(Tổ Quốc) - Động thái trừng phạt mới nhất của phương Tây trong lĩnh vực kinh tế muốn gây sức ép lên hệ thống ngân hàng Nga, nhắm vào hệ thống tài chính của Moscow và tạo ra nhiều rào cản cho nền kinh tế Nga.
Theo các nhà phân tích, chưa bao giờ một nền kinh tế có tầm quan trọng toàn cầu như Nga lại bị nhắm tới với các lệnh trừng phạt ở mức độ này. Các quan chức phương Tây đã nói rằng chiến dịch trừng phạt của họ là một cuộc chiến kinh tế nhằm vào Moscow và sẽ được duy trì ngay cả khi các lệnh trừng phạt phải mất nhiều năm mới có thể vượt qua hàng rào phòng thủ của "pháo đài kinh tế" Nga.
Tuy nhiên, vị thế là nhà cung cấp năng lượng toàn cầu của Nga sẽ khiến mục tiêu của Mỹ và phương Tây trở nên khó khăn hơn. Châu Âu nhận gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu từ Nga, và bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu đó sẽ khiến giá năng lượng toàn cầu vốn đã cao lại còn tăng thêm nữa.
Loạt trừng phạt kinh tế mang tới nguy cơ lớn
Hành động quân sự của Nga tại Ukraine đã vấp phải phản ứng chưa từng có từ Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu, Canada, Nhật Bản, Australia và một số nước khác. Ngay cả Thụy Sĩ, vốn nổi tiếng là nước trung lập và giữ bí mật về hoạt động ngân hàng, cũng đã cam kết áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Phương Tây đã loại hai ngân hàng lớn nhất của Nga, Sberbank (SBRCY) và VTB, ra khỏi danh sách được tiếp cận trực tiếp với đồng đô la Mỹ. Họ cũng đã thực hiện các bước đi để loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi SWIFT, một dịch vụ nhắn tin toàn cầu kết nối các tổ chức tài chính và tạo điều kiện cho các khoản thanh toán nhanh chóng và an toàn.
Liên minh phương Tây cũng đang cố gắng ngăn chặn ngân hàng trung ương Nga bán đô la và các ngoại tệ khác để bảo vệ đồng rúp và nền kinh tế của nước này. Theo Bộ trưởng tài chính Pháp Le Maire, tổng tài sản trị giá 1 nghìn tỷ USD của Nga hiện đã bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt.
Oliver Allen, nhà kinh tế thị trường tại Capital Economics, cho biết: "Các nền dân chủ phương Tây đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi theo đuổi chiến lược gây áp lực kinh tế mạnh mẽ lên Nga thông qua việc loại bỏ nước này khỏi thị trường tài chính toàn cầu".
Ông nói thêm: "Nếu Nga tiếp tục con đường hiện tại của mình, rất dễ thấy rằng các lệnh trừng phạt mới nhất có thể chỉ là những bước đầu tiên trong việc cắt đứt lâu dài các mối quan hệ tài chính và kinh tế của Nga với phần còn lại của thế giới".
Các nước phương Tây đã loại trừ việc gửi quân đến Ukraine, coi các biện pháp trừng phạt là biện pháp chính để thách thức Nga. Theo Oxford Economics, các biện pháp này có thể làm giảm tới 6% tổng sản phẩm quốc nội của Nga.
"Nói một cách đơn giản, chiến lược của chúng tôi là đảm bảo rằng nền kinh tế Nga sẽ đi lùi chừng nào Tổng thống Putin quyết định vẫn duy trì hành động quân sự tại Ukraine", một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ nói với các phóng viên.
Sức mạnh của nền kinh tế Nga
Kể từ năm 2014, khi Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow sau khi sáp nhập Crimea và cáo buộc liên quan đến vụ bắn rơi chiếc máy bay MH17 của Hãng hàng không Malaysia, nền kinh tế trị giá 1,5 nghìn tỷ USD của Nga, lớn thứ 11 trên thế giới, đã phải hứng chịu nhiều trừng phạt.
Từ thời điểm đó, Moscow đã cố gắng giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế dầu mỏ của mình đối với đồng đô la, hạn chế chi tiêu của chính phủ và dự trữ ngoại tệ.
Các nhà hoạch định kinh tế của ông Putin cũng đã tìm cách thúc đẩy sản xuất một số mặt hàng trong nước bằng cách chặn các sản phẩm tương đương từ nước ngoài. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Nga đã tích lũy được kho dự trữ trị giá 630 tỷ USD bao gồm ngoại tệ và vàng - một số tiền khổng lồ so với hầu hết các quốc gia khác.
Và hàng rào phòng thủ đó hiện đang được thử nghiệm trước loạt trừng phạt của phương Tây.
Theo Capital Economics, các biện pháp trừng phạt mới nhất đã khiến khoảng 50% kho dự trữ ngoại hối của Nga rơi vào diện không thể tiếp cận.
"Các điều kiện bên ngoài đối với nền kinh tế Nga đã thay đổi mạnh mẽ", ngân hàng trung ương Nga cho biết hôm thứ Hai và thông báo rằng họ sẽ tăng gần gấp đôi lãi suất lên 20%. "Điều này là cần thiết để hỗ trợ ổn định tài chính và giá cả và bảo vệ các khoản tiết kiệm của người dân khỏi bị mất giá", ngân hàng Nga nói thêm.
Nga cũng đang áp đặt các biện pháp kiểm soát vốn. Ngân hàng trung ương nước này vào thứ Hai đã ra lệnh cho các công ty bán ngoại tệ để hỗ trợ đồng Rúp khi đồng tiền này giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ. Ông Putin cũng đang lên kế hoạch ra một sắc lệnh tạm thời cấm các công ty và nhà đầu tư nước ngoài bán tài sản của Nga.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Biden nói với các phóng viên rằng: "Kho dự trữ ngoại hối trị giá hơn 600 tỷ USD của Nga chỉ có giá trị lớn nếu ông Putin có thể sử dụng nó".
Kịch bản căng thẳng kế tiếp
Mọi con mắt đều đang đổ dồn vào hệ thống tài chính Nga.
Cuối tuần qua đã có nhiều thông tin cho biết người Nga đã phải xếp hàng dài để rút tiền mặt từ các máy ATM vì lo ngại các ngân hàng Nga hết tiền. Vốn đã là mục tiêu chính của các lệnh trừng phạt, các ngân hàng Nga có thể phải chịu áp lực lớn hơn nữa nếu những người đi vay không thể trả các khoản vay do suy thoái và sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và hộ gia đình.
Liam Peach, một nhà kinh tế học về thị trường mới nổi tại Capital Economics, cho rằng các ngân hàng Nga có thể buộc phải ứng phó với tình hình bằng cách bán tài sản - có thể là với giá rẻ. Tín dụng có thể trở nên khan hiếm khi sức ép kinh tế từ các lệnh trừng phạt thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Một hệ lụy ban đầu là công ty con ở châu Âu của Sberbank, công ty cho vay lớn nhất của Nga đã bị các đồng minh phương Tây trừng phạt. Ngân hàng Trung ương châu Âu cho biết hôm thứ Hai rằng Sberbank châu Âu, bao gồm cả các chi nhánh ở Áo và Croatia, đang nguy ngập khi "dòng tiền gửi bị rút ra đáng kể".
Một vấn đề khác là các ngân hàng Nga chỉ có đủ ngoại tệ trong tay để trang trải khoảng 15% số tiền gửi bằng ngoại tệ trên sổ sách của họ. Ngân hàng trung ương thông thường sẽ cung cấp ngoại tệ cho các ngân hàng nhưng trong khi không tiếp cận được một nửa kho tiền ngoại hối, ngân hàng trung ương Nga khó có thể làm được điều đó và đồng thời vẫn phải bảo vệ đồng rúp.
Ngân hàng trung ương Nga có thể phải chịu áp lực trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm tới khi phương Tây có thể có thêm các hành động mạnh hơn nữa. Theo Viện Tài chính Quốc tế, Mỹ và các đồng minh có thể đưa nhiều ngân hàng Nga hơn ra khỏi hệ thống SWIFT và hạn chế hơn nữa quyền tiếp cận của họ với đô la và euro. Phương Tây cũng có thể cắt giảm xuất khẩu năng lượng của Nga, mặc dù điều đó sẽ khiến giá cả tăng vọt.
Tuy nhiên, nước Nga lâu nay đã luôn chuẩn bị sẵn sàng trước các đòn trừng phạt từ Mỹ và phương Tây. Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong vài năm qua đã chuẩn bị trước cho kịch bản hiện tại và nền kinh tế Nga đã được tái cấu trúc với mục đích tăng cường sức chống chịu trước sức ép từ Mỹ và các đồng minh phương Tây với việc nắm giữ sự chủ động về khí đốt, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD hay tìm kiếm lối thoát bằng tiền điện tử.
Đồng thời, trong khi Nga là bên chịu nhiều ảnh hưởng trước các đợt trừng phạt kinh tế ban đầu này thì một khi xung đột kinh tế leo thang, cả hai phía đều phải gánh chịu những hậu quả lớn. Trên thực tế, không phải tất cả các nước châu Âu đều đồng ý thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề đối vào Nga. Các ngân hàng lớn của Nga đã hội nhập sâu rộng vào hệ thống tài chính toàn cầu, đồng nghĩa là bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với các tổ chức tài chính lớn nhất có thể dẫn tới tác động vượt khỏi biên giới nước này. Riêng việc loại Nga khỏi hệ thống SWIFT, chính Mỹ và Đức sẽ chịu thiệt hại nhất vì ngân hàng của Mỹ và Đức sử dụng SWIFT thường xuyên nhất để liên lạc với các ngân hàng Nga.
"Đừng quên rằng trong lịch sử loài người, các cuộc chiến kinh tế thường trở thành các cuộc chiến thực", cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết tuần trước, đáp lại những bình luận của Le Maire.