• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kịch bản Biển Đông sau ngày 12/7

Thế giới 08/07/2016 06:36

(Tổ Quốc) - Bắc Kinh lo lắng trước phán quyết của PCA và thất bại của “ngoại giao chu biên”.

Cuộc vận động quốc tế của ngoại giao Trung Quốc càng trở nên gấp gáp trước thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các tranh chấp trên Biển Đông. Các phán quyết dự kiến đưa ra ngày 12/7 tới. Trung Quốc tuyên bố PCA không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này và họ sẽ không chấp nhận phán quyết của Tòa.

 Đội tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ hoạt động tại Biển Đông

Tình hình Biển Đông có thể căng thẳng hơn không?

Tình hình Biển Đông vốn đã căng thẳng do hàng loạt các hành động gây hấn của Trung Quốc bồi đắp và hoàn thiện các công trình quân dân sự xây dựng trên các đảo thuộc các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trung Quốc đã đưa các tên lửa phòng không và máy bay không người lái ra Hoàng Sa.

Tờ Thời báo Hoàn cầu đã lớn tiếng kêu gọi chuẩn bị có các hành động quân sự ở Biển Đông. Để phô trương sức mạnh, Trung Quốc đã bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài một tuần trên Biển Đông ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa.

Các hành động như vậy trước hết là nhằm xoa dịu dư luận trong nước.

Để gây sức ép với chính quyền mới của Philippines, Trung Quốc còn tung tin sẽ tiến hành bồi đắp bãi cạn Scarborough mà họ gọi là Hoàng Nham, hoặc sẽ kéo con tàu cũ nơi một tiểu đội hải quân Philippines đang đồn trú ra khỏi vị trí của bãi Cỏ Mây.

Ngoại giao Trung Quốc đã phát động một chiến dịch tuyên truyền quốc tế để phản bác vụ kiện của Philippines, hạ uy tín của PCA, đồng thời lôi kéo một số quốc gia ủng hộ những tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Điều đó cho thấy Trung Quốc không hề và không thể “phớt lờ” các phán quyết mà Tòa Trọng tài có thể đưa ra.

Các phán quyết này sẽ có một số tác động sâu xa đến vấn đề Biển Đông, góp phần tích cực vào việc giải quyết cuộc xung đột tại vùng biển  này trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Nhiều học giả Trung Quốc thậm chí còn nói rằng Bắc Kinh có thể rút khỏi Công ước Liên hợp quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS). Nhưng giới phân tích quốc tế cho rằng ngay dù Trung Quốc có rút khỏi Công ước này thì hành động ấy cũng không ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa trọng tài và chỉ càng đặt Bắc Kinh vào những tình huống khó khăn về đối ngoại về sau này.

Mỹ đối phó như thế nào?

Các sĩ quan hải quân Mỹ ngày 7/7 cho biết các tàu khu trục Stethem, Spruance và Momsen của nước này đã tuần tra gần những thực thể mà Trung Quốc kiểm soát ở quần đảo Trường Sa và bãi đá ngầm Scarborough. Hàng không mẫu hạm Mỹ vẫn hoạt động tại khu vực Biển Đông.

Người Mỹ dường như không thỏa hiệp với Trung Quốc trong vấn đề Scarborough. Điều có thể hiểu được là một khi Trung Quốc bồi đắp bãi cạn này, họ sẽ hình thành căn cứ tiền tiêu đầu tiên ở phía đông Biển Đông, cách đảo Hải Nam hơn 400 dặm và chỉ cách bờ biển Philippines 120 dặm.

Nhưng điều Mỹ quan tâm hơn cả, đó là nếu thiết lập được tiền đồn này, Trung Quốc có thể tạo nên một “tam giác chiến lược” nối với Hoàng Sa và Trường Sa, để khống chế khu vực  trung tâm Biển Đông nơi có độ biển sâu 5000 mét để ẩn dấu các hoạt động của các tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc mang tên lửa đạn đạo gắn đầu đạn hạt nhân có thể bắn đến lãnh thổ Mỹ.

Ngoại giao Mỹ đã nắm bắt cơ hội bằng cách bắt đầu một chiến dịch ngoại giao, ủng hộ PCA và thuyết phục các đồng minh công khai đưa ra những tuyên bố về trật tự trên biển dựa trên các quy định và việc sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.

Paul S. Reichler, Trưởng nhóm luật sư nước ngoài đầy kinh nghiệm mà Philippines thuê thực hiện vụ kiện tại La Hay, cho rằng nếu Trung Quốc không chấp nhận phán quyết của PCA, các quốc gia khác sẽ liên kết để chống lại họ. Ông này nói: “Trung Quốc sẽ đứng trước hai sự lựa chọn: hoặc có sự thỏa hiệp hoặc gây thù oán với các nước láng giềng và đẩy khu vực vào tình trạng hỗn loạn và bất ổn kéo dài”.

Trong nội bộ Trung Quốc cũng có ý kiến cho rằng vụ kiện của Philippines là một thất bại của ngoại giao Trung Quốc, cũng là thất bại của chính sách ngoại giao láng giềng mà Bắc Kinh gọi là “ngoại giao chu biên”. Dù các phán quyết của Tòa trọng tài là gì và hậu quả của các phán quyết này ra sao, thì đây là lần đầu tiên Trung Quốc đã bị kiện trước một toà án quốc tế./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ