ sở hữu máy phát điện đã phải cắt giảm thời gian sử dụng trong ngày.

Do đó, người dân phải sắp xếp cuộc sống xung quanh những khoảng thời gian thiếu điện. Họ phải đặt báo thức để pha một tách cà phê trước khi máy phát điện tắt vào buổi sáng. Người già yếu trong các tòa tháp chung cư canh giờ tắt máy phát điện để rời khỏi nhà vì không muốn leo cầu thang.

Ihab, người điều hành một trạm phát điện ở phía bắc Beirut, cho biết: "Chúng tôi hiểu sự thất vọng của mọi người, nhưng nếu không có chúng tôi, mọi người sẽ sống trong bóng tối. Người dân nói rằng chúng tôi có quyền lực hơn nhà nước, nhưng chính sự vắng mặt của nhà nước đã khiến chúng tôi tồn tại," ông nói.

Siham Hanna, một phiên dịch viên 58 tuổi ở Beirut, cho biết khói máy phát điện khiến bệnh phổi của bố bà thêm trầm trọng. Bà phải lau bồ hóng trên ban công và các bề mặt khác vài lần một ngày.

"Bây giờ là thế kỷ 21, nhưng chúng ta đang sống như ở thời kỳ đồ đá. Ai có thể sống thế này? " Hanna cho biết.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ