(Tổ Quốc) - Doanh số bán lẻ tăng 6,7% vào tháng Giêng và tháng Hai trong khi sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với một năm trước.
Kinh tế Trung Quốc khởi đầu vượt kỳ vọng
Kinh tế Trung Quốc đang có khởi đầu "tốt hơn mong đợi" vào ngày đầu năm 2022 khi các chỉ tiêu đặt ra vượt kỳ vọng. Tuy nhiên, theo trang SCMP, quá trình hồi phục sẽ vẫn gặp phải gián đoạn do các đợt bùng phát Covid-19.
Một khảo sát của hãng Reuters cho biết, doanh số bán lẻ tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Số liệu được thống kê tổng hợp trong tháng Một và tháng Hai năm nay. Trước đó vào tháng 12/2021, doanh số bán lẻ tăng trưởng khoảng 1,7%. Số liệu này được đánh giá là tăng nhanh nhất kể từ tháng 6 năm ngoái.
Dữ liệu thống kê trong tháng Giêng và tháng Hai cũng cho thấy rõ tác động của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Tuần trước, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh Trung Quốc trước đó từng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5% trong năm 2022 sau khi nền kinh tế nước này đã đạt mức tăng 8,1% vào năm ngoái. Và mức tăng trưởng đầu năm được đánh giá là tín hiệu khởi sắc cho kinh tế nước này. Bên cạnh đó, nhằm nỗ lực hồi phục kinh tế trong năm nay, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa ra nhiều biện pháp được ví như "cung cấp oxy" để đối phó rủi ro tăng trưởng kinh tế trong năm 2022.
Các số liệu khác của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 15/3 cho thấy sản xuất công nghiệp – thước đo đối với lĩnh vực sản xuất, khai khoáng và tiện ích tăng 7,5% so với mức 4,3% trong tháng 12/2021. Đây cũng là tốc độ tăng nhanh nhất kể từ tháng 6/2021 và vượt mức tăng kỳ vọng là 3,9% trước đó.
Theo khảo sát của Reuters, đầu tư tài sản cố định – thước đo chỉ tiêu cho các hạng mục như cơ sở hạ tầng, tài sản, máy móc và thiết bị đã tăng 12,2% trong hai tháng đầu năm. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái và vượt kỳ vọng đặt ra.
Tác động của dịch bệnh
NBS nhận định quá trình hồi phục kinh tế trong hai tháng đầu năm được đánh giá là tín hiệu "tốt hơn mong đợi". Người phát ngôn của NBS Fu Linghui cho biết, nhìn chung đà hồi phục trong tháng Giêng và tháng Hai tương đối tốt mặc dù chúng ta phải thừa nhận rằng tác động từ môi trường bên ngoài vẫn phức tạp và khắc nghiệt. Kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức trong thời gian tới.
Ông Fu cho rằng tình hình dịch bệnh ở một số khu vực của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục kinh tế địa phương nhưng cần thêm thời gian để khắc phục tình hình này.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc đạt mức 5,5% trong tháng Hai so với mức 5,3% trong tháng Một và 5,1% vào tháng 12/2021. Tỷ lệ thất nghiệp ở những người ở độ tuổi từ 16 đến 24 tăng 15,3% trong số liệu tổng hợp của tháng Giêng và tháng Hai năm nay, so với mức 14,3% trong tháng 11-12/2021.
Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu tạo thêm 11 triệu việc làm ở khu vực thành thị trong năm nay. Tính trong 2 tháng đầu năm, Trung Quốc cho biết đã tạo thêm 1,63 triệu việc làm ở khu vực thành thị.
"Dữ liệu cho thấy kinh tế Trung Quốc đang có khởi đầu tốt hơn mong đợi trong năm nay. Tuy nhiên, các làn sóng dịch bệnh bùng phát gần đây cũng như việc áp dụng các biện pháp hạn chế mới, đặc biệt là những hạn chế mới ở Thâm Quyến sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng và gây ra gián đoạn nguồn cung trong thời gian tới", ông Tommy Wu, một chuyên gia kinh tế về hàng đầu Trung Quốc tại Oxford Economics cho biết.
Việc áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua. Thượng Hải được ví như trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc cũng đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn sau khi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến gần đây. Quá trình đóng cửa trường học, rạp chiếu phim hay hạn chế đi lại đã làm gián đoạn các hoạt động kinh tế của thành phố.
"Chính sách 0-Covid đang ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ở quý đầu tiên của năm. Mặc dù Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục áp dụng chính sách 0-Covid đến hết năm nay nhưng chính phủ sẽ phải có phương hướng điều chỉnh cách tiếp cận mới để đối phó với biến thể Omicron đang lan mạnh đồng thời ứng phó với sự gián đoạn đang tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân cũng như chuỗi cung ứng", ông Tommy Wu nhấn mạnh.
Theo CNN, các chuyên gia cho rằng các chính sách của chính phủ Trung Quốc như cắt giảm lãi suất hay tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã thúc đẩy phát triển kinh tế Trung Quốc.
"Chính sách hỗ trợ của chính phủ cho thấy tín hiệu hồi phục kinh tế nhanh của Trung Quốc. Tuy nhiên, triển vọng vĩ mô trong vài tháng tiếp theo vẫn là một thách thức do các tác động từ bên ngoài", ông Zhiwei Zhang, nhà kinh tế hàng đầu ở Pinpoint Asset Management nhận định, đồng thời chỉ ra rủi ro chính vẫn là các đợt bùng phát Covid-19./.