(Tổ Quốc) - Theo thỏa thuận, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền trên trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vậy nhưng, từ lúc triển khai dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nay đã được 10 năm, khoản tiền bồi thường GPMB vẫn chưa được Nhà nước bố trí, dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh cho dự án khoảng trên 800 tỷ đồng.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được khởi công ngày 19/5/2008 và hoàn thành, đưa vào khai thác toàn bộ vào ngày 5/12/2015. Đây là dự án được Thường trực Chính phủ quyết định giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) chủ trì huy động vốn và thành lập Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) để thực hiện đầu tư hợp đồng BOT theo cơ chế thí điểm quy định tại Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Khi hoàn thành, dự án đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước nghiệm thu chính thức. Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán (03 đợt) đối với vốn. Sau kiểm toán, suất vốn đầu tư xây dựng đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng (quy về 4 làn xe, không bao gồm chi phí lãi vay) tương đương với suất vốn đầu tư xây dựng bình quân đường ô tô cao tốc 4 làn xe khu vực đồng bằng Bắc bộ.
Sau 3 năm đưa vào khai thác, theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, lưu lượng xe đi trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng bình quân trên 27.000 lượt xe/ngày (bình quân 3 tháng vừa qua là 35.200 lượt xe/ngày, tăng 231% so với khi mới đưa vào khai thác - 15.200 xe/ ngày), chiếm hơn 45% tổng lưu lượng trên tuyến Hà Nội – Hải Phòng và Quốc lộ 5; thực tế các chỉ tiêu đạt được cho thấy phương án tài chính của Dự án là khả thi.
Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã thực sự là động lực phát triển kinh tế xã hội cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Vậy nhưng, trên thực tế hiện nay, dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đang gặp khó khăn về khoản lãi vay phát sinh từ nguồn vốn đối ứng của Nhà nước cho việc bồi thường GPMB. Theo tính toán của nhà đầu tư, với 4.069 tỷ đồng phải vay hộ Nhà nước để giải ngân cho các địa phương chi trả tiền GPMB, số lãi suất phát sinh tại dự án đến nay đã lên đến trên 800 tỷ đồng.
Theo thỏa thuận, Nhà nước sẽ bố trí hoàn trả dần khoản tiền 4.069 chi phí GPMP, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vậy nhưng, từ lúc triển khai dự án đến nay đã được 10 năm, khoản tiền bồi thường GPMB vẫn chưa được Nhà nước bố trí, dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh cho dự án khoảng trên 800 tỷ đồng.
Lý giải về khoản kinh phí phát sinh trên của dự án này, Bộ KH-ĐT cho rằng, để đầu tư Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức đối tác công tư (PPP), Nhà nước phải tham gia từ 30-50% tổng vốn đầu tư, phần còn lại do Nhà đầu tư tham gia vốn và được hoàn vốn đầu tư bằng thu phí.
Tuy nhiên, vào thời điểm năm 2007, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, không thể bố trí vốn, do vậy Thường trực Chính phủ đã quyết định thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế thí điểm: giao nhà đầu tư được vay vốn để đầu tư dự án theo lãi suất sát với lãi suất thị trường, các khoản tham gia, hỗ trợ của Nhà nước (cụ thể là 39%) được Nhà nước bố trí trả dần sau khi xây dựng xong.
Trước vấn đề này, ngày 3/8/2018 Thủ tướng đã có văn bản số 334/TB-VPCP ngày chỉ đạo các Bộ ngành liên quan: Bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2016-2020 và các thời kỳ tiếp theo để thanh toán các khoản hỗ trợ vốn cho VIDIFI đầu tư Dự án theo quy định.
Ngoài ra, trong phần cho ý kiến Chính phủ hoàn thành tờ trình trình Quốc hội thông qua việc phân bổ vốn cho nội dung trên, Kiểm toán Nhà nước cho biết: Phương án tài chính của dự án khả thi, theo đó, dự án sẽ trả được nợ vay, thu hồi được vốn đầu tư trong thời gian 28 năm 9 tháng nếu các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước được thực hiện theo cam kết.