• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Mỹ đang trên đà lấy lại thành tựu hiếm có

Thế giới 26/07/2024 11:06

(Tổ Quốc) - Theo số liệu mới của Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 25/7, tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm ở nước này rất vững chắc, cụ thể Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý 2 trong năm 2024 đã tăng 2,8%.

"Hạ cánh mềm"

Hãng CNN dẫn tin, tổng sản phẩm quốc nội, thước đo về sản lượng kinh tế, đã tăng mạnh hơn nhiều trong quý hai so với các nhà kinh tế dự đoán. Báo cáo GDP cho thấy tại Mỹ, các doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư và người tiêu dùng cũng đang sẵn sàng mở ví. Đó là điều quan trọng vì chi tiêu của người tiêu dùng là động lực kinh tế, chiếm khoảng 2/3 sản lượng kinh tế của Mỹ.

Kinh tế Mỹ đang trên đà lấy lại thành tựu hiếm có - Ảnh 1.

Báo cáo GDP mới nhất từ tháng 4 đến tháng 6 cho thấy lạm phát tiếp tục xu hướng giảm. Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images/File

Từ tháng 4 đến tháng 6, lạm phát ở Mỹ có xu hướng giảm và trên đà chậm lại để đạt được mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang.

Theo một số nhà kinh tế, nền kinh tế Mỹ sắp chạm tới cái gọi là "hạ cánh mềm", tức là khi lạm phát quay trở lại mục tiêu của FED. Nếu đúng như vậy, đây sẽ là kỳ tích chỉ xảy ra một lần, giống với những năm 1990.

Diễn biến này cũng là tin đáng mừng cho các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trước cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào tuần tới. Chỉ số giá PCE cốt lõi là một trong những thước đo lạm phát được FED theo dõi để đạt mục tiêu 2%.

Báo cáo GDP mới nhất cũng cho thấy thước đo chính về nhu cầu tiêu dùng đã tăng trong quý 2 lên mức 2,9% hàng năm, ngang bằng với tỷ lệ trong quý 4/2023 với tốc độ mạnh nhất trong hai năm. Các giải pháp đầu tư kinh doanh cũng được tăng cường trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.

Tình hình hiện tại của nền kinh tế Mỹ cho thấy FED, trong đó có vai trò của Chủ tịch Jerome Powell, đã và đang xử lý thành công lạm phát cho đến nay và đích đến đã rõ ràng. Động thái FED bắt đầu cắt giảm lãi suất khiến các quan chức ngân hàng trung ương cũng tỏ ra tin tưởng rằng lạm phát đã được kiểm soát vừa đủ.

Sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế cũng mang đến uy tín cho chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden. Mặc dù FED tích cực tăng lãi suất để giảm lạm phát, vốn đã ở mức cao nhất trong 23 năm kể từ tháng 7 năm ngoái, nhưng nền kinh tế cho đến nay vẫn tránh được suy thoái kinh tế. Năm ngoái, khả năng phục hồi của người tiêu dùng Mỹ đã gây sốc cho các nhà kinh tế bởi trước đó, đa số đều dự đoán một cuộc suy thoái kinh tế sẽ xảy ra.

"Báo cáo GDP ngày 25/7 cho thấy chúng ta hiện đang có nền kinh tế mạnh nhất thế giới. Phó Tổng thống và tôi sẽ tiếp tục đấu tranh vì tương lai của nước Mỹ - một tương lai đầy hứa hẹn. Điều này cũng chứng minh rằng những người Mỹ bình thường đang làm những điều phi thường", Tổng thống Joe Biden cho biết trong một tuyên bố hôm 25/7.

Chờ tín hiệu từ FED

Các quan chức FED sẽ họp vào tuần tới để xây dựng chính sách tiền tệ. Nhiều dự đoán cho rằng họ sẽ giữ lãi suất ổn định. Cuộc họp cũng sẽ tạo cơ hội cho FED đưa ra thông báo khả năng lạm phát đã được kiểm soát hay chưa. Dù bằng cách nào, rõ ràng là các quan chức hài lòng với kết quả hoạt động của nền kinh tế cho đến nay.

"Dữ liệu hiện tại cho thấy chúng tôi đang chạm tới 'một cuộc hạ cánh mềm' và tôi sẽ tìm kiếm dữ liệu trong vài tháng tới để củng cố quan điểm này. Mặc dù tôi không tin rằng đã đạt đến đích cuối cùng, nhưng khả năng cao là chúng tôi đang tiến gần hơn đến thời điểm đảm bảo việc cắt giảm lãi suất chính sách," Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Christopher Walle cho biết hồi đầu tháng này tại một sự kiện ở Kansas City.

Các nhà giao dịch Phố Wall đang đặt cược áp đảo khả năng FED sẽ quyết định cắt giảm lãi suất trong cuộc họp ngày 17-18/ 9.

Trong khi đó, Chủ tịch FED Jerome Powell chưa khẳng định việc cắt giảm lãi suất sắp diễn ra nhưng ông đã đưa ra một số gợi ý tinh tế.

Hồi đầu tháng này, ông Powell đã nói rằng "lạm phát tăng cao không phải là rủi ro duy nhất mà chúng ta phải đối mặt". Tỷ lệ thất nghiệp cao hơn bất ngờ sẽ thúc đẩy ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất sớm hơn bởi vì ngoài việc ổn định giá cả, FED còn chịu trách nhiệm tối đa hóa việc làm.

"Giá cả hàng hóa đang giảm và tăng trưởng mạnh mẽ. Thời điểm nửa cuối năm này vẫn còn những hy vọng. Tín hiệu tích cực đang ngày càng rõ ràng hơn và nguy cơ lạm phát đình trệ đang mờ dần. Không có nhiều sự trì trệ và không có nhiều tín hiệu lạm phát vào thời điểm hiện tại", chuyên gia David Russell, người đứng đầu chiến lược thị trường toàn cầu tại TradeStation nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ