(Tổ Quốc) - Thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới đang chịu nhiều tác động từ các quan chức tình báo cũng như các đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản.
Giám đốc CIA Mỹ Mike Pompeo – kiêm ứng viên cho chức Ngoại trưởng Mỹ đã có chuyến thăm bí mật tới Triều Tiên trong dịp lễ Phục Sinh và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để thảo luận về một hội nghị thượng đỉnh dự kiến với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, các quan chức Mỹ ngày 17/4 cho biết.
Động thái này đánh dấu chuyến thăm của một quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Mỹ từng gặp ông Kim kể từ chuyến đi của cựu quan chức tình báo Mỹ James Clapper tới Bình Nhưỡng năm 2014. Chuyến thăm này cũng đưa ra dấu hiệu mạnh mẽ nhất về sự sẵn sàng của ông Trump để trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đối thoại trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Đây là chuyến thăm của một quan chức cao cấp nhất trong chính quyền Mỹ từng gặp ông Kim kể từ chuyến đi của cựu quan chức tình báo Mỹ James Clapper tới Bình Nhưỡng năm 2014. (Nguồn: Reuters) |
Kì vọng vào thượng đỉnh Mỹ - Triều
Chuyến thăm này, theo một quan chức Mỹ, đã được sắp xếp bởi giám đốc tình báo Hàn Quốc Suh Hoon cùng với người đồng nhiệm Kim Jong Chol của Triều Tiên.
Pompeo, một trong những cố vấn đáng tin cậy nhất của ông Trump, sau cuộc gặp đã đưa ra báo cáo cần tiếp tục theo đuổi khả năng tổ chức một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng nói thêm rằng chưa có địa điểm nào được lựa chọn từ danh sách có sẵn, và do đó chưa có sự sắp xếp hậu cần nào được đưa ra cho đến nay.
Ông Trump hôm thứ ba cũng cho biết, Hoa Kỳ đã có các cuộc đàm phán trực tiếp ở "mức cao" với Triều Tiên để cố gắng xây dựng chương trình cho hội nghị thượng đỉnh giữa ông và ông Kim.
Những nỗ lực để bố trí một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chưa từng có hiện tại đã giúp giảm bớt căng thẳng đối với việc phát triển tên lửa hạt nhân của Bình Nhưỡng. Theo các quan chức Mỹ và Hàn Quốc, ông Kim đã đồng ý thảo luận về việc phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên.
Lợi ích của Nhật Bản?
Ông Trump tiết lộ rằng các quan chức Mỹ đang xem xét năm địa điểm cho sự kiện này. Khi được hỏi liệu có địa điểm nào nằm tại Hoa Kỳ không, ông Trump trả lời là "Không."
Một quan chức Mỹ cho hay, Đông Nam Á và Châu Âu nằm trong số những địa điểm đang thảo luận. Ông Kim rất ít khi rời khỏi Triều Tiên.
Trung tâm của sự đồn đoán bao gồm một loạt các địa điểm như Bình Nhưỡng, vùng phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên, Stockholm, Geneva và Mông Cổ.
Những diễn biến này được công bố sau khi ông Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe có hai ngày đối thoại tại khu tư dinh Mar-a-Lago của Tổng thống Trump ở Palm Beach, Florida.
Các cuộc đàm phán giữa hai ông Trump và ông Abe hiện tại tập trung chủ yếu vào hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, trong bối cảnh Nhật tìm kiếm một cam kết của Hoa Kỳ rằng bất kỳ cuộc giải trừ phi hạt nhân nào với Triều Tiên sẽ hạn chế không chỉ các tên lửa tầm xa mà còn cả tên lửa tầm ngắn nhằm vào Nhật Bản.
Ông Abe nói với ông Trump rằng: "Đối với vấn đề Triều Tiên, tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiến trình phi hạt nhân hoá hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược, cùng với việc loại bỏ các chương trình tên lửa của Triều Tiên".
Mục tiêu Mỹ, Nhật hậu thượng đỉnh
Về phần mình, ông Trump nói rằng ông và nhà lãnh đạo Nhật Bản đã đạt được sự thống nhất. "Nhật Bản và chúng tôi đang liên kết chặt chẽ, và chúng tôi rất đoàn kết về chủ đề Triều Tiên," ông nói.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng, vẫn có khả năng các nỗ lực ngoại giao để sắp xếp một hội nghị thượng đỉnh với ông Kim sẽ đổ vỡ, và nếu điều này xảy ra, Hoa Kỳ và các đồng minh sẽ duy trì sức ép lên Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt.
"Có thể mọi thứ sẽ không tốt và chúng tôi sẽ không có các cuộc họp, lúc này chúng tôi sẽ tiếp tục đi theo con đường cứng rắn mà chúng tôi đã thực hiện", ông nói.
Ông Trump cũng ủng hộ nỗ lực giữa Hàn Quốc và Triều Tiên nhằm chấm dứt tình trạng chiến tranh – về mặt kĩ thuật vẫn kéo dài giữa hai bên kể từ năm 1953.
"Mọi người không nhận ra Chiến tranh Triều Tiên vẫn chưa kết thúc. Điều này sẽ được thúc đẩy ngay bây giờ. Họ đang thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh. Về việc tìm kiếm thỏa thuận, cả trong tiến trình thảo luận, họ nhận được sự ủng hộ của tôi, "ông nói.
Cả hai ông Trump và Abe có thể thông qua một hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công để tìm kiếm sự ủng hộ tại chính trường nước nhà.
Ông Trump đã có mối quan hệ gần gũi với ông Abe trong suốt 15 tháng cầm quyền và cả hai đã tiếp xúc nồng ấm trong suốt chuyến thăm của ông Abe tới Florida cách đây hơn một năm và chuyến thăm của ông Trump tới Tokyo vào tháng 11 năm ngoái.
Ông Trump hiện gặp nhiều “sóng gió” từ những cuộc tranh luận liên quan đến một cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Còn ông Abe đang phải vật lộn với tỉ lệ ủng hộ ngày càng giảm vì những vụ bê bối tới đất công hay hoạt động của lực lượng an ninh Nhật tại nước ngoài.