(Tổ Quốc) - Phong tỏa do đại dịch, gián đoạn chuỗi cung ứng và giá năng lượng tăng vọt khiến nhiều ngành công nghiệp của Đức rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Nhà thầu Siempelkamp, một công ty cung cấp máy móc hiện đại của Đức đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng trong 99 năm.
"Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến sự việc như vậy trước đây", ông Georg Geier, Giám đốc điều hành của công ty Siempelkamp nói trên CNN.
Theo Ngân hàng thế giới, đây là sự khác biệt lớn giữa quá khứ và hiện tại. Tuy nhu cầu khách hàng cao nhưng Siempelkamp không đủ khả năng cung cấp sắt, niken và năng lượng. Câu chuyện này hiện đang bắt gặp ở nhiều doanh nghiệp sản xuất của Đức.
Những gã khổng lồ khác trong ngành công nghiệp Đức như Volkswagen (VLKAF) và Siemens (SIEGY) hiện đang vật lộn với "nút thắt" trong chuỗi cung ứng. Theo CNN, ước tính 200.000 nhà sản xuất vừa và nhỏ của Đức khó có thể chịu đựng cú sốc hiện tại. Những công ty này là một phần quan trọng của "Mittelstand" (những doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại Đức. Đức ước tính có khoảng 2,6 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp hơn 1/2 sản lượng cho nền kinh tế Đức và tạo ra 2/3 việc làm trên cả nước.
Theo ông Geier, các hóa đơn đã tăng vọt vào khoảng tháng 9 và "bùng nổ" lên mức cao nhất kể từ khi Nga có hoạt động quân sự ở Ukraine.
"Chúng tôi ý thức mức chi phí năng lượng phải trả tăng mạnh gần đây", ông Geier cho biết.
Căng thẳng Ukraine đã gây ra lạm phát toàn cầu, nhu cầu về năng lượng và hàng hóa tăng. Hiện tại, các trừng phạt của phương Tây nhằm vào xuất khẩu than và dầu của Nga cũng như nỗ lực của Liên minh châu Âu nhằm cắt giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên đã đẩy giá tăng trở lại. Các lệnh trừng phạt đối với Nga – nước xuất khẩu kim loại lớn đã làm xáo trộn thêm chuỗi cung ứng.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu cũng chịu rủi ro lớn vì lý do này. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Đức phụ thuộc vào Nga khoảng 46% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ vào năm 2020. Con số này đã giảm đáng kể sau khi Nga bắt đầu hoạt động quân sự ở Ukraine. Và việc gián đoạn đột ngột đối với nhập khẩu từ Nga được xem là thảm họa đối với các nhà sản xuất như Siempelkamp.
Giá tăng phi mã
Cho đến nay, Siempelkamp vẫn chưa cắt giảm sản lượng nhưng buộc phải tăng giá mua cho đại lý. Trong khi đó, người mua cũng phải chịu mức giá tăng từ đại lý, ước tính tăng 30% trong tháng Ba, mức cao nhất trong 73 năm qua. Giá năng lượng tăng cao là yếu tố quyết định các giá thành khác. Theo ước tính sơ bộ, giá tiêu dùng tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở Berlin, hãng kem Florida Eis cũng đang "chịu chung số phận" trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh. Florida Eis đã chuyển năng lượng sử dụng sang sản xuất và phân phối nguồn tái tạo nhưng các nhà cung cấp không làm như vậy. Công ty hiện đang phải trả thêm từ 30% đến 40% để đảm bảo nguồn sữa.
Ông chủ của hãng kem nổi tiếng của Đức Olaf Höhn đã rất căng thẳng khi nghĩ đến mất đi nguồn cung khí đốt từ Nga.
"Ngành công nghiệp đường cần nguồn năng lượng lớn. Nếu không có khí đốt thì sẽ không còn đường thô nữa. Chúng tôi không thể mua đường thô trên thị trường thế giới do các quy định của EU và buộc phải cắt giảm số lượng lớn", ông nói thêm. Giá tăng phi mã đang làm chảo đảo nền kinh tế lớn nhất châu Âu đồng thời tồn tại mối lo lắng về siêu lạm phát trong những năm 1920 và 1930.
Giám đốc điều hành Siempelkamp Dirk Howe bày tỏ quan ngại sâu sắc và không biết đến bao giờ mới có thể kết thúc tình hình hiện tại.
"Hiện chúng tôi đang vướng vào vòng xoáy", ông Dirk Howe cho biết.
Ông Tamas Vonyo, Phó Giáo sư lịch sử kinh tế tại Đại học Bocconi cho rằng Đức từ lâu đã phụ thuộc vào khí đốt của Nga và giúp nước này vượt qua khủng hoảng trong quá khứ. Và hiện tại đang tồn tại nhiều bất cập kể từ khi căng thẳng leo thang ở Ukraine.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng cam kết sẽ giảm tiêu thụ khí đốt của Nga lên tới 66% trước cuối năm nay và dự kiến chấm dứt phụ thuộc của EU đối với khí đốt của Nga đến năm 2027. Bộ Kinh tế Đức tháng trước cũng cho biết hiện sẵn sàng cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga từ 55% xuống còn 40%. Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc dừng đột ngột này có thể tiếp tục là một thảm họa. Sau khi Nga lên tiếng sẽ ngắt đường ống dẫn khí đốt nếu các nước không thanh toán bằng đồng rúp thì Chính phủ Đức đã phát động kế hoạch khẩn cấp giai đoạn 3 ứng phó với tình trạng trên. Các hộ gia đình và bệnh viện sẽ được ưu tiên sử dụng năng lượng nhiều hơn là khu vực sản xuất.
Hôm 27/4, tập đoàn năng lượng của Nga Gazprom đã cắt nguồn cung khí đốt cho Ba Lan và Hungary vì chưa thanh toán bằng đồng rup. Các chuyên gia phỏng đoán Đức có thể là quốc gia tiếp theo chịu chung kịch bản này.
"Khí đốt tự nhiên có thể vẫn rất đắt sau lệnh cấm vận hoặc cắt giảm nguồn cung trong thời gian dài", ông Sebastian Dullien, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Chính sách Kinh tế Vĩ mô nói trên CNN.
Ông Sebastian Dullien cũng cảnh báo về "thiệt hại cơ cấu" đối với nền kinh tế Đức nếu Nga cắt khí đốt. Mức độ thiệt hại sẽ khó hồi phục hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Điều này cũng tạo ra cuộc suy thoái kéo dài lâu hơn so với một thập kỷ trước.
Lo ngại lạm phát đình trệ
Nền kinh tế Đức đang bước vào giai đoạn suy thoái. Hội đồng Chuyên gia kinh tế Đức tháng trước đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 giảm từ 4,6% xuống 1,8% với lý do là lạm phát và căng thẳng Ukraine.
Theo dữ liệu khảo sát từ S&P Global, sản lượng sản xuất đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
"Rủi ro của suy thoái ước tính hơn 50% vào lúc này", ông Dullien nhấn mạnh. Đức hiện đang đối mặt với lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế yếu.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô ở Đức cũng gặp phải tình trạng thiếu chip bán dẫn. Sự gián đoạn tại cảng Thượng Hải, Trung Quốc do lệnh phong tỏa cũng ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu gần đây. Quá trình tắc nghẽn đã ảnh hưởng tồi tệ đối với hàng hóa nhập khẩu của Đức.
Ông chủ hãng kem của Đức Florida Eis cũng nhìn thấy "những đám mây đen" bao trùm nền kinh tế Đức.
"Chúng tôi buộc phải đối mặt với điều này", ông nhấn mạnh./.