• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Kỷ nguyên của siêu bão": Thế giới cần nhanh chóng ứng phó

Thế giới 11/09/2024 11:03

(Tổ Quốc) - Theo Tạp chí Time, khi nhiệt độ đại dương và không khí tăng đột biến trên toàn cầu, các cơn bão và thời tiết khắc nghiệt đang trở nên dữ dội hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại.

Ảnh hưởng trực tiếp đến Mỹ

Không có gì ngạc nhiên khi Bão Beryl đã phá vỡ hầu như mọi kỷ lục về bão đầu mùa ở Mỹ vào tháng 6 năm nay. Beryl là cơn bão được đặt tên thứ hai trong mùa bão Đại Tây Dương 2024 và là cơn bão tháng 6 mạnh nhất từng được ghi nhận ở Đại Tây Dương với sức gió 165 dặm/giờ (khoảng 266km/giờ).

"Kỷ nguyên của siêu bão": Thế giới cần nhanh chóng ứng phó - Ảnh 1.

Những đám mây giông kéo đến khắp Đông Houston (Mỹ) vào ngày 11/7 vài ngày sau khi Bão Beryl quét qua thành phố. Ảnh: Raquel Natalicchio—Houston Chronicle/ Getty Images

Khi nhiệt độ đại dương và không khí tăng đột biến trên toàn cầu, các cơn bão và thời tiết khắc nghiệt đang trở nên dữ dội hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử hiện đại.

Sau khi đưa tin về biến đổi khí hậu và hệ lụy của thiên tai trong hơn một thập kỷ, trong bài viết "The Superstorm Era Is Upon Us", tác giả Porter Fox đã dành 3 năm nghiên cứu ghi lại hiện tượng đại dương ấm lên và sự gia tăng các cơn bão dữ dội.

"Tôi lớn lên ở Vịnh Maine - hiện là vùng nước lớn ấm lên nhanh nhất trên hành tinh và đã dành hầu hết thời gian nghiên cứu trên boong tàu do cha tôi đóng. Mối tương quan giữa mức nhiệt và bão rất đơn giản: các khối khí và hệ thống thời tiết lấy năng lượng từ mức nhiệt trong đại dương khi chúng đi qua, dẫn đến các cơn bão nhiệt đới dữ dội hơn. Vì nhiệt độ bề mặt biển trung bình toàn cầu đã tăng 2,8 độ F, nên các cơn bão đang trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Đây là bình minh của 'Kỷ nguyên Siêu bão' - và hiện tượng này sẽ tiếp tục tăng, trừ khi chúng ta hành động để ngăn chặn nó", ông Porter Fox nhấn mạnh.

Các cơn bão cấp 4 và 5 đổ bộ vào đất liền ở Mỹ trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2021, ước tính mật độ dày hơn từ 1963 đến 2016. Ngày nay, những trận bão cũng kéo dài thời gian hơn trước đây và di chuyển chậm hơn, gây ra thiệt hại rất lớn.

Cường độ mạnh nhanh của bão thường xảy ra một lần trong một thế kỷ, nhưng các nghiên cứu cũng cho thấy trong tương lai, bão có thể xảy ra thường xuyên, khiến các thành phố như New Orleans, Houston, Tampa và Charleston đối mặt với nguy cơ cao. Đến năm 2100, số lượng bão lớn, bao gồm cả bão cấp 5 "siêu mạnh" mới với sức gió ít nhất là 190 dặm một giờ, dự kiến sẽ tăng 20%.

Giống như hầu hết các thảm họa thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang ngày càng phức tạp. Lũ dâng cao trên mực nước biển, gây ngập lụt các bờ biển cao hơn 25 feet (Bão Katrina, 2005). Các cơn bão ngày nay cũng mang theo lượng mưa lớn hơn rất nhiều (Bão Harvey, 2017).

Trong 50 năm qua, các cơn bão nhiệt đới đã cướp đi sinh mạng của gần 800.000 người trên thế giới và gây thiệt hại lên tới 1,5 nghìn tỷ đô la. Hàng chục thành phố ven biển lớn, hàng nghìn thị trấn ven biển, các doanh nghiệp và hàng loạt cơ sở hạ tầng chính như đường cao tốc, sân bay, tàu hỏa và ngành vận tải biển đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chỉ riêng trong 4 thập kỷ qua, các cơn bão đã gây thiệt hại cho Mỹ hơn 1,3 nghìn tỷ đô la và cướp đi gần 7.000 sinh mạng.

Đến cuối thế kỷ này, ước tính bão có khả năng gây thiệt hại cho Mỹ lên tới 200 tỷ đô la mỗi năm.

Các nhà khoa học cũng đã lập biểu đồ chi phí cho các thảm họa thời tiết kể từ năm 1980 theo một quỹ đạo giống với mức độ phát thải CO2 trong khí quyển.

Năm 2022 là mùa hè nóng thứ ba ở Mỹ trong hơn một thế kỷ, chứng kiến 15 thảm họa thời tiết gây thiệt hại hơn một tỷ đô la cho mỗi thảm họa.

Năm 2023 đã phá vỡ kỷ lục đó và trở thành mùa hè nóng nhất trong lịch sử hiện đại. Tính đến ngày 8/ 8/2024, Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đã báo cáo 19 sự kiện thảm họa, gây thiệt hại hàng tỷ đô la Mỹ.

Nhiệt độ tăng lên trên hành tinh cũng ảnh hưởng đến đại dương và bầu trời, bao gồm giông bão, bão tuyết, giông lốc, bão đông bắc, lốc xoáy, nắng nóng và hạn hán.

Một số hiện tượng thời tiết kỳ lạ cũng xảy ra. Lượng hơi ẩm lớn bất thường; những cơn giông bất chợt với sức gió mạnh như bão; giá lạnh sâu ở Texas và các xoáy cực mang theo không khí lạnh vào mùa xuân ở New England.

Theo tác giả, các chương trình truyền hình ở Mỹ cũng ghi nhận các cơn bão nhiệt đới tràn qua Thung lũng Chết ở California; hay tình hình hạn hán làm cạn kiệt các tầng chứa nước và hồ chứa cuối cùng của miền Tây Mỹ; giông bão liên tục xảy ra ở vùng Đại Bình nguyên (Great Plains) Bắc Mỹ.

Mưa lớn sau bão xảy ra ở khắp thế giới

Bên cạnh đó, tình hình thời tiết trên khắp thế giới vào năm 2022 cũng chứng kiến những trận mưa lớn lịch sử nhấn chìm vùng ngoại ô Rio de Janeiro (Brazil). Hay lượng mưa thấp kỷ lục ở Iraq cũng dẫn đến một trận bão bụi lớn khiến hầu hết đất nước phải đóng cửa. Đợt nắng nóng ở Ấn Độ và Pakistan đẩy nhiệt độ cao hơn 120 độ F ở một số nơi, sau đó là mùa gió mùa mang theo lượng mưa đặc biệt lớn.

Năm 2023 cũng chứng kiến nhiều thảm họa thời tiết gây thiệt hại hàng tỷ đô la ở Mỹ khi nhiệt độ, lượng mưa kỷ lục và 1.197 trận lốc xoáy lịch sử đã càn quét khắp đất nước.

Một loạt các dòng sông khí quyển - trở nên ẩm ướt và dữ dội hơn do biến đổi khí hậu - đã đổ hơn 30 nghìn tỷ gallon nước xuống tiểu bang California, sau một đợt hạn hán kéo dài nhiều năm, gây ra vụ cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử của tiểu bang.

Trong năm 2024, Trái đất đã phải trải qua 12 tháng nhiệt độ nóng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các đợt nắng nóng ở Đông Nam Á đã khiến hàng chục người tử vong và đóng cửa trường học, cháy rừng bắt đầu sớm kỷ lục ở Canada khi tình trạng hạn hán kéo dài hay Bão Remal buộc hơn 800.000 người ở Bangladesh và hơn 110.000 người ở Ấn Độ phải sơ tán khẩn cấp.

Ông Hiro Murakami, nhà khoa học dự án tại NOAA bày tỏ lo ngại rằng các khu vực có ít hoặc không có kinh nghiệm ứng phó thời tiết khắc nghiệt cũng đang có xu hướng hứng chịu những trận bão. Một nghiên cứu năm 2021 của các nhà nghiên cứu Đại học Yale cho biết đại dương ấm hơn sẽ sớm thu hút các cơn bão về phía bắc, gây ngập lụt các thành phố như Washington, DC, New York và Boston.

Thêm vào đó, một nghiên cứu gần đây của quỹ First Street Foundation tại Brooklyn cũng cho thấy các cơn bão sẽ xâm nhập sâu hơn vào đất liền trong những thập kỷ tới, sẽ ảnh hưởng đến các tiểu bang xa về phía tây của Mỹ như New Mexico, Kansas và Wisconsin.

Hàng triệu người trên khắp nước Mỹ đang không được bảo vệ. Bảo hiểm lũ lụt là tùy chọn ở hầu hết Mỹ; một số khoản vay hỗ trợ thiên tai từ Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang (FEMA) sẽ phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chính quyền các tiểu bang thường thiếu tiền và nhân sự để quản lý việc phục hồi sau bão.

Theo nhà khoa học Murakami, những khu vực chưa từng xảy ra thiên tai có thể gặp rủi ro cao hơn nhiều vì hầu hết không có đê chắn hay biện pháp phòng thủ.

Tuy nhiên, ông Murakami cho rằng vẫn còn tia hy vọng. Nếu chúng ta ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch ngay hôm nay, hiện tượng ấm lên toàn cầu sẽ bắt đầu giảm đi gần như ngay lập tức và các cơn bão nhiệt đới cũng giảm dần.

"Lượng khí thải carbon được xem là tỷ lệ thuận với những thay đổi của mật độ bão. Nếu chúng ta có thể hạn chế thành công lượng khí thải vào giữa thế kỷ này, hoạt động của bão cũng sẽ giảm đi", ông Murakami giải thích./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ