• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Khủng hoảng vận chuyển hàng hóa ở Biển Đỏ có thể làm tăng lạm phát toàn cầu

Thế giới 22/02/2024 12:20

(Tổ Quốc) - Theo trang SCMP, cuộc tấn công tên lửa của lực lượng Houthi vào tàu Rubymar - tàu chở hàng do Lebanon điều hành, treo cờ Belize và đăng ký tại Anh mới đây đã làm giảm hy vọng chấm dứt tình trạng ùn tắc vận chuyển giữa châu Á và châu Âu và người tiêu dùng bán lẻ dự kiến ​​sẽ phải chịu chi phí cao hơn.

Gián đoạn thương mại toàn cầu

Đến hiện tại, sự gián đoạn thương mại toàn cầu đã bắt đầu ảnh hưởng đến các nhà bán lẻ dự trữ khi hàng tồn kho linh kiện đã bắt đầu giảm dần. Điều này khiến nỗi lo lạm phát lại gia tăng và làm lu mờ hy vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Khủng hoảng vận chuyển hàng hóa ở Biển Đỏ có thể làm tăng lạm phát toàn cầu - Ảnh 1.

Tàu chở hàng di chuyển trên Biển Đỏ. Ảnh: IRNA/TTXVN

90% tàu thuyền vận chuyển toàn cầu đang tránh Biển Đỏ do chiến dịch tấn công liên tục của lực lượng Houthi từ Yemen vào các tàu thuyền trong vùng biển. Ông Blair Robbins, đối tác tại Eisner Advisory Group LLC, một công ty tư vấn và kế toán có trụ sở tại New York cho biết điều này khiến các con tàu mất nhiều thời gian hơn bình thường để đến đích, từ đó gây ra tình trạng thiếu các bộ phận lắp ráp quan trọng cho các nhà sản xuất.

Những sự gián đoạn cũng đã khiến các nhà sản xuất ô tô như Tesla và Volvo phải tạm dừng một số hoạt động sản xuất ở châu Âu do thiếu linh kiện. Các giám đốc điều hành cho biết nếu không có giải pháp trước mắt cho cuộc khủng hoảng có thể sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ở các lĩnh vực khác.

"Khi các nhà sản xuất không thể nhập đủ các bộ phận lắp ráp cần thiết thì họ buộc phải hủy đơn đặt hàng vì không sản xuất ra sản phẩm", ông Blair Robbins nói.

Ông Robbins cho rằng các nhà sản xuất đang phải đối mặt với khó khăn gấp đôi vì phụ thuộc vào hàng tồn kho để vượt qua cuộc khủng hoảng nguồn cung. Kể từ tháng 3/2022, lãi suất ngân hàng tại Mỹ đã tăng lên là một trong những mức cao nhất trong nhiều năm.

"Bằng cách này hay cách khác, giá hàng hóa đang bị ảnh hưởng. Sự gián đoạn vận chuyển càng kéo dài sẽ tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng. Tác động có thể sẽ được cảm nhận sâu sắc hơn khi các nhà bán lẻ bắt đầu bổ sung thêm hàng lên kệ vào mùa xuân trong khoảng một tháng nữa," ông Robbins nói thêm.

Triển vọng lạm phát u ám

Cuộc tấn công mới đây của phiến quân Houthi xảy ra ngay khi lịch trình vận chuyển bắt đầu đi vào ổn định và giá cước giảm nhẹ sau khi tăng gấp đôi trước đó.

"Những lo ngại về khả năng xảy ra xung đột ngày càng gia tăng ở Trung Đông sẽ đẩy giá năng lượng và lương thực tăng cao, làm gián đoạn đà giảm phát toàn cầu. Tín hiệu này cũng sẽ đẩy lùi kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của FED trong năm nay, đặc biệt nếu thị trường việc làm Mỹ vẫn kiên cường và nền kinh tế Mỹ bền vững", Bernard Aw, Nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Coface, một công ty bảo hiểm tín dụng toàn cầu cho biết.

Ông nói thêm, giá hàng hóa, đặc biệt là năng lượng, cũng sẽ định hình triển vọng lạm phát toàn cầu trong năm nay. Giá dầu thô đã tăng khoảng 6% từ đầu năm đến nay trong bối cảnh các cuộc tấn công nhằm vào hoạt động vận chuyển.

Ngày 20/2, giá dầu dao động gần mức cao nhất trong 3 tuần với dầu Brent giao dịch ở mức 83,48 USD/thùng.

"Sau khi nới lỏng đáng kể trong hầu hết năm 2023 – giảm xuống mức thấp hơn đáng kể so với mức trung bình lịch sử – áp lực chuỗi cung ứng bắt đầu tăng lên vào nửa cuối năm ngoái và trở lại mức trung bình trước Covid-19", Jamus Lim, Phó Giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh ESSEC, Châu Á-Thái Bình Dương cho biết.

Tuy nhiên, ông Lim cũng lưu ý rằng chi phí vận chuyển toàn cầu đã tăng đều đặn kể từ khi chạm mức thấp vào đầu năm ngoái, tăng vọt trong thời gian ngắn vào tháng 11 sau cuộc tấn công Biển Đỏ đầu tiên của lực lượng Houthis.

"Theo quan điểm của tôi, sự tái xuất hiện tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng có thể gây ra nguy cơ lạm phát tăng cao nhất trong năm tới," ông Lim nhấn mạnh.

Các nhà đầu tư đang đặt hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế sau chu kỳ tăng lãi suất. Các ngân hàng trung ương châu Á và các nước khác cũng lấy tín hiệu từ FED.

"Tín hiệu hiện đáng lo ngại nhưng nếu tỷ lệ lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu 2% của FED cho đến giữa năm nay, tôi không hiểu FED có thể bắt tay vào chu kỳ cắt giảm lãi suất như thế nào", ông Lim nói thêm.

Trong khi đó, các nhà phân tích vẫn cho rằng những khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.

"Nhìn chung, có vẻ như chúng ta chỉ mới bắt đầu nhìn thấy tác động của cuộc khủng hoảng Biển Đỏ xuyên suốt quá trình sản xuất khi thời gian giao hàng của các nhà cung cấp trên toàn cầu đã kéo dài lần đầu tiên sau một năm vào tháng 1 năm nay", Shanella Rajanayagam, chuyên gia kinh tế thương mại tại HSBC nhấn mạnh.

Theo bà Rajanayagam, sự gián đoạn vận chuyển càng kéo dài thì càng có nhiều sự chậm trễ và gián đoạn trong sản xuất hơn mức có thể dự kiến. Các doanh nghiệp đã sử dụng hàng tồn kho mà họ tích lũy trong những năm đại dịch. Tuy nhiên, tồn kho đầu vào sản xuất đã giảm, cụ thể là trong 16 tháng qua đối với các nhà sản xuất ở Anh và trong 17 tháng đối với các công ty Mỹ.

"Có nguy cơ tình trạng thiếu hụt có thể xảy ra, đặc biệt nếu khủng hoảng kéo dài và các doanh nghiệp khi đó sẽ tìm cách xây dựng giải pháp giảm thiểu sự gián đoạn thương mại hơn nữa, gây ra sự gia tăng nhu cầu có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn hiện tại", bà Rajanayagam lưu ý.

Naïk Londono, đồng Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của công ty công nghệ container thông minh AELER cho biết các chủ hàng đang ngày càng coi vận tải hàng không như một giải pháp thay thế để tránh sự chậm trễ trong vận chuyển đường thủy. Thông thường, vận tải hàng không được sử dụng cho các mặt hàng đắt tiền như chip bán dẫn hoặc kim loại quý.

Một số nhà phân tích cũng bày tỏ kỳ vọng về lãi suất thấp hơn là không thay đổi.

"Có thể mức độ gián đoạn hiện tại đang ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và do đó gây áp lực lên lạm phát. Nhưng cường độ tại thời điểm này có vẻ khá nhỏ và không đủ lớn để thay đổi chính sách lãi suất", ông Antonio Fatas, Giáo sư kinh tế tại trường kinh doanh INSEAD nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ