(Tổ Quốc) - Kiên Giang ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025; Kiên Giang rà soát, điều chỉnh các quy định về xét, công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Ấp, Khu phố văn hóa", Tiền Giang báo cáo kết quả tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 là tin gia đình đáng chú ý tại 2 tỉnh vừa qua.
- 12.10.2019 Kiên Giang: Xây dựng vùng đồng bào các dân tộc thiểu số đậm đà bản sắc văn hóa
- 10.08.2019 Triển khai Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tại Kiên Giang
- 12.04.2019 Kiên Giang: Họp mặt Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2019
- 14.11.2018 Kiên Giang: Biểu dương gương điển hình phụ nữ khởi nghiệp
- 09.11.2018 Kiên Giang: Tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Kiên Giang ban hành Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025.
UBND tỉnh Kiên Giang vừa ban hành Kế hoạch số 70/KH-UBND về hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2020-2025.
Theo đó, mục tiêu kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2020-2025 gồm:
Phấn đấu 80% trở lên gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp với lứa tuổi;
Phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, địa phương tham gia làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; dịch vụ bảo vệ trẻ em, đặc biệt là dịch vụ bảo vệ trẻ em trong trường hợp khẩn cấp;
Phấn đấu 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và người học; thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện người học bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục;
Phấn đấu 100% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em;
Phấn đấu 100% cán bộ công an làm công tác điều tra các vụ việc bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em được nâng cao năng lực thực hiện hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em; 40% các huyện, thành phố xây dựng mô hình Phòng điều tra thân thiện với trẻ em.
Ủy ban nhân dân tỉnh đề ra 6 nhóm nội dung tập trung thực hiện kế hoạch:
Một là, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng về bảo vệ trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, xã hội, cha mẹ và trẻ em. Nội dung các hoạt động như: Thông qua hoạt động hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ… để hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em để thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi, quan niệm trong việc bảo vệ trẻ em. Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và vận động xã hội về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn, bồi dưỡng… Tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng chương trình, sản phẩm truyền thông, biên soạn tài liệu… Tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội thi và các hình thức phù hợp khác.
Hai là, phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Nội dung hoạt động gồm: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhận diện, phát hiện, thông báo, tố giác; giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng phòng ngừa đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em và quảng bá Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111). Tích hợp nội dung giáo dục phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp đối với bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em vào kế hoạch giáo dục nhà trường; thực hiện các phương pháp giáo dục tích cực, không bạo lực đối với người học. Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục… Hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục.
Ba là, cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em hiện có của tỉnh. Nội dung hoạt động: Tổ chức nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ bảo vệ trẻ em, dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em là nạn nhân của bạo lực, xâm hại tình dục. Tổ chức học tập, chia sẻ kinh nghiệm về công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các địa phương và các tỉnh.
Bốn là, tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành y tế đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Tổ chức lồng ghép hoạt động phòng ngừa bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vào hoạt động khám, chữa bệnh cho trẻ em và hoạt động tư vấn, hỗ trợ tâm lý trong các đơn vị, cơ sở y tế. Xây dựng và thực hiện quy trình tiếp nhận khám, chữa bệnh; tăng cường năng lực nhân viên y tế; cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, chất lượng cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại.
Năm là, tăng cường công tác điều tra thân thiện đối với trẻ em. Thực hiện quy định và tiêu chuẩn về hoạt động điều tra thân thiện với trẻ em; thí điểm kết nối các biện pháp điều tra thân thiện với cung cấp dịch vụ y tế, hỗ trợ tâm lý, phúc lợi xã hội, dịch vụ bảo vệ trẻ em là người bị hại, người làm chứng của bạo lực, xâm hại tình dục. Nâng cao năng lực cho cán bộ công an làm công tác điều tra thân thiện; xây dựng, phát triển mô hình Phòng điều tra thân thiện với trẻ em và người chưa thành niên.
Sáu là, xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan…
Để triển khai có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, UBND tỉnh đề ra các giải pháp thực hiện như: Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em; phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp; nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp và tăng cường công tác kiểm tra liên ngành…
Việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, giai đoạn 2020-2025 nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp, cộng đồng và mỗi gia đình cùng chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; qua đó, kịp thời phát hiện và ngăn chặn, tố giác hành vi có nguy cơ xâm hại trẻ em, các hành vi xâm hại trẻ em…; bảo đảm quyền và bổn phận của trẻ em được Luật Trẻ em năm 2016 quy định.
Kiên Giang rà soát, điều chỉnh các quy định về xét, công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Ấp, Khu phố văn hóa"
Để thống nhất trong công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa, năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang (VHTT) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (TDĐKXDĐSVH) tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1786/QĐ-UBND ngày 08/8/2019 về việc ban hành Quy định tiêu chuẩn, thang điểm, quy trình xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Ấp, Khu phố văn hóa" trên địa bàn tỉnh, bám theo nội dung Nghị định 122, nhưng bổ sung, giải thích, làm rõ thêm một số tiêu chí, quy trình, thủ tục, nguyên tắc công nhận; xây dựng thang điểm đối với từng tiêu chí phù hợp với địa phương, tăng điểm trừ, điểm liệt và trong từng tiêu chí, chia nhỏ thang điểm theo từng vấn đề cụ thể để các địa phương chấm điểm cho phù hợp, sát với thực tế, tránh trường hợp chấm điểm cảm tính. Nhằm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa, khắc phục tình trạng "bệnh hình thức"; trong quyết định đưa ra 09 trường hợp không xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Ấp, Khu phố văn hóa" so với Nghị định 122 chỉ có 07 trường hợp đối với danh hiệu "Gia đình văn hóa"; 03 trường hợp đối với danh hiệu "Ấp, Khu phố văn hóa".
Là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định số 122 của Chính phủ, một số địa phương còn có những lúng túng nhất định; công tác tuyên truyền về nội dung Nghị định số 122 một số nơi chưa đạt yêu cầu. Sau khi Nghị định 122 của Chính phủ được ban hành và có hiệu lực, Sở VHTT tổ chức 03 lần lấy ý kiến đóng góp dự thảo Quyết định của UBND tỉnh triển khai cụ thể hóa, bằng văn bản, hội nghị với lãnh đạo, chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố, lãnh đạo và công chức văn hóa thuộc UBND xã, phường, thị trấn. Đồng thời, lồng ghép tập huấn tại 12 lớp do Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh tổ chức, cho hơn 1.000 cán bộ, công chức tham gia công tác xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, qua 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 122 và Quyết định định 1786 nảy sinh nhiều điểm bất cập khi bình xét các danh hiệu văn hóa.
Cuối năm 2019, tại tỉnh Hà Nam, Cục Văn hóa cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hội nghị - hội thảo về triển khai Nghị định 122, với sự tham gia của nhiều tỉnh, thành trong cả nước và những khó khăn, bất cập được các đại biểu đặt ra nhưng đến nay nhiều vấn đề chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể. Tại Thông báo số 30/TB-VPCP ngày 23/01/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào TDĐKXDĐSVH tại phiên họp tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020, đã giao Bộ VHTTDL tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ các địa phương về việc thực hiện Nghị định 122; hướng dẫn, rà soát, sửa đổi các tiêu chí văn hóa trong phong trào phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Để khắc phục những khó khăn trên, Sở VHTT tiếp tục đề nghị Bộ VHTTDL rà soát, điều chỉnh những vấn đề còn bất cập trong Nghị định 122, ban hành các văn bản điều chỉnh các tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp; hướng dẫn cụ thể về quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác triển khai, xét tặng danh hiệu và giấy khen gia đình văn hóa, ấp, khu phố văn hóa trong Nghị định 122 để cơ sở có căn cứ thực hiện.
Về Quyết định 1786 của UBND tỉnh Kiên Giang, theo kế hoạch dự kiến đầu tháng 3/2020, Sở VHTT tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, địa phương để kịp thời kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản trong Quyết định 1786 nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương thực hiện bình xét vào cuối năm 2020 nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp và thực hiện tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, của Sở VHTT về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, nên dự kiến dời sang giữa tháng 5/2020.
Tiền Giang báo cáo kết quả tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2020
Sở VHTTDL Tiền Giang vừa có báo cáo số 584 về kết quả tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Trước đó, ngày 3/3/2020, Sở VHTTDL (Thường trực Ban chỉ đạo Công tác Gia đình tỉnh Tiền Giang) đã xây dựng và triển khai Công văn số 288/SVHTT-VHGĐ về việc hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2020 đến các Sở, huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Lai Cậy. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp nên tỉnh Tiền Giang chỉ đạo không tổ chức các hoạt động có sự tập trung đông người, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2020 đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể đã xây dựng 20 băng rôn treo ở các tuyến đường chính trên địa bàn tỉnh, phối hợp với Đài phát thanh – truyền hình tỉnh: tuyên truyền chạy chữ các thông điệp về Ngày Quốc tế Hạnh phúc, phát thanh 287 tin bài tuyên truyền; phối hợp với báo Ấp Bắc thực hiện Chuyên trang về Ngày Quốc tế Hạnh phúc và phát hành 3.000 tờ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Ban chỉ đạo công tác gia đình cấp huyện và 173/173 xã, phường, thị trấn tham mưu UBND cùng cấp chỉ đạo ban ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trọng điểm hưởng ứng Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3) với chủ đề "Yêu thương và chia sẻ", thực hiện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cấp huyện và cơ sở được 568 tin bài về ý nghĩa Ngày Quốc tế Hạnh phúc, các hoạt động xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc, nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán những biểu hiện hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật về gia đình, khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng, treo 509 băng rôn, khẩu hiệu , pano, áp phích tại trụ sở cơ quan, trường học, trục đường chính, nới công cộng, nơi đông dân cư.
Việc tuyên truyền đã tạo được sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, nâng cao nhận thức toàn xã hội về ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3. Những kế quả đạt được góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cũng như phát huy tốt vai trò của các tầng lớp nhân dân trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no, bình đẳng và tiến bộ.