• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999", kỳ cuối: Hồi sinh từ bùn lầy

Thời sự 20/11/2019 08:01

(Tổ Quốc) - "Đại hồng thủy 1999" đi qua, nhưng thiệt hại mà nó để lại cho Thừa Thiên Huế là cực kỳ nghiêm trọng, hơn tất cả thiên tai từng ghi nhận trước đó. Những bài học lớn trong công tác phòng chống thiên tai đã được rút ra. Từ đống bùn lầy, đổ nát, Huế đã biết biến đau thương thành hành động, có một cuộc "rũ bùn đứng dậy sáng lòa".

Rũ bùn đứng lên

Sau trận lũ lịch sử 1999, so với các địa phương, Thừa Thiên Huế là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất. Trận lũ này đã xô ngã hàng trăm công trình kiên cố, tấn công hàng vạn nhà dân, tàn phá nhiều điểm dân cư. Nhiều hạng mục quan trọng của Quần thể Di tích Cố đô Huế cũng bị ngập, hư hại. Tài sản tích lũy của tất cả các ngành bị tàn phá hết sức nặng nề, làm chậm tốc độ phát triển của tỉnh trong nhiều năm.

Thừa Thiên Huế như một công trường lớn ngỗn ngang sau lũ, khắp nơi đều là đổ nát, bùn lầy.

Gần 2.000 tỉ đồng, con số tổng thiệt hại (thời giá 1999) trong khi GDP toàn tỉnh năm đó chỉ 1.977 tỉ đồng không thể phản ánh hết được quy mô, tầm vóc tàn phá của thiên nhiên và nỗi kinh hoàng mà người dân Thừa Thiên Huế phải hứng chịu.

Sau lũ, từ đầu đến cuối tỉnh ngổn ngang như một công trường lớn, bùn đất khắp nơi, các làng quê xơ xác, cảnh tượng tan hoang… Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, các đường nội thị ở Huế và vùng phụ cận lượng bùn đất đọng dày trên mặt đường từ 0,3-0,7m. Chỉ riêng thành phố Huế, lượng bùn đất ước chừng trên 500.000m3. Công cuộc tái thiết sau lũ là một hành trình gian nan với một núi công việc cần phải giải quyết. Nhưng vấn đề cần được ưu tiên trước mắt là phải sớm đảm bảo an sinh cho người dân.

Công tác khắc phục sau lũ, ổn định cuộc sống của người dân sớm được Thừa Thiên Huế triển khai bằng sức mạnh tổng hợp.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Đảng và Nhà nước, sự chi viện của các Bộ ngành trung ương, chi viện của đồng bào chiến sĩ cả nước, tỉnh Thừa Thiên Huế đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị khẩn trương khắc phục hậu quả. Mệnh lệnh "Không để bất cứ một người dân nào chết vì đói, rét, nơi nào để xảy ra tình trạng đó thì tổ chức Đảng, chính quyền và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm" được đưa ra tại Hội nghị bất thường được Tỉnh ủy tổ chức ngay sau đó đã thể hiện quyết tâm cao của toàn tỉnh.

Trong những ngày lũ lụt, nhân dân cả nước hướng về miền Trung trong đó có Thừa Thiên Huế cùng chia sẻ những đau thương, mất mát. Rất nhiều tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước, các tổ chức phi chính phủ, Hội Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế,.. đã gửi thư, tiền, hàng hóa về cứu trợ. Cá nhân các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành cũng trực tiếp về thăm hỏi, động viên tiếp thêm sức mạnh để bà con vùng lũ vượt qua khó khăn ban đầu.

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999", kỳ cuối: Hồi sinh từ bùn lầy - Ảnh 3.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong một lần thăm bà con làng Rồng sau lũ.

Bằng sức mạnh tổng hợp, Thừa Thiên Huế đã thay đổi một cách kỳ diệu. Từ trong đau thương, mất mát đã vượt lên thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, tổ chức tốt cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt, năm 2000, tỉnh đã tổ chức thành công kỳ Festival quốc tế đầu tiên, tạo được tiếng vang lớn trong và ngoài nước, mặc dù vừa mới trải qua trận lũ lịch sử.

Quá khứ đi qua, bài học còn mãi

20 năm sau lũ, công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, mở mang hạ tầng kỹ thuật đã đem lại cho Thừa Thiên Huế những thành quả to lớn. Những làng quê xơ xác sau lũ đã thực sự hồi sinh từ đống đổ nát, bùn lầy.

Làng Rồng (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang), ngôi làng được lập mới sau khi 64 hộ dân làng Hải Thành bị lũ cuốn trôi ra biển là một ví dụ thực tế cho sức mạnh, ý chí kiên cường, khát vọng vươn lên của người dân sau cơn "đại hồng thủy". Vượt qua những mất mát, đau thương những ngày đầu, cuộc sống người dân làng Rồng hôm nay đã khởi sắc với những ngôi nhà mới vươn cao, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, đầy đủ.

20 năm sau khi bị lũ cuốn trôi, làng Rồng (làng mới) đã khởi sắc, cuộc sống người dân dần ổn định. Ảnh: Lê Chung

Bà Dương Sanh Cúc, người dân làng Rồng vui mừng chia sẻ: "Thiên tai là thế, mất mát nhiều nhưng rồi cũng phải đứng dậy để mà tiếp tục sống và vươn lên. Từ ngày về nơi ở mới, cuộc sống dân làng sau lũ dần ổn định với nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh dịch vụ. Đến nay nhiều hộ gia đình cũng có kinh tế khá vững vàng, con cái được học hành đầy đủ".

Bên cạnh những mất mát, trận lũ lịch sử 1999 đi qua cũng để lại cho Thừa Thiên Huế nhiều bài học kinh nghiệm về đấu tranh phòng chống thiên tai. Đó là bài học về phát huy sức mạnh của quốc gia, của địa phương; sức mạnh đoàn kết dân tộc và sự chung tay đoàn kết của của bạn bè quốc tế để giải quyết được một khối lượng công việc khổng lồ trong tình hình hết sức phức tạp.

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999", kỳ cuối: Hồi sinh từ bùn lầy - Ảnh 5.

Cửa biển Hòa Duân sau khi được hàn khẩu giờ là con đường QL49 chạy dọc bãi biển du lịch Thuận An. Ảnh: Lê Chung

Đặc biệt, đó là bài học về việc phát huy tinh thần, trách nhiệm của các địa phương trong việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ để xử lý khẩn cấp các tình huống ngay những lúc nguy cấp chưa được chi viện kịp thời, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Riêng đối với tỉnh Thừa Thiên Huế còn phát huy hiệu quả thêm phương châm "tự quản tại chỗ". Điều này có thể thấy ngay từ trong những diễn biến của trận lũ lịch sử năm 1999, nếu không vận dụng tốt thì con số thiệt hại có thể còn lớn hơn rất nhiều.

Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, sau lũ lịch sử 1999, những bài học đúc rút được không chỉ có giá trị đối với tỉnh mà còn góp phần vào xây dựng các chính sách, giải pháp trong các chương trình quốc gia, quốc tế về ngăn chặn và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thảm họa từ những hiện tượng cực đoan về thời tiết và biến đổi khí hậu.

Ký ức 20 năm "đại hồng thủy 1999", kỳ cuối: Hồi sinh từ bùn lầy - Ảnh 6.

Sau trận lũ lịch sử 1999, công tác phòng chống thiên tai được Thừa Thiên Huế quan tâm nhiều hơn, về cơ bản đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa. Ảnh: Lê Chung

Cùng với việc rút ra những bài học kinh nghiệm, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông sau lũ lịch sử cũng được tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm hơn. Đến nay, tỉnh cũng hoàn thành cơ bản xây dựng, kiên cố hóa trụ sở UBND các cấp, các công trình trường học, bệnh viện, nhà sinh hoạt cộng đồng… để vừa là nơi làm việc, vừa là địa điểm sơ tán nhân dân khi xảy ra thiên tai. Cư dân các vùng dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai cũng được di dời, tái định cư nơi cao ráo, an toàn.

Đối với công tác phòng chống thiên tai, về cơ bản tỉnh Thừa Thiên Huế đã chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, không còn mang tính chủ quan như trước. Điều này có thể thấy rõ qua việc đưa vào đời sống nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ điều hành, cảnh báo, dự báo thiên tai. Đầu tư thêm nhiều thiết bị hiện đại. Hiện đã có 60 tháp báo lũ được trải đều trên địa bàn các huyện.

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ