(Tổ Quốc) - Các nhà sản xuất bia ở Anh quyết định chỉ cắt giảm hàm lượng cồn nhưng không cắt giảm giá của một số loại bia phổ biến trong bối cảnh vương quốc này đối mặt tình trạng lạm phát dai dẳng.
Giảm cồn không giảm giá
Hãng tin CNN cho biết, Greene King, một nhà sản xuất bia lớn của Anh đang giảm hàm lượng cồn trong dòng bia nhạt Old Speckled Hen nổi tiếng của hãng từ 5% xuống 4,8%.
Hay vào tháng 3, nhà sản xuất bia lâu đời nhất nước Anh Shepherd Neame đã giảm hàm lượng cồn của bia Spitfire và Bishops Finger đóng chai lần lượt từ 4,5% và 5,4% xuống 4,2% và 5,2%.
Theo tờ Mail on Sunday, các nhà sản xuất bia đã giữ nguyên kích thước của chai/lon với lượng chất lỏng như cũ nhưng cắt giảm lượng cồn.
Truyền thông Anh nhận định, tình trạng "lạm phát đồ uống" này phản ánh tình trạng "lạm phát thu nhỏ" trong lĩnh vực thực phẩm đồ uống của Anh: Nhiều nhà sản xuất thực phẩm và siêu thị tuy giảm quy mô nhưng không giảm giá thành sản phẩm.
Vì theo luật của Vương quốc Anh, các nhà sản xuất bia sẽ phải trả ít thuế cho loại đồ uống có nồng độ cồn thấp hơn. Vì thế có ý kiến cho rằng, các công ty sản xuất đã bỏ túi khoản tiền này thay vì chuyển nó cho khách hàng thông qua mức giá thành thấp hơn.
Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Greene King, việc giảm hàm lượng cồn chỉ nhằm mục đích bù đắp một số chi phí gia tăng sau nhiều năm chịu áp lực lạm phát đối với nguyên liệu thô, chi phí đóng gói và giá năng lượng.
Người này khẳng định, việc cắt giảm hàm lượng cồn không ảnh hưởng đáng kể đến hương vị của bia.
Người phát ngôn của Shepherd Neame thì tiết lộ, hãng hạ thấp hàm lượng cồn trong các dòng bia để "tăng sức hấp dẫn" vì người tiêu dùng "ngày càng chọn đồ uống có nồng độ cồn thấp hơn như một phần của lối sống lành mạnh".
Ngoài ra, do chi phí nguyên liệu thô như năng lượng và thủy tinh tăng cao nên hãng đã tăng giá tất cả các loại bia của mình.
Lạm phát dai dẳng
CEO Hiệp hội Bia và Quán rượu Anh Emma McClarkin cho biết mặc dù lạm phát ở Anh đã hạ nhiệt nhưng các doanh nghiệp "vẫn cảm thấy rất khó khăn" và chỉ đơn giản là tìm cách giảm chi phí cho các mặt hàng.
"Các nhà sản xuất bia đã phải đối mặt với việc tăng giá ngày càng tăng trong các chuỗi cung ứng trong hai năm qua và trong khả năng có thể, họ đã giảm bớt chi phí để tránh việc khách hàng phải trả quá nhiều tiền cho bia của họ", bà McClarkin nói với CNN.
Tuy lạm phát ở Anh đã giảm trong những tháng gần đây nhưng vẫn ở mức cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trong Nhóm G7. Lạm phát giá tiêu dùng ở Anh vẫn ở mức cao đạt 8,7% trong tháng 4.
Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh Mark Carney nói với tờ The Daily Telegraph hôm 16/6 cho rằng, Brexit chính là nguyên nhân khiến lạm phát ở Anh kéo dài chưa hồi kết.