(Tổ Quốc) - Trong tháng 6, lạm phát của Mỹ chứng kiến mức tăng cao nhất trong 4 thập kỷ qua do giá khí đốt, thực phẩm và tiền thuê nhà cao.
Trước diễn biến này, nhiều hộ gia đình ở Mỹ đã phải thắt chặt ngân sách chi tiêu trong khi Cục Dự trữ Liên bang đã trải qua nhiều đợt tăng lãi suất mạnh. Các chuyên gia dự báo nếu xu hướng này tiếp tục xảy ra sẽ dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế vào thời gian tới.
Chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 6 của Mỹ đã tăng 9,1% so với năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1981 do chi phí năng lượng cao hơn. Những người dân Mỹ có thu nhập thấp hơn đang bị ảnh hưởng nặng nề vào thời điểm hiện tại vì tỷ lệ thu nhập không cân đối với giá hàng hóa thiết yếu. Bởi chi phí hàng hóa và dịch vụ tăng nhanh hơn thu nhập trung bình nên đại đa số người dân Mỹ đang cảm thấy khó khăn để bắt nhịp với xu hướng giá cả đều tăng mạnh.
"Mọi thứ đều tăng, kể cả những mặt hàng bình dân. Giá hàng hóa thiết yếu tăng 12% trong năm qua, mức tăng cao nhất kể từ năm 1979", bà Marcia Freeman, 72 tuổi nói.
Lạm phát phi mã là một vấn đề gây "khó chịu" cho Cục Dự trữ Liên bang (FED). FED đã phải tham gia vào hàng loạt các đợt tăng lãi suất nhanh nhất trong ba thập kỷ qua với hy vọng sẽ hạ nhiệt lạm phát bằng cách giảm bớt các khoản vay và chi tiêu tiêu dùng cũng như doanh nghiệp.
Nền kinh tế Mỹ đang suy thoái trong ba tháng đầu năm và nhiều nhà phân tích tin tưởng rằng xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì trong quý thứ hai của năm nay.
Bà Megan Greene, nhà kinh tế trưởng toàn cầu thuộc viện Kroll cho biết việc FED tăng lãi suất có thể kiềm chế nhu cầu toàn cầu. Nhưng nếu vẫn tiếp tục kéo dài thì kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái.
Khả năng tăng lãi suất cao trong năm nay đã đẩy chỉ số chứng khoán xuống thấp hơn trong các phiên giao dịch chiều. Ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tiếp tục tăng lãi suất ngắn hạn quan trọng vào cuối tháng này thêm 3/4 điểm – động thái giống với tháng trước.
Sau nhiều năm chi phí tiêu dùng giữ mức thấp, sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch kết hợp với những khó khăn trong chuỗi cung ứng đã khiến lạm phát bùng phát.
Người tiêu dùng đã "giải phóng" làn sóng chi tiêu bị dồn nén trong bối cảnh chi phí đi vay cực thấp và khoản tiết kiệm lớn được tích lũy sau hai năm đại dịch. Vì vậy, nhiều người Mỹ có xu hướng chi tiêu vào đồ nội thất, đồ gia dụng hay thiết bị thể thao khiến các nhà máy và công ty vận chuyển phải vật lộn để theo kịp với nhu cầu. Bên cạnh đó, căng thẳng leo thang giữa Nga- Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực tăng nhanh khiến tình trạng kinh tế trở nên khó khăn hơn.
Trong những tháng gần đây, khi đại dịch Covid-19 đã giảm đi, chi tiêu tiêu dùng đã dần chuyển hướng từ hàng hóa sang dịch vụ. Tuy nhiên, thay vì giảm lạm phát bằng cách giảm giá hàng hóa thì chi phí nội thất, xe hơi và các mặt hàng khác tiếp tục tăng mạnh. Chi phí thuê nhà và các dịch vụ khác cũng trở nên đắt đỏ. Ước tính từ tháng Năm đến tháng Sáu, giá hàng hóa đã tăng 1,3% sau khi tăng 1% từ tháng 4 dến tháng 5.