• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng Ukraine: Thêm động lực cho kỷ lục Trung – Nga?

Thế giới 24/01/2022 11:45

(Tổ Quốc) - Moscow có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Bắc Kinh khi nước này hứng chịu các lệnh trừng phạt mới của phương Tây, theo tờ Nikkei Asia.

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đã đạt kỷ lục 146,88 tỷ USD vào năm 2021, tăng 35,8% so với năm trước, theo số liệu gần đây của Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Mặc dù Moscow vẫn chưa công bố ước tính cuối cùng của họ, nhưng đại diện thương mại của Nga tại Trung Quốc, Alexey Dakhnovsky, đã thông tin với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA-Novosti vào đầu tháng này rằng con số thực sự được dự đoán cũng đã vượt quá 140 tỷ USD.

Vào tháng tới, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông ở Bắc Kinh và gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các nhà lãnh đạo hai bên dự kiến sẽ ký một số thỏa thuận kinh tế và chính trị cấp cao, có khả năng bao gồm hợp đồng của đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Power of Siberia-2.

Các nhà phân tích cho rằng mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây về vấn đề Ukraine, đặc biệt là trước nguy cơ sẽ có các biện pháp trừng phạt mới chống lại Moscow, có khả năng thắt chặt mối quan hệ giữa Điện Kremlin với Bắc Kinh hơn nữa.

Tiếp nối đà phát triển quan hệ

Artyom Lukin, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Liên bang Viễn Đông của Nga, đã thông tin với Nikkei Asia rằng các quan chức Nga có thể đang tham khảo ý kiến của những người đồng cấp Trung Quốc về cách giảm thiểu tác động tiềm tàng của các hình phạt mới từ phương Tây. Ông lập luận rằng sự cứng rắn hiện tại của Điện Kremlin cho thấy rằng Moscow dường như tin tưởng rằng họ có thể dựa vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh.

Khủng hoảng Ukraine: Thêm động lực cho kỷ lục Trung – Nga? - Ảnh 1.

Quan hệ thương mại Trung - Nga đang được tăng cường mạnh mẽ. Ảnh: Nikkei Asia.

Ông Lukin nói: "Tôi nghĩ ông Putin có thể đã nhận được một số đảm bảo từ ông Tập rằng nếu một cuộc khủng hoảng nổ ra ở Ukraine và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt lớn chống lại Nga, thì Trung Quốc sẽ sánh vai cùng Nga".

Trong thập kỷ qua, Moscow và Bắc Kinh đã tìm cách tăng cường mối quan hệ chính trị bằng việc thúc đẩy thêm sự hợp tác kinh tế. Thương mại giữa hai nước đã tăng 167% kể từ năm 2010, mức tăng trưởng đáng kể nhất trong vài năm qua. Sự gia tăng thương mại được hỗ trợ bởi một loạt các dự án năng lượng lớn, chẳng hạn như đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Power of Siberia-1 trị giá 55 tỷ USD, đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương trị giá 25 tỷ USD và nhà máy xử lý khí Amur trị giá 13 tỷ USD.

Theo Chris Devonshire-Ellis, đối tác sáng lập của Dezan Shira & Associates, một công ty tư vấn hoạt động với các nhà đầu tư châu Á, Nga và Trung Quốc đã tuyên bố sẽ nâng kim ngạch thương mại lên 200 tỷ USD vào năm 2024. Chỉ riêng xu hướng kinh tế gần đây cũng cho thấy các nước có khả năng đạt được mục tiêu đó.

Chuyên gia Devonshire-Ellis cũng dự đoán rằng căng thẳng địa chính trị gia tăng sẽ tiếp thêm động lực cho nỗ lực này bằng cách biến các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Trung Quốc trở thành một điều cần thiết đối với Điện Kremlin. Ông nói: "Nếu các biện pháp trừng phạt thương mại tiếp tục được áp dụng đối với Nga, Moscow sẽ cần phải tăng cường khả năng tìm nguồn cung ứng của Nga ở những nơi khác, trong đó Trung Quốc là một lựa chọn phù hợp".

Nguy cơ trừng phạt chực chờ?

Và đây là một khả năng có thể xảy ra. Trong những tuần gần đây, cả Mỹ và Liên minh châu Âu EU đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga với cáo buộc Moscow đưa hơn 100.000 quân và thiết bị hạng nặng đến gần Ukraine. Chính quyền Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lo ngại rằng việc triển khai hàng loạt quân sự và khí tài là dấu hiệu cho thấy Nga đang chuẩn bị tấn công nước láng giềng trong tháng tới.

Tổng thống Biden trong tuần này cho biết ông nghĩ Nga sẽ "can dự" vào Ukraine, và nước này sẽ "phải trả một cái giá đắt, ngay lập tức, cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn."

Điện Kremlin phủ nhận các cáo buộc, nói rằng cuộc diễn tập của họ giống các cuộc tập trận bình thường. Đồng thời, Nga cũng thúc giục Mỹ và NATO đưa ra "những đảm bảo an ninh ràng buộc về mặt pháp lý" rằng liên minh này sẽ không kết nạp Ukraine và sẽ rút tất cả cơ sở hạ tầng quân sự của họ về các vị trí mà họ nắm giữ vào năm 1997, năm Nga và NATO ký thỏa thuận quan hệ.

Trong cuộc họp hội đồng quốc phòng vào cuối tháng trước, ông Putin cảnh báo rằng Nga sẵn sàng thực hiện các biện pháp "quân sự-kỹ thuật" nếu phương Tây từ chối đáp ứng các yêu cầu của họ.

Tháng này, các đảng viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, với sự ủng hộ từ Nhà Trắng, đã đưa ra luật áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với Nga nếu nước này tấn công Ukraine. Dự luật được đề xuất kêu gọi các biện pháp trừng phạt đối với ông Putin và các quan chức cấp cao khác của Nga, hàng chục ngân hàng lớn nhất của nước này, khoản nợ quốc gia của Nga và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream-2 tới Đức.

Chính quyền Biden cũng đã đe dọa áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, có thể làm giảm khả năng tiếp cận của Nga với các công nghệ và các thành phần quan trọng của Mỹ.

Ngoài ra, các ngoại trưởng EU cũng cảnh báo Moscow vào thứ Sáu tuần trước rằng khối này sẽ đưa ra một phản ứng "mạnh mẽ" đối với bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của Nga vào Ukraine.

Do đó, chuyên gia Lukin của Đại học Liên bang Viễn Đông cho rằng việc quay sang Trung Quốc có thể giúp Nga giảm bớt đòn trừng phạt mới của phương Tây theo hai cách chính.

Trước tiên, Nga cần phải lên kế hoạch xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới với Trung Quốc trong trường hợp Moscow bị chặn khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT có trụ sở tại Bỉ. Thứ hai, Nga có thể thay thế một số sản phẩm công nghệ cao của phương Tây bằng sản phẩm thay thế của Trung Quốc.

Ông nói: "Rõ ràng Trung Quốc không thể thay thế mọi thứ, nhưng trong nhiều lĩnh vực, Trung Quốc đưa ra giải pháp thay thế nghiêm túc cho các sản phẩm của phương Tây. Nếu các lệnh trừng phạt được thực thi, Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mở rộng thương mại với Trung Quốc - ngay cả khi các sản phẩm của Trung Quốc ở một số ngành có giá cao hơn và chất lượng thấp hơn".

Đó không phải là nhược điểm tiềm ẩn duy nhất. Trong khi việc xoay trục sang Trung Quốc có thể giúp Nga cứu vãn tình thế sớm, lựa chọn này cũng có thể có nguy cơ làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng kinh tế giữa hai nước. Năm 2021, Trung Quốc chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch thương mại của Nga và trở thành đối tác hàng đầu của Moscow trong hơn một thập kỷ. Ngược lại, tỷ trọng của Nga trong kim ngạch thương mại 6,51 nghìn tỷ USD của Trung Quốc chỉ chiếm hơn 2%.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ