(Tổ Quốc) - Chuyển hồ sơ sai phạm tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn sang công an điều tra; Khởi tố ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV...
- 01.12.2018 Tan hoang ở “siêu dự án” 4.500 tỷ đồng khiến ông Trần Bắc Hà vướng vòng lao lý
- 30.11.2018 Vinasun và Grab bất ngờ ngồi lại hoà giải, Toà quyết định tạm ngưng xét xử vụ kiện đòi bồi thường 41 tỷ đồng
- 30.11.2018 Việc ông Trần Bắc Hà bị bắt không ảnh hưởng gì tới hoạt động và quyền lợi của khách hàng tại BIDV
- 29.11.2018 Khởi tố ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV
Ông Trần Bắc Hà (Nguồn: Tuổi trẻ)
Khởi tố ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Ngân hàng BIDV
Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) tống đạt quyết định khởi tố bị can, khám xét với ông Trần Bắc Hà (62 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh).
Bốn người bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, theo điều 206 Bộ luật Hình sự 2015. Duy nhất bà Vân Anh được tại ngoại, những người còn lại bị tạm giam.
Năm nay 62 tuổi, ông Trần Bắc Hà bắt đầu gắn bó với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ năm 25 tuổi. Tháng 7/1991 ông Hà được bổ nhiệm làm Giám đốc chi nhánh BIDV tỉnh Bình Định.
Ông Trần Bắc Hà chính thức trở thành lãnh đạo tại BIDV từ đầu năm 2008 với vai trò Chủ tịch HĐQT và là người đại diện sở hữu gần 40% trên tổng số 95,3% cổ phần nhà nước nắm giữ tại ngân hàng này. Ngoài ra, ông cũng trực tiếp nắm giữ hơn 163.600 cổ phiếu BIDV. Ông Hà còn được biết đến trong vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), sang Lào (AVIL) và sang Myanmar (AVIM).
Ông Hà về hưu vào ngày 1/9/2016 sau 35 năm công tác tại BIDV.
Vụ Vinasun kiện Grab đòi bồi thường hơn 41 tỷ đồng: Tòa dừng xét xử cho hai bên tự hòa giải
Sáng 30/11, TAND TP.HCM mở lại phiên toà xét xử công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) đòi Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41 tỷ đồng.
Với sự đồng ý của Vinasun và Grab, Hội đồng xét xử đã tạm dừng phiên tòa để hai bên cùng ngồi lại với nhau nhằm đưa ra phương án hòa giải. Theo HĐXX, thời gian tạm dừng sẽ không quá 1 tháng và được thông báo lịch xét xử sau.
Phiên tòa xét xử Vinasun kiện Grab đã kéo dài 9 tháng và trải qua 5 lần ra tòa với 2 lần hoãn xử, 1 lần tạm đình chỉ để củng cố hồ sơ và chứng cứ.
Trước đó, theo đơn khởi kiện, Vinasun kiện Grab dựa trên quy định của pháp luật về Luật Cạnh tranh. Vinasun đã cung cấp bằng chứng bao gồm văn bản, hình ảnh, video cho tòa án để chứng minh việc Grab vi phạm cạnh tranh thương mại bằng hình thức phá giá.
Với những bằng chứng trên, phía Vinasun yêu cầu tòa buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hơn 41 tỷ đồng, tương đương lợi nhuận bị sụt giảm trong hai năm 2016, 2017.
Chuyển hồ sơ sai phạm tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn sang công an điều tra
(Nguồn: Infonet)
Phó tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành vừa ký và gửi công văn đến cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an về việc điều tra làm rõ một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại Ban quản lý dự án công trình Liên hợp Lọc Hóa dầu Nghi Sơn thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cá nhân liên quan.
Kết quả hoạt động kiểm toán cho thấy, từ 2010 đến 2015, bằng nhiều hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và các văn bản thỏa thuận, ban quản lý dự án đã để ngoài hệ thống sổ sách kế toán, báo cáo tài chính khoản tiền lãi nhận được qua các hợp đồng tiền gửi tại một số nhà băng. Số tiền để ngoài sổ sách theo rà soát ban đầu là 22,1 tỷ đồng.
Cụ thể, mặc dù nguồn vốn cấp của PVN và nguồn tiền thu từ thực hiện hợp đồng dịch vụ của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn gửi trong ngân hàng thông qua các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn nhưng cơ quan kiểm toán cho biết, trên sổ sách chỉ phản ánh tiền lãi không kỳ hạn để nhận ngoài tiền chênh lệch lãi suất.
Ngoài ra, Ban quản lý dự án đã thỏa thuận với một số ngân hàng để được nhận chênh lệch lãi suất bằng hình thức nhận bằng tiền mặt, yêu cầu chuyển chênh lệch lãi suất vào tài khoản cá nhân và chuyển tiền vào một tài khoản đứng tên ban quản lý dự án nhưng không đưa vào hệ thống sổ sách để theo dõi. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Dự án đã không phản ánh trung thực số liệu phát sinh hơn 1.626 nghìn đồng trên tài khoản 8401100999009 theo quy định.