(Tổ Quốc) - Làn sóng Hallyu - hiện tượng văn hóa đại chúng của Hàn Quốc đã mang lại thành công đáng kể cho ngành công nghiệp văn hóa nước này trong thời gian qua.
Theo trang Diplomat, BTS là nhóm nhạc nam Hàn Quốc, gồm 7 thành viên, liên tục tạo tiếng vang lớn trong thị trường âm nhạc quốc tế ngay sau khi ra mắt vào năm 2013. Kể từ khi thành lập, sự nổi tiếng của nhóm nhạc này đã giúp hình ảnh và văn hóa Hàn Quốc lan tỏa khắp thế giới. Theo Viện nghiên cứu Hyundai, nhóm nhạc này ước tính mang đến hơn 3,6 tỷ đô la cho nền kinh tế Hàn Quốc mỗi năm.
Cho đến nay, BTS là biểu tượng thành công nhất của làn sóng Hallyu trong lĩnh vực xuất khẩu văn hóa đại chúng Hàn Quốc. Từ giữa những năm 1990, thuật ngữ "Hallyu" đã xuất hiện khi các bộ phim truyền hình và âm nhạc đại chúng của Hàn Quốc. Làn sóng Hàn Quốc - ban đầu phổ biến ở Đông Á, ra đời bởi sự tương đồng về tâm lý và chuẩn mực văn hóa giữa các quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, sự phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới đã đánh dấu mức độ thành công mới cho văn hóa đương đại Hàn Quốc.
Sự nổi tiếng của BTS và hiện tượng Hallyu là ví dụ điển hình cho "quyền lực mềm" mà Chính phủ Hàn Quốc đã truyền tải thông điệp văn hóa xuyên biên giới.
Văn hóa đại chúng Hàn Quốc
Theo trang Diplomat, sự nổi tiếng của BTS xuất phát từ chiến lược phát triển văn hóa của Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian qua. Vào năm 2001, cựu Tổng thống Hàn Quốc Kim De-jung đã có bài phát biểu đánh giá cao vai trò của làn sóng Hallyu và xem đây là phần ưu tiên trong số các chính sách kinh tế Hàn Quốc. Ông Kim De-jung cho rằng, việc phát triển "ngành công nghiệp không ống khói" sẽ thúc đẩy giá trị gia tăng cao trong khi vốn đầu tư tài nguyên lại tương đối thấp so với các ngành công nghiệp khác. Sau đó, chính quyền cựu Tổng thống Roh Moon-hyun (2003-2007) cũng đặt mục tiêu đưa Hàn Quốc trở thành một trong 5 cường quốc phát triển văn hóa đại chúng và quảng bá hình ảnh quốc gia với thế giới. Với định hướng như vậy, từ thời điểm đó đến nay, hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc bắt đầu tập trung vào ngành công nghiệp truyền thông và sáng tạo, gặt hái nhiều thành công trong lĩnh vực này.
Với tư cách là nhà sản xuất văn hóa đại chúng Hàn Quốc thành công nhất, BTS đã đóng góp đáng kể cho nền kinh tế quốc gia. Ngoài doanh thu bán đĩa nhạc, hàng hóa và vé xem các buổi hòa nhạc, việc thu hút số lượng khách du lịch tới Hàn Quốc bởi vì yêu thích nhóm nhạc này cũng tăng mạnh. Trong năm 2017, ước tính khoảng 800.000 du khách vào Hàn Quốc (chiếm 7% trong số lượt khách đến) chỉ bởi vì yêu thích ban nhạc BTS. Các thành viên trong nhóm nhạc BTS được mệnh danh là "Đại sứ du lịch danh dự" của Seoul khi dành được sự quan tâm lớn của du khách đến thành phố thông qua sáng kiến "Live Seoul Like I Do". Mặt khác, danh sách các địa điểm làm video âm nhạc xuất hiện trên trang web chính phủ "Imagine Your Korea" hoặc trên bìa đĩa album của BTS đã khuyến khích du khách ghé thăm các điểm đến sản xuất video âm nhạc và tự chụp hình các bức ảnh với thần tượng trong nghệ thuật sắp đặt trước.
Tiến sĩ Wantanee Suntikul – Trợ lý Giáo sư ngành Quản lý khách sạn và Du lịch tại Đại học Bách khoa Hồng Kong cho rằng, quyền lực mềm là nền tảng của ngoại giao văn hóa, qua đó các quốc gia có thể huy động nguồn lực văn hóa quốc gia để phát huy giá trị tích cực. Thúc đẩy quyền lực mềm thông qua ngoại giao văn hóa là mục tiêu chung của các nước và Chính phủ Hàn Quốc được đánh giá đã làm tốt điều này. Trong thời gian dài, Hàn Quốc liên tục duy trì các chính sách phát triển văn hóa, khuyến khích sản xuất và phổ biến nội dung Hallyu thông qua khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân sản xuất và quảng bá nội dung. Công ty giải trí Big Hit Entertainment - đơn vị quản lý của BTS đã triển khai thành công chính sách này. Trong một bài phát biểu vào năm 2019, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ca ngợi sự thành công của BTS trong công tác truyền bá văn hóa Hàn Quốc lan tỏa trên khắp thế giới.
"Quyền lực mềm"
Bên cạnh các biện pháp quảng bá chính thức về văn hóa quốc gia, BTS còn thể hiện vai trò quan trọng trong "ngoại giao nhân dân" – là nền tảng truyền bá quyền lực mềm.
Vì vậy, sự yêu thích của người hâm mộ trên toàn cầu đối với BTS là yếu tố then chốt mang đến sự thành công cho nhóm nhạc. Những giai điệu, âm từ trong lời bài hát khiến người nghe cảm thấy an ủi trước các khó khăn, khuyến khích bản thân vượt lên chính mình. Bên cạnh các hoạt động thực tế xã hội, việc sử dụng nền tảng kỹ thuật số là cách làm hiệu quả thúc đẩy chiến dịch hỗ trợ và quảng bá tốt nhất cho nhóm nhạc. Trên các phương tiện truyền thông xã hội, người hâm mộ thường xuyên chia sẻ bản dịch tiếng Anh về bài hát của BTS hay các câu chuyện tin tức về nhóm nhạc.
Mặt khác, BTS cũng cập nhật các hoạt động tích cực trên mạng xã hội. Họ đăng tải video và hình ảnh về cuộc sống hàng ngày giữa các thành viên, gửi thông điệp đặc biệt tới người hâm mộ đồng thời cập nhận các câu chuyện đời thường về 7 thành viên trong nhóm cho người hâm mộ.
Truyền thông xã hội có chức năng là kênh dẫn hỗ trợ nội dung liên quan đến BTS, vừa là nền tảng giao tiếp, vừa là kênh kết nối cộng đồng ảo liên quan đến nhóm nhạc. Và chính điều này đã thu hút chú ý của người hâm mộ (funclub), tạo nên sự đồng nhất cảm xúc giữa họ với các thành viên của BTS. Từ đó, các phản hồi tích cực giữa thần tượng và người hâm mộ đã hình thành trong cộng đồng. Văn hóa lan tỏa từ những hành động như vậy.
Theo The Diplomat, nghệ thuật và văn hóa đại chúng là hai khía cạnh quan trọng của ngoại giao văn hóa xuyên biên giới. Nhóm nhạc BTS đóng vai trò quan trọng trong truyền bá văn hóa đương đại tích cực trong các buổi biểu diễn vòng quanh thế giới. Ảnh hưởng làn sóng Hallyu đã thu hút người hâm mộ đến du lịch Hàn Quốc vì BTS và là cơ hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho nước này./.