• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bất chấp nhiều "làn gió ngược"?

Thế giới 01/12/2021 19:47

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cho biết nước này đang trên đà đạt được mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là "trên 6%" trong năm nay.

Bất chấp nhiều "cơn gió ngược" đe dọa quá trình phục hồi và những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ vượt mục tiêu của năm 2021, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết.

Thông điệp lạc quan của chính phủ Trung Quốc

"Chúng tôi rất tự tin về nền kinh tế Trung Quốc vào năm tới", ông Lưu Hạc cho biết hôm thứ Ba (ngày 30/11) tại Hội nghị thượng đỉnh Hamburg, một sự kiện trực tuyến tập trung vào mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu.

Ông Lưu Hạc, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cho biết nền kinh tế nước này đang tiếp tục phục hồi trong năm nay. Việc làm, giá cả hàng hóa và thanh toán quốc tế "nhìn chung diễn ra bình thường" và tăng trưởng "dự kiến sẽ vượt mục tiêu".

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bất chấp nhiều "làn gió ngược"? - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có nhiều tiếng nói về vấn đề kinh tế đối với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức trên 6% cho năm 2021, sau khi nền kinh tế nước này đạt mốc tăng trưởng 2,3% vào năm 2020, một tỷ lệ phục hồi đáng khích lệ sau những con số ảm đạm do các đợt phong tỏa nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 .

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất trên thế giới ghi nhận tăng trưởng vào năm ngoái khi đại dịch Covid-19 lan rộng kéo theo sự sụt giảm mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh trên toàn cầu.

Nhìn về phía trước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc cho biết Trung Quốc sẽ tạo ra một môi trường tốt hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các công ty nước ngoài. Nước này cũng hướng tới mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các công ty nước ngoài và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, đồng thời đẩy nhanh việc phát triển chiến lược "lưu thông kép" của ông Tập Cận Bình, nhằm khai thác thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc.

Ông Lưu Hạc cho hay: "Các điều kiện địa lý và tài nguyên thiên nhiên của Trung Quốc quyết định sự mở cửa của nền kinh tế. Chúng tôi đã nhận ra trong 40 năm qua rằng Trung Quốc phải kiên quyết cải cách và mở cửa".

GDP của quốc gia này tăng 4,9% trong quý thứ ba so với cùng kỳ một năm trước, tuy nhiên đã giảm đi khá nhiều so với mức tăng 7,9% trong quý thứ hai năm nay.

Nhiều lo ngại giữa đại dịch Covid-19

Tuy nhiên, bất chấp sự quan của các quan chức cấp cao, các nhà phân tích vẫn lo ngại về khả năng phục hồi của Trung Quốc, vốn đã bị thách thức bởi các đợt bùng phát virus corona nhỏ lẻ, tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong nhiều thập kỷ qua và các chiến dịch kiểm soát về tài sản, công nghệ...

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng bất chấp nhiều "làn gió ngược"? - Ảnh 2.

Đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm qua đã làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Trung Quốc - nơi virus corona lần đầu xuất hiện. Ảnh: Reuters.

Yubin Fu, phó Chủ tịch kiêm nhà phân tích cấp cao của tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody's, cho biết trong một báo cáo hôm thứ Tư (ngày 1/12) rằng sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc vẫn không ổn định và không đồng đều. "Tốc độ phục hồi kinh tế sẽ chịu nhiều áp lực trong khi tăng trưởng của những ngành mũi nhọn sẽ thấp hơn một chút trong quý 4", chuyên gia này cho hay.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) chính thức của Trung Quốc đã tăng lên 50,1 vào tháng 11 năm nay, mức tăng đầu tiên sau bảy tháng giảm và là mức tăng trưởng tích cực đầu tiên sau hai tháng bị thu hẹp, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm thứ Ba.

Tuy nhiên, chỉ số PMI Caixin/Markit, chỉ số kinh tế tổng hợp phản ánh hoạt động kinh doanh của khối sản xuất thông qua việc đo lường tương tác giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhỏ hơn cho thấy hoạt động của các nhà máy Trung Quốc vào tháng 11 năm nay một lần nữa đi theo chiều hướng giảm sút.

Trong sự kiện kết nối với châu Âu, ông Lưu Hạc cũng kêu gọi tăng cường tiếp xúc và thảo luận nhiều hơn để hàn gắn mối quan hệ bị tổn thương giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời kêu gọi thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng.

 "Với tư cách là hai nền kinh tế lớn và là hai động lực của sự phục hồi kinh tế thế giới, Trung Quốc và châu Âu cần tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại trong thời kỳ hậu đại dịch, cùng thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế cacbon thấp, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư, và cùng nhau bảo vệ an ninh và sự lưu thông của chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Lưu Hạc khẳng định.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ