• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng kép tại Philippines: Dịch bệnh làm gia tăng nguy cơ nạn đói

Thế giới 26/05/2021 16:37

(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid-19 khiến Philippines rơi vào nạn đói nghiêm trọng vì khủng hoảng kinh tế.

Theo CNN, gia đình bà Mona Liza Vito có tới 9 người con đang trải qua những ngày tháng đói kém vì dịch bệnh. Gia đình bà sống ở khu Baseco – một trong số các khu vực nghèo nhất của Manila,

Trước khi dịch bệnh diễn ra, bà Vito làm nghề bóc tỏi để mưu sinh, thông thường kiếm khoảng 2 đôla trong một ngày. Còn chồng bà làm công nhân xây dựng. Tuy nhiên, hiện tại mọi công việc phải ngừng lại vì dịch bệnh và cuộc sống của họ ngày càng trở nên khó khăn. 

Khủng hoảng kép tại Philippines: Dịch bệnh làm gia tăng nguy cơ nạn đói - Ảnh 1.

Người dân xếp hàng chờ phân phát thực phẩm mỗi ngày. Ảnh: CNN

Philippines là một trong số các quốc gia nghèo của châu Á . "Tính đến cuối năm 2020, khoảng ¼ người dân Philippines sống trong nghèo đói và mức thu nhập chỉ khoảng 3 đôla  một ngày", Ngân hàng thế giới (World Bank) cho hay.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hơn 3 triệu trẻ em ở Philippines tăng trưởng thấp còi. Đây được xem là tỷ lệ cao nhất thế giới và các số liệu này được ghi nhận trước khi nước này áp dụng lệnh phong tỏa vì dịch bệnh.

Chính phủ Philippines đang kỳ vọng chương trình vaccine sẽ đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường và tạo cơ hội khôi phục kinh tế đất nước. Tuy nhiên, trong khi các chuyên gia y tế khẳng định vaccine là công cụ quan trọng để chấm dứt đại dịch thì nhiều người dân Philippines vẫn tỏ ra hoang mang về quá trình tiêm chủng. Vì vậy, tỷ lệ tiêm chủng ở nước này chỉ giữ ở mức thấp.

"Ăn một bữa mỗi ngày"

Cũng theo CNN, khủng hoảng kinh tế tại Philippines bắt đầu từ cuối tháng Ba khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte áp dụng lệnh phong tỏa tại Thủ đô Manila và các khu vực lân cận trong vài tháng. Sau đó, các biện pháp hạn chế đã được nới lỏng và chỉ thắt chặt ở một số địa phương có nguy cơ lây nhiễm cao. 

Hiện tại, với hơn 5000 ca mắc mới mỗi ngày, Philippines vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức mới trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái.

Dịch bệnh hoành hành đã khiến nhiều hộ gia đình Philippines rơi vào nguy cơ "đại dịch nạn đói". Các bếp ăn cộng đồng kêu gọi sự quyên góp từ nông dân và ngư dân, sau đó đem phân phát cho người cần nhất. Hàng trăm người dân đã xếp hàng để có cơ hội nhận được một túi thức ăn nhỏ.

"Tôi rất biết ơn vì hành động này. Chúng tôi nhận được gạo và rau miễn phí, vì vậy những đứa trẻ của tôi sẽ không lo đói nữa", bà Vito nhấn mạnh.

Do dự tiêm vaccine

Chính phủ Philippines cho biết tiêm chủng cho người dân là cách duy nhất để thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh hiện nay nhưng rất khó khăn khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng. Theo số liệu của CNN, chưa đến 1% trong số 108 triệu dân của nước này đã tiêm chủng đầy đủ.

Philippines thông báo nhận được khoảng 8,2 triệu liều vacine nhưng cho đến nay chỉ có 4 triệu người được tiêm ít nhất một liều. Lo lắng lớn nhất của họ là tác dụng phụ sau mỗi lần tiêm và nguy cơ rủi ro cao.

Vì vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, chính việc do dự của người dân sẽ khiến Philippines khó có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng.

Chính phủ nước này bắt đầu triển khai chương trình vaccine phòng Covid-19 vào tháng Ba năm nay nhưng tiến độ rất chậm. Các bác sỹ hiện đang tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là nhân viên chăm sóc sức khỏe, người cao tuổi hoặc những người đã có bệnh nền từ trước. Để nâng cao niềm tin của người dân vào vaccine, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte  đã tiêm chủng một mũi vaccine của Trung Quốc – Sinopharm vào đầu tháng Năm.

Bộ Y tế nước này cũng liên tục gửi tin nhắn cho người dân để cải thiện niềm tin vaccine. Theo Tiến sĩ Mike Marasigan, nhân viên y tế của Sở Y tế thành phố Quezon cho biết, đối tượng khó tiếp cận vaccine nhất vẫn là người nghèo.

Bà  Letty Zambrona - một thợ may đã nghỉ hưu cho biết, bà sẽ không tiêm vaccine mặc dù được xếp vào nhóm rủi ro cao.

"Tôi lo ngại các tác dụng phụ sau khi tiêm, chẳng hạn như hiện tượng đông máu. Tôi và chồng đều có suy nghĩ như vậy nên muốn áp dụng các biện pháp điều trị bằng thảo dược, sử dụng gừng, chanh và mật ong", bà nói.

"Chính phủ đang tìm cách duy trì các biện pháp y tế và dinh dưỡng để giúp người dân vượt qua dịch bệnh đồng thời giảm thiểu tình trạng suy dinh dưỡng đối với những người dân ở những khu vực chịu nhiều rủi ro", ông Jovita B. Raval, Người đứng đầu Ban Thông tin và Giáo dục dinh dưỡng tại Hội đồng Dinh dưỡng quốc gia của Chính phủ cho biết.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ