• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng kinh tế chạm đáy, nhưng phục hồi chậm

Thế giới 10/05/2011 09:00

(Toquoc)-Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã giảm, nhưng phục hồi yếu và còn kéo dài.

(Toquoc)-Khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu đã giảm, nhưng phục hồi yếu và còn kéo dài.

Một năm kể từ sự sụp đổ của thị trường tài chính Mỹ mùa Thu 2008 thúc đẩy cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, có những dấu hiệu cho thấy tốc độ suy thoái kinh tế thế giới đã giảm. Những nền kinh tế chủ chốt đều có dấu hiệu khởi sắc. Bao trùm vẫn là lạc quan thận trọng.

Toàn cầu phục hồi chậm

Kinh tế toàn cầu có những dấu hiệu phục hồi, mặc dù còn yếu ớt. Phần lớn giới chuyên gia cảnh báo khủng hoảng kinh tế chưa phải đã chấm dứt. Theo dự đoán của IMF, GDP của thế giới năm 2009 lần đầu tiên sau Chiến tranh thế giới thứ II đã sụt giảm xuống còn 1,3%. Một cựu quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói: “Có những dấu hiệu cho thấy tốc độ suy thoái đã giảm”. Francois Bourguignon, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, nói: "Kinh tế thế giới sẽ trì trệ và tăng trưởng thấp trong một thời gian dài".

Thất nghiệp cao vẫn là vấn đề lớn nhất của phục hồi kinh tế thế giới: Xưa (1929 - 1933) và nay

Các thị trường tài chính đã phục hồi từ mức thấp kỷ lục hồi đầu năm nay. Tiêu dùng toàn thế giới có xu hướng tăng nhẹ. Kinh tế suy thoái đã làm lạm phát dịu lại, kéo theo sức tiêu dùng của các hộ gia đình giảm, nhưng xu hướng này dường như đã chạm đáy. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và khu vực ngân hàng "dễ lung lay" vẫn là những quan ngại lớn.

Ngày 10/8, Nhà kinh tế học đoạt giải thưởng Noben 2008 Paul Krugman nhận xét, kinh tế thế giới có thể trải qua vài năm tăng trưởng thấp, nhưng sẽ không rơi vào suy thoái lần hai. Ông ta cho rằng “nền kinh tế chỉ có thể hồi phục được hoàn toàn sau ít nhất là hai năm hay lâu hơn nữa. Việc tái cơ cấu lại hệ thống tài chính và sự điều hành có hiệu quả lĩnh vực ngân hàng sẽ giúp ngăn khủng hoảng lặp lại”.

Thách thức lớn trước mắt là tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu đang tăng mạnh. Tổ chức Lao động Quốc tế cho biết số người thất nghiệp trên toàn thế giới có thể tăng thêm 59 triệu người trong năm nay so với năm 2007 (tăng 31%).

Mỹ có dấu hiệu chạm đáy

Bộ Lao động Mỹ thông báo trong tháng 7 vừa qua, số người Mỹ bị mất việc làm giảm lần đầu tiên trong vòng một năm và tỷ lệ thất nghiệp giảm 1% so với tháng 6, xuống còn 9,4%. Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP của Mỹ trong quý II vừa qua chỉ giảm 1% sau khi đã giảm tới 6,4% trong quý I.

Tiêu dùng ở Mỹ tăng nhẹ. Thâm hụt thương mại tháng 6/2009 tăng lần đầu tiên trong 11 tháng qua (tăng 4% so với tháng trước đó) là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu ở Mỹ bắt đầu phục hồi và thời điểm suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ II bắt đầu được vượt qua. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc tăng 5,4% lên 18,4 tỷ USD, mức cao nhất từ tháng 1/2009. Nếu tính cả năm, thâm hụt thương mại cho cả năm nay sẽ thấp hơn 13,1% so với mức kỷ lục năm ngoái. Một dấu hiệu khác, xuất khẩu Mỹ tăng trong tháng thứ hai liên tục (2%), cho thấy nhu cầu toàn cầu bắt đầu hồi  phục.

Các chỉ số về thị trường lao động và nhà đất cũng cho thấy dấu hiệu chạm đáy của sự suy thoái kinh tế. Gần 2/3 các nhà kinh tế được hỏi tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi theo hình chữ U, được đánh dấu bởi tăng trưởng GDP theo xu hướng thấp hiện nay trước khi tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2010. Khoảng 17% ý kiến dự đoán nền kinh tế Mỹ phục hồi theo hình chữ V.

Paul Krugman nhận định rằng nền kinh tế Mỹ có thể đã ra khỏi đáy và đang dần đi vào ổn định. Theo ông, dù chưa chắc chắn, nhưng có thể nhận định rằng suy thoái kinh tế Mỹ đã chấm dứt vào tháng 7 hoặc tháng 8.

Ngày 11/8, nhà tài phiệt George Soros nói rằng kinh tế Mỹ đã chạm đáy và trong quý III sẽ chứng kiến sự tăng trưởng tích cực nhờ vào gói kích thích chi tiêu của chính phủ Mỹ. Trả lời phỏng vấn Reuters, ông này cho rằng “gói kích thích kinh tế đã tạo ra sự khác biệt, nền kinh tế Mỹ đã thật sự chạm đáy và chúng ta đang đứng trước một quý tăng trưởng tích cực".

Trách nhiệm thuộc về ai? Phát triển theo hướng nào?

Trung Quốc cải thiện đáng kể nhất

Kinh tế Trung Quôc hiện đang ở vào thời kỳ then chốt ổn định và tăng trở lại. Các chuyên gia cho rằng nếu tình hình kinh tế thế giới và chính sách kinh tế trong nước không có thay đổi lớn, kinh tế nước này năm 2009 sẽ hoàn thành việc củng cố “đáy” và 2010 sẽ bước vào giai đoạn phục hồi.

Theo thống kê, mức tăng GDP của Trung Quốc đạt 6,8% trong quý IV/2008, còn trong quý I/2009 mức tăng GDP là 6,1%. Mức tăng GDP trong quý II/2009 khoảng 7% và nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế Trung Quốc đã đi hết điểm ngoặt chữ "U".

Giáo sư Trương Liên Thành, Giám đốc Học viện Kinh tế Đại học Kinh tế Thương mại Bắc Kinh, chỉ rõ, bản thân thực lực kinh tế của Trung Quốc cũng là cơ sở quan trọng trong việc phục hồi. Hiện nay, Trung Quốc có 20.000 tỉ NDT tiền gửi tiết kiệm của nhân dân, gần 2.000 tỉ USD dự trữ ngoại tệ. Ngoài ra, kinh tế các nước phát triển 6 tháng đầu năm nay cũng xuất hiện một số dấu hiệu ấm trở lại. Đây là nguyên nhân bên ngoài khiến kinh tế Trung Quốc trụ vững.

Giáo sư Trương Liên Thành cũng chỉ ra, tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay có sự chuyển biến tốt, nhưng vẫn tồn tại biến số và những rủi ro: Sau khi điều chỉnh vào năm 2008 và 2009, kinh tế Trung Quốc ở vào gian đoạn chạm đáy, nhưng nền móng chưa vững chắc thể hiện qua một số điểm sau: Một là, xây dựng nền móng dựa vào chính sách kinh tế, chứ không phải dựa vào sự phục hồi và khuếch trương thực chất của kinh tế thực thể; hai là, ngành địa ốc vẫn có rủi ro nhất định và khả năng sẽ còn giảm; ba là, muốn thúc đẩy kinh tế mau chóng phục hồi, cần phải tăng thêm sức mua của người dân và việc sức mua không tăng thực chất sẽ có tai hoạ ngầm cho sự phục hồi kinh tế sau này.

Một số chuyên gia khác nhấn mạnh rằng cần tỉnh táo nhìn nhận về tình hình phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, vì kinh tế phát triển với tốc độ tương đối nhanh trong thời gian dài đã tích tụ không ít mâu thuẫn và với một số mặt mất cân đối: về nội nhu và ngoại nhu, nội nhu thiếu; mất cân đối về đầu tư và tiêu dùng, đặc biệt là tiêu dùng của cư dân chiếm tỷ trọng quá thấp; cái giá phải trả về tài nguyên, môi trường cho sự phát triển kinh tế là quá lớn; sự phát triển giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực không hài hòa. Trong số này vấn đề mất cân đối nội nhu, đầu tư và tiêu dùng là đặc biệt nổi bật và là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế Trung Quốc chịu ảnh hưởng tương đối lớn trước cuộc khủng hoảng tiền tệ quốc tế, cũng trực tiếp kìm hãm sự phát triển lành mạnh lâu dài của kinh tế Trung Quốc.

Tiêu dùng thiếu hụt luôn là một mặt quan trọng trong mâu thuẫn mang tính kết cấu kinh tế của Trung Quốc. Từ thập niên 1990 đến nay, tỷ lệ đóng góp của tiêu dùng cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn dao động ở mức 50% (thấp hơn mức quốc tế là 70%). Đứng trước cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế, Trung Quốc cần phải xoay chuyển cục diện tăng trưởng kinh tế quá dựa vào nhu cầu bên ngoài, cần phải mở rộng kích cầu trong nước.

Trong các ngày 7-9/8, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khảo sát tại tỉnh Giang Tô, nêu rõ, trước tình hình kinh tế TQ hiện nay ổn định và có chiều hướng tốt, chính phủ Trung ương nhấn mạnh phải duy trì tính liên tục và ổn định của chính sách kinh tế vĩ mô, kiên trì bất di bất dịch thực thi chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ nới lỏng vừa phải để mang lại sức bền vững và sức cạnh tranh nhiều hơn cho phát triển kinh tế. Phương hướng chỉ đạo của chính sách kinh tế vĩ mô không thể thay đổi. Cần phải kết hợp việc duy trì kinh tế phát triển bình ổn khá nhanh với điều chỉnh kết cấu kinh tế, lấy phát triển kinh tế một cách bình ổn khá nhanh làm cơ sở và tạo điều kiện cho điều chỉnh kết cấu, thông qua chuyển đổi phương thức phát triển và điều chỉnh kết cấu kinh tế để mang lại sức bền vững và sức cạnh tranh nhiều hơn cho phát triển kinh tế.

Nhật Bản khởi sắc

Giới phân tích cho rằng, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở lại nhịp độ tăng trưởng tích cực trong quý II/2009 khi sản xuất và xuất khẩu khởi sắc.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ của nước này đạt thặng dư 485,9 tỷ yên, lớn hơn rất nhiều so với con số 1,9 tỷ yên một năm trước đây, trong đó thặng dư thương mại hàng hóa tăng 141,8% lên mức 602,2 tỷ yên. Đây là lần đầu tiên trong 13 tháng qua, thặng dư trong cán cân thương mại hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản tăng.

Trong tháng 6/2009, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản tuy giảm 37% xuống còn 4.307,7 tỷ yên, nhưng đây là tốc độ suy giảm xuất khẩu thấp nhất của nước này kể từ tháng 12/2008. Nhu cầu nước ngoài đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nhật Bản như ô tô và các sản phẩm công nghệ cao trong thời gian gần đây đã phục hồi trở lại, đáng kể là thị trường Trung Quốc.

Toshihiko Matsuno, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Công ty chứng khoán SMBC Friend, cho rằng kinh tế Nhật Bản có vẻ đang dần hồi phục song vẫn cần phải thận trọng khi triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ còn chưa rõ ràng. Theo nhà kinh tế thuộc Công ty chứng khoán RBS Junko Nishioka, đợt suy giảm tồi tệ nhất trong kinh doanh đã kết thúc nhưng tốc độ phục hồi “có thể vẫn còn chậm”

Pháp và Đức đột ngột khởi sắc

Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/8 cho hay, nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhiều khả năng sẽ vượt qua giai đoạn khủng hoảng hiện nay sớm hơn so với dự đoán khi hai nền kinh tế chủ chốt Đức và Pháp cùng bất ngờ tăng trưởng mạnh trở lại. GDP của hai nền kinh tế này trong quý II/2009 đã cùng tăng 0,3 % so với quý I trước đó. Kinh tế Pháp lần đầu tiên kinh tế tăng trưởng sau 4 quý liên tiếp suy giảm, với Đức là lần đầu tiên kể từ đầu năm 2008.

Hoạt động của xưởng luyện thép Đông Đức trước hy vọng phục hồi kinh tế

Kế hoạch kích cầu của Chính phủ Pháp đối với ngành công nghiệp ô tô đã giúp nền kinh tế nước này vượt qua được cơn bão khủng hoảng. Với Đức, do tăng tiêu dùng cá nhân và chi tiêu của nhà nước, cùng đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và xuất khẩu.

Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho biết giá trị xuất khẩu trong tháng 6 vừa qua của nước này đạt 68,5 tỷ euro, tăng 7% so với tháng 5, và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 9/2006. Số lượng đơn đặt hàng trong lĩnh vực công nghiệp đang tiếp tục xu hướng tăng.

Số liệu tích cực trên khiến nhiều chuyên gia kinh tế hy vọng nền kinh tế Đức sẽ sớm thoát khỏi tình trạng suy thoái nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

Thời báo Tài chính (Anh) đưa nhận định của Andreas Rees, chuyên gia kinh tế Đức, cho rằng những số liệu trên đánh dấu “sự trở lại mạnh mẽ và chắc chắn sẽ còn mạnh mẽ hơn trong thời gian tới” của lĩnh vực xuất khẩu. Trong khi đó, nhà phân tích Stefan Bielmeier của Ngân hàng Deutsche Bank cho rằng đây là dấu hiệu tiếp theo của sự ổn định, song để phục hồi vẫn cần có thời gian./.

Huyền Trương

NỔI BẬT TRANG CHỦ