• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lai Châu: Quan tâm phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa dân tộc Mảng

Văn hoá 03/11/2023 15:42

(Tổ Quốc) - Dân tộc Mảng nằm trong 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Lai Châu là tỉnh có đông đảo người dân tộc Mảng sinh sống nhất với gần 6.000 người, sinh sống chủ yếu tại các huyện biên giới Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Mường Tè.

Những phong tục độc đáo

Các nét văn hóa nổi bật hiện nay của dân tộc Mảng là lễ cưới, trang phục và tục xăm mặt....Trong đó, về trang phục, nét độc đáo trong y phục phụ nữ Mảng là tấm choàng quấn quanh thân được cắt may bằng vải thô màu trắng, ở giữa thêu hàng chỉ đỏ. Ðầu để trần, tóc buộc thành chỏm trên đầu bằng dây có tua khá đẹp, chân quấn xà cạp.

Lai Châu: Quan tâm phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa dân tộc Mảng - Ảnh 1.

Thiếu nữ dân tộc Mảng trong trang phục độc đáo của dân tộc

Về tục xăm mặt, trước kia cả phụ nữ và đàn ông Mảng đều phải xăm mặt O ăm (còn gọi là xăm mồm hay xăm cằm). Đây là nghi lễ thành đinh, bắt buộc khi con trai, con gái đến tuổi trưởng thành (con trai từ 16 - 18 tuổi, con gái từ 15 - 16 tuổi), với mục đích chính là được cộng đồng công nhận là thành viên chính thức. Nhờ có hình xăm trên mặt mà sau khi chết đi, tổ tiên ở trên trời mới nhận ra là người trong cùng dòng họ và mới cho hồn trú ngụ cùng.

Trong đời sống hôn nhân, trai gái người Mảng được tự do yêu đương và kết hôn. Nhà trai chủ động hỏi cưới vợ cho con. Lúc đưa dâu có tục đánh nhau giả giữa họ nhà trai và nhà gái để giành cô dâu, thể hiện sự lưu luyến của nhà gái với cô dâu trước khi về nhà chồng.

Nghề thủ công truyền thống của người Mảng đạt trình độ tinh xảo với các sản phẩm đan lát phục vụ trong đời sống, sinh hoạt. Từ những sợi mây, nan giang được chẻ vót họ khéo léo đan thành những vật dụng. Nổi bật là chiếc bem đựng quần áo, vải vóc, cất giữ trang sức, trang phục quý hiếm. Sản phẩm này có kỹ thuật mỹ thuật tạo hoa văn, đường nét rất tinh xảo, hài hòa được các dân tộc: Mông, Lự, Tày, Thái ưa chuộng. Những sản phẩm làm thủ công cũng là thước đo để đánh giá sự khéo léo, tài năng của người phụ nữ dân tộc Mảng.

Trong đời sống tín ngưỡng, đồng bào coi mặt trời là đấng tối cao sáng tạo ra con người và vũ trụ. Truyền thuyết của người Mảng có hình tượng con người sinh ra từ quả bầu, một hình ảnh thường thấy trong truyền thuyết của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Người Mảng quan niệm vũ trụ có bốn tầng: Trên trời là thế giới thần linh sáng tạo, mặt đất là thế giới của con người và các loại ma, dưới mặt đất là thế giới của người lùn xấu xí và dưới nước là thế giới của thuồng luồng.

Dân tộc Mảng lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng và đặc sắc, trong đó Lễ vào nhà mới là một hoạt động đặc trưng phản ánh đậm nét đời sống văn hoá, tín ngưỡng của người Mảng. Đồng bào Mảng quan niệm, trong đời người quan trọng nhất là dựng nhà, lập gia đình và sinh con, phát triển gia đình. Nên nhà dù lớn hay nhỏ, làm bằng gỗ hay tranh tre nhưng dựng nhà là mối quan tâm hàng đầu. Khi nhà làm xong, vào buổi sáng tốt ngày đã chọn, gia đình làm các thủ tục, nghi lễ vào nhà mới. Ngày được chọn để vào nhà mới là ngày con ngựa, sau đó đến ngày con rồng, con dê, con gà. Đặc biệt, kiêng ngày mất của bố, mẹ của gia chủ, ngày sinh, năm sinh của gia chủ, ngày con Hổ, tránh ngày mất của vợ hoặc chồng đã qua đời.

Nghi lễ vào nhà mới của người Mảng thường tiến hành vào buổi sáng, khi vào hai vợ chồng chủ nhà phải đi đầu, các con cháu mang chăn đệm, dụng cụ nấu nướng, các vật dụng sinh hoạt đặt vào vị trí đã định, và cùng nhau nói: “Vào nhà mới mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt nhé!”. Bữa cỗ trong Lễ lên nhà mới của người Mảng thường rất đông người. Ngoài thân nhân, họ hàng thì hàng xóm, bạn bè của chủ nhà cũng được mời dự.

Sau vài tuần rượu mừng gia chủ, những người biết hát sẽ hát các bài truyền thống của người Mảng. Những lời hát, điệu múa sinh động hòa quyện tạo nên một hoạt động văn hóa dân gian giàu bản sắc và kết nối cộng đồng.

Nâng cao đời sống

Theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg, ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025, dân tộc Mảng được xếp vào nhóm các dân tộc có khó khăn đặc thù.

Ngoài khó khăn về kinh tế, những năm qua, nhiều nét văn hóa dân tộc Mảng cũng dần bị mai một và đứng trước nguy cơ đồng hóa cùng các dân tộc trong vùng.

Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lai Châu đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, với hai dân tộc Mảng và La Hủ nói riêng. Từ năm 2011, UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2020 (Quyết định số 1695/QĐ-UBND, ngày 30/12/2011). Tiếp đó là Quyết định phê duyệt dự án thành phần thuộc Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống” trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2013 - 2020 (Quyết định số 370/QĐ-UBND, ngày 21/4/2015).

Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, công tác dân tộc luôn được quan tâm, xác định rõ trong văn kiện; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc… trọng tâm vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc”. Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã xác định 4 chương trình trọng điểm, những chương trình đó đều có những nội dung quan trọng hướng đến phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Mảng và La Hủ, như Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch; chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã…

Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 15/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Xác định “Hằng năm dành 40% chỉ tiêu để tổ chức, tuyển dụng riêng người dân tộc thiểu số, trong đó đặc biệt quan tâm đến một số dân tộc ít người như Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Lự, Lào”.

Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những năm qua tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mảng nói riêng và cộng đồng các dân tộc thiểu số nói chung trên địa bàn Lai Châu đã từng bước cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần dân tộc Mảng, La Hủ dần được nâng lên. Đó chính là nguồn sức mạnh để kết nối cộng đồng, đoàn kết dân tộc góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ