(Tổ Quốc) - Mỹ phải hành động thận trọng để xoa dịu cuộc khủng hoảng mới ở Biển Azov, theo National Interest (NI).
Trong vài năm qua, quan hệ Nga-Mỹ đã thấy nhiều tín hiệu mất ổn định ở cả hai phía, từ những căng thẳng từ các cuộc chiến ủy nhiệm cho đến nguy cơ sụp đổ của các hiệp ước kiểm soát vũ khí, việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự rộng lớn cho đến các cáo buộc tấn công mạng lan rộng. Đối với những người nghĩ rằng mối quan hệ không thể trở nên tồi tệ hơn, thì cuộc khủng hoảng eo biển Kerch mới đã diễn ra, đẩy tình trạng sóng gió lên thêm một nấc mới.
Theo National Interest (NI), đối với các cường quốc vũ trang hạt nhân, một cuộc đụng độ vũ khí trực tiếp có thể khó xảy ra, nhưng nghịch lý "ổn định – bất ổn định" cũng cho thấy rằng các nguy cơ cấp thấp hơn là khá dễ hiểu. Trong những trường hợp đó, chiến thắng thường sẽ nghiêng về phía có các lực lượng thông thường mạnh hơn và cũng sẽ có ý chí lớn hơn. Do đó, kết quả của sự cố Kerch là một kết luận đã được báo trước cho những người quen thuộc với sự tích tụ của quân đội Nga đang diễn ra ở khu vực Biển Đen, bao gồm một loạt các tàu ngầm và tàu khu trục mới, chưa kể đến các hệ thống tên lửa ven biển và thậm chí là hệ thống vũ khí siêu thanh chống tàu.
Theo NI, ai có thể nghi ngờ về ý chí mạnh mẽ của Moscow sau khi Điện Kremlin dành những tài nguyên như vậy cho cây cầu Crimea mới hay không?
Dồn sức cạnh tranh vũ trang
Có thể nói sự va chạm mới nhất gần đây giữa Nga và Ukraine ở eo biển Kerch chưa phải là nguyên nhân của những căng thẳng theo kiểu Chiến tranh Lạnh lâu nay, và nó gần như không phải là một lý do vững chắc cho việc châm ngòi cho một cuộc đấu tranh quân sự giữa các cường quốc hạt nhân.
Va chạm mới tại eo biển Kerch phần nào khiến quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng. (Nguồn: Reuters)
Tuy nhiên, sự cạnh tranh quân sự vẫn tồn tại và Moscow chắc chắn đang bận rộn chuẩn bị các phản ứng đối phó với một loạt các biện pháp trả đũa của Hoa Kỳ và đồng minh đang diễn ra, NI cho hay. Gần đây, một bài viết với tiêu đề, Lầu Năm Góc đang tiếp cận biên giới hàng hải của Nga, đã được đăng tải trên tờ báo Nga Nezavisimaya Gazeta vào tuần đầu tiên của tháng 12 và nêu ra nhiều động thái khác nhau của quân đội Mỹ để đáp trả khủng hoảng eo biển Kerch. Bài viết bắt đầu bằng cách nói rằng Hải quân Hoa Kỳ đang chuẩn bị đưa tàu ra Biển Đen và không thể loại trừ rằng chúng sẽ được triển khai để bảo vệ các con đường tiếp cận vào Biển Azov. Bình luận của một quan chức Nga được trích dẫn: Hoa Kỳ ủng hộ Kiev rằng Crimea là một phần của Ukraine, và lối vào Biển Azov, theo quan điểm của họ, không được liên kết với vùng lãnh hải của Liên bang Nga. Trung tướng Yuri Netkachev được trích dẫn dự đoán rằng, "tình hình từ phía Mỹ sẽ tiếp tục leo thang" để Washington có thể thể hiện cho toàn thế giới thấy rằng eo biển Kerch hoàn toàn mở cho hoạt động hàng hải.
Viên tướng này cũng cho rằng, Mỹ đang "có động thái hoạt động tại vùng Viễn Đông" – được cho là đề cập đến hoạt động tự do hàng hải do tàu USS McCampbell tiến hành vào ngày 5/12 đi vào gần Vladivostok. Bài viết này cũng cho rằng "Mặt trận phía Tây" không hề yên tĩnh, đề cập đến các UAV của Mỹ bay hàng ngày dọc theo biên giới Nga hay các chuyến bay do thám ở vùng lân cận eo biển Kerch và Krasnodar Krai, cũng như việc một máy bay của Không quân Hoa Kỳ được cho là đã thực hiện nhiệm vụ trinh sát đầu tiên dọc theo biên giới phía bắc của Crimea, tiếp cận điểm nhạy cảm Perekop và chỉ cách biên giới Nga khoảng 10 km. Cũng theo bài viết này, một chiếc máy bay AWACS của Mỹ cũng hoạt động ở gần biên giới Kaliningrad và còn suy đoán thêm rằng, Hoa Kỳ sẽ chuẩn bị một "bất ngờ" gần Kaliningrad và đây có thể là một căn cứ quân sự mới của Mỹ ở Ba Lan, chỉ cách biên giới Latvia 120km.
Đùa với lửa?
Những dư luận bảo thủ ở Nga đang căng thẳng về một kịch bản xung đột ở khu vực Ukraine/Biển Đen. Nếu lùi lại một chút, những lo ngại hiện tại có thể cho nhiều người thấy một số viễn cảnh lớn hơn về bản chất của cuộc khủng hoảng tại Biển Azov. Qua vụ va chạm vừa qua, có thể thấy Nga thực sự đã chọn cách kiềm chế (mặc dù vẫn có hành động mạnh) trong một tình huống phức tạp.
Tương tự như vậy, nếu Moscow muốn đóng cửa Biển Azov hoặc thậm chí tiêu diệt hoàn toàn Hải quân Ukraine, các nhiệm vụ này không hẳn là vượt ngoài tầm của Hạm đội Biển Đen đáng gờm Nga. Nhưng nếu Điện Kremlin bị buộc phải có hành động thực sự, họ có thể dùng đến việc chế tạo vũ khí hạt nhân tầm trung, nhắm vào Tây Âu, hay có thể vượt rào các lệnh trừng phạt vũ khí đối với Triều Tiên và Iran, hoặc thậm chí là cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Taliban ở Afghanistan.
Theo National Interest, các nhà lãnh đạo của Mỹ đang thực sự đang chơi với lửa vào thời điểm nhạy cảm nhất đối với an ninh châu Âu. Ngược lại, giải pháp đúng đắn và có trách nhiệm đối với căng thẳng ở Biển Azov là sử dụng chính sách ngoại giao kiên nhẫn và bình tĩnh kiểm tra sự sẵn sàng của cả Kiev và Moscow để tham gia vào cuộc đối thoại thực sự về việc quá cảnh an toàn ở Eo biển Kerch, theo đó, bảo vệ lợi ích thực sự của cả hai bên trong tuyến đường thủy đó.