• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lạm phát, bất ổn thách thức nền kinh tế Bangladesh

Thế giới 23/09/2022 19:33

(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, nền kinh tế Bangladesh đang chịu áp lực lớn khi giá nhiên liệu gia tăng đẩy chi phí thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tăng cao.

Giống như nhiều người dân khác ở Bangaladesh, bà Pekha Begum (60 tuổi) phải xếp hàng suốt 2 tiếng đồng hồ để mua đồ dùng thiết yếu hàng ngày với giá cả phải chăng như gạo, đậu lăng và hành tây.

"Tôi đã đến hai nơi khác trước nhưng chủ cửa hàng đều nói rằng không có đồ để bán. Sau đó, tôi đến đây và chấp nhận đứng xếp hàng cuối cùng", bà Begum nói và khẳng định đã đợi ở đây gần 2 tiếng đồng hồ để mua thực phẩm từ một chiếc xe tải bán thực phẩm theo chương trình trợ giá của chính phủ ở thủ đô Dhaka, Bangladesh.

Lạm phát, bất ổn thách thức nền kinh tế Bangladesh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Các chuyên gia cho rằng tình trạng kinh tế khó khăn của Bangladesh đang diễn biến tương tự như Sri Lanka sau những bất ổn kéo dài nhiều tháng khiến cuộc sống của người dân đang rơi vào tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc men. Những xu hướng này đang làm xói mòn những tiến bộ tích cực gần đây của Bangladesh trong nỗ lực cố gắng đưa đất nước trở thành trung tâm sản xuất hàng may mặc để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Giá nhiên liệu ở Bangladesh đã tăng lên hơn 50% vào tháng trước khi chi phí tăng vọt do giá dầu cao. Chính điều này khiến giới chức trách đưa ra chương trình trợ giá đối với nhiều hàng hóa như gạo và các mặt hàng chủ lực khác cho người dân.

"Bắt đầu triển khai từ ngày 1/9, chương trình trợ giá sẽ hỗ trợ cho khoảng 50 triệu người dân Bangladesh", Bộ trưởng Thương mại Bangladesh Tipu Munshi cho biết. "Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp nhằm giảm áp lực đối với những người có thu nhập thấp. Điều này đang tác động đến thị trường và giữ giá hàng hóa cạnh tranh. Các chính sách này phần nào hỗ trợ đối phó những thách thức lớn trên toàn cầu và trong nước".

Căng thẳng leo thang ở Ukraine đã đẩy giá hàng hóa lên cao hơn ngay vào thời điểm nhu cầu tiêu dùng hồi phục sau những tác động của đại dịch Covid-19. Các quốc gia như Bangladesh, Sri Lanka đã chứng kiến giá trị đồng tiền suy yếu mạnh so với đồng USD, đẩy giá nhập khẩu dầu và các hàng hóa khác tăng cao. Để giảm bớt áp lực về tài chính công và dự trữ ngoại hối, các nhà chức trách đã cấm vận hành các dự án lớn và mới, cắt giảm giờ làm việc để tiết kiệm năng lượng và áp đặt hạn chế nhập khẩu hàng hóa xa xỉ và các mặt hàng không thiết yếu, chẳng hạn như các dòng xe sedan và SUV.

"Nền kinh tế Bangladesh đang phải đối mặt với những sóng gió và bất ổn mạnh mẽ. Chúng ta giống như đang quay lại thời kỳ cắt giảm điện năng", ông Ahmad Ahsan, nhà kinh tế và là Giám đốc của Viện Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại Dhaka cho biết.

Hàng triệu người dân Bangladesh có thu nhập thấp như bà Begum, một gia đình gồm 5 người, hầu như không đủ tiền ăn cá hay thịt dù chỉ là một lần/tháng và đang phải đối mặt với khó khăn để trang trải cho mỗi bữa ăn. Bangladesh đã đạt được những bước tiến lớn trong hai thập kỷ qua trong nỗ lực phát triển kinh tế và chống đói nghèo. Các khoản đầu tư vào sản xuất hàng may mặc đã mang lại việc làm cho hàng chục triệu lao động, chủ yếu là phụ nữ. Xuất khẩu hàng may mặc và các sản phẩm liên quan chiếm hơn 80% kim ngạch xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, chi phí nhiên liệu quá cao khiến các nhà chức trách đã quyết định đóng cửa các nhà máy điện chạy bằng dầu diesel, cắt giảm sản lượng điện hàng ngày xuống còn 1.500 megawatt và làm gián đoạn sản xuất. Nhập khẩu trong năm tài chính vừa qua đã tăng lên 84 tỷ USD, trong khi xuất khẩu biến động khiến tài khoản vãng lai thâm hụt kỷ lục 17 tỷ USD.

"Nhiều thách thức đang ở phía trước"

Thời hạn hoàn trả các khoản vay nước ngoài liên quan đến ít nhất 20 dự án cơ sở hạ tầng lớn đang đến rất nhanh, bao gồm dự án cây cầu bắc qua sông Padma trị giá 3,6 tỷ USD do Trung Quốc xây dựng và một nhà máy điện hạt nhân do Nga hỗ trợ. Các chuyên gia cho rằng Bangladesh cần phải chuẩn bị lịch trình trả nợ dài hơi từ năm 2024 đến năm 2026.

Trong tháng 7, trong một động thái mà các nhà kinh tế coi là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, Bangladesh đã thực hiện khoản vay 4,5 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế, trở thành quốc gia thứ ba ở Nam Á gần đây tìm kiếm sự giúp đỡ sau Sri Lanka và Pakistan. Bộ trưởng Tài chính A.H.M Mustaga Kamal nói rằng Chính phủ nước này đã đề nghị IMF bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về các khoản vay. IMF cũng khẳng định đang làm việc với Bangladesh để vạch ra kế hoạch cụ thể. Dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã giảm và có khả năng làm suy yếu khả năng đáp ứng các nghĩa vụ đi vay của nước này.

Ông Zahid Hussain, cựu kinh tế trưởng văn phòng Dhaka của Ngân hàng Thế giới cho biết dự trữ ngoại hối có thể phải sử dụng vào khoảng 30 tỷ USD.

Tuy nhiên, bất chấp những gì mà các nhà kinh tế nói là chi tiêu quá mức cho một số dự án tốn kém, Bangladesh vẫn đang được trang bị tốt hơn để vượt qua thời kỳ khó khăn so với các quốc gia khác trong khu vực. Lĩnh vực nông nghiệp của nước này như chè, gạo được xem là những "công cụ giảm sốc" hiệu quả đối với nền kinh tế của nước này. Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á, nền kinh tế nước này được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,6% trong năm tài chính năm nay và tổng nợ của Bangladesh vẫn được xem là tương đối nhỏ./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ