(Tổ Quốc) - Ba ngày đầu tuần tới, chỉ có sự minh bạch, đúng- sai rõ ràng mới có thể đáp ứng kỳ vọng của cử tri và người dân cả nước.
Ngày mai, 4/6, trong khuôn khổ Kỳ hop thứ 5, Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ kéo dài ba ngày. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn kỳ này được cải tiến nhằm tăng cường tính tranh luận khi mỗi đại biểu có 1 phút để đặt câu hỏi và người được chất vấn sẽ trả lời sau khi 3 đại biểu hỏi, thời gian trả lời không quá 3 phút. Qua việc đại biểu hỏi thẳng vào vấn đề, bộ trưởng sẽ phải trả lời đúng trọng tâm, tính chất vấn sẽ tăng lên, giúp cho những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm được đề cập trực tiếp, sâu sát hơn.
Việc Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ đã trở thành sinh hoạt chính trị thường niên, cử tri và người dân cũng đã quen thuộc. Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa 14 đã đi được non nửa, nhiều thành viên Chính phủ và cả Thủ tướng Chính phủ đã đăng đàn, trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Cử tri từng thấy, tấm bảng ghi mã số của các đại biểu đã được giơ lên nhiều lần, tạo nên những tranh luận khá sôi nổi với mong muốn đi đến cùng những vấn đề bức xúc.
Vậy tại sao một sinh hoạt chính trị thường niên mà cử tri và người dân vẫn trông đợi và kỳ vọng?
Ba ngày đầu tuần tới, chỉ có sự minh bạch, đúng- sai rõ ràng của bốn Bộ trưởng mới có thể đáp ứng kỳ vọng của cử tri và người dân cả nước |
Thời gian vừa qua, Đảng, Nhà nước đã rất quan tâm đến vấn đề chống tham nhũng. Hàng loạt vụ tham nhũng, thậm chí có liên quan đến cả một số cán bộ cấp cao bị lôi ra ánh sáng, đơn cử như vụ đánh bạc nghìn tỷ khiến hai tướng công an dính vòng lao lý, hay vụ việc ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam khiến một cựu Ủy viên Bộ Chính trị phải ra trước vành móng ngựa… Thậm chí có những nhân vật như Vũ “nhôm”, Út “trọc” đã luồn lọt vào các cơ quan, “dệt” nên những mối quan hệ, thao túng cả những người giữ chức vụ, tạo nên các nhóm lợi ích. Thực sự tham nhũng đã trở thành quốc nạn, ảnh hưởng đến nguy cơ tồn vong của đất nươc.
Công cuộc phòng chống tham nhũng không chỉ làm trong sạch đội ngũ cán bộ của Đảng, thu hồi lại tài sản quốc gia, mà quan trong hơn cả, nó đã khiến người dân tin tưởng và từ đó, tạo động lực cho sự phát triển đất nước.
Chưa dừng lại ở đó, với việc ban hành Nghị quyết của Hội nghị TƯ 7 về công tác cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược và mới đây nhất là việc ra đời của Quy định số 01-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương quy định trách nhiệm và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Trong đó có quy định: Ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh, khi cần thiết, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và bỏ trốn, yêu cầu đảng viên giữ nguyên hiện trạng tài sản; khi cần thiết, đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện che giấu, tẩu tán tài sản. Từ quy định này sẽ bớt đi những Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy…, sau khi làm thất thoát, tham nhũng tài sản nhà nước không thể trốn ra nước ngoài. Và đã thành suy nghĩ của người dân, với những kết luận của Ủy ban Kiểm tra, mới nhất là kết luận về vụ việc Mobifone mua AVG và những vi phạm của ông Trần Bắc Hà trong thời gian điều hành BIDV..., khi đã kết luận "sai phạm rất nghiêm trọng", " gây thất thoát lớn tài sản nhà nước" là khó tránh việc xem xét trách nhiệm về hình sự...
Điều này cho thấy Đảng đang đổi mới cách thức, thể hiện quyết tâm, nâng cao vai trò của Đảng trong việc tập trung chống tham nhũng.
Vấn đề nóng bỏng này cùng với những thách thức trong phát triển kinh tế xã hội (về tăng trưởng, nợ công, cắt giảm điều kiện kinh doanh hay việc đền bù giải phóng mặt bằng tại các khu đô thị…) và bối cảnh phức tạp của tình hình khu vực cũng như thế giới đòi hỏi các đại biểu Quốc hội, Chính phủ nói chung và “tư lệnh” các ngành phải thể hiện vai trò của mình rất lớn.
Ngay trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 5, hàng nghìn kiến nghị của cử tri đã được gửi tới Quốc hội. Đó là những băn khoăn, lo lắng mang tính vĩ mô như việc cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm, năng suất lao động thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; tình trạng thua lỗ, thất thoát ở nhiều doanh nghiệp, dự án của Nhà nước; tình trạng lãng phí vẫn xảy ra trong một số lĩnh vực như khai thác tài nguyên, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước... Hay những việc ảnh hưởng đến đời sống dân sinh như môi trường ô nhiễm, an toàn thực phẩm, các trạm thu phí BOT, phòng, chống cháy, nổ, sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội, tình trạng tội phạm, bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em… đang diễn biến phức tạp, gây nhiều lo lắng, bất an.
Cuộc chấn vấn lần này diễn ra trong bối cảnh đó. Có những việc đã các cơ quan chức năng vào cuộc, giải quyết rốt ráo, có những việc đã làm nhưng cử tri chưa thấy thỏa đáng. Do vậy, cử tri và người dân cả nước đang chờ đợi cuộc chất vấn này. Họ kỳ vọng vào các đại biểu Quốc hội, những người có trách nhiệm nói lên những bức xúc của cử tri và người dân. Họ kỳ vọng các “Tư lệnh” ngành sẽ phát huy sự am hiểu, khả năng điều hành để giải quyết các vấn đề bức xúc. Mọi việc sẽ được “bày” ra trong cuộc chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Cử tri và người dân mong được nghe những giải đáp, phát ngôn thỏa đáng, thay vì những “xảo ngôn” như “trạm thu giá” thay cho “trạm thu phí”, “tụ nước” thay cho “ngập nước” hay “giá dịch vụ đào tạo” thay cho “học phí”…
Ba ngày đầu tuần tới, chỉ có sự minh bạch, đúng- sai rõ ràng mới có thể đáp ứng kỳ vọng của cử tri và người dân cả nước./.
Lê Phạm