(Tổ Quốc) - Trong tháng Ba vừa qua, Mỹ đối mặt với lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ qua.
Lạm phát cao nhất trong 4 thập kỷ qua
Theo hãng AP, chi phí thực phẩm, xăng dầu, nhà ở và các nhu yếu phẩm khác tăng cao tại Mỹ đang gây áp lực cho người tiêu dùng và đe dọa nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo khảo sát của công ty dữ liệu FactSet, vào tháng Ba năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ đã tăng 8,4% so với một năm trước đó. Điều này cũng đánh dấu mức lạm phát cao nhất trong 40 năm qua (tính từ năm 1981), tăng vượt mức so với một năm trước là 7.9%. Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế cũng dự báo, trong tháng 2 đến tháng 3 năm nay, giá tiêu dùng đã tăng 1,1% và là mức tăng cao nhất từ tháng này sang tháng khác kể từ năm 2005.
Thống kê vào tháng Ba cũng cho biết, mức lạm phát cao nhất trong 40 năm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang từ ngày 24/2. Các ảnh hưởng bắt đầu từ gián đoạn chuỗi cung ứng thị trường năng lượng và thực phẩm toàn cầu. Theo hãng AP, giá trung bình 4,11 USD/gallon, tăng 44% so với một năm trước mặc dù đã có tín hiệu giảm trong vài tuần qua.
Giá năng lượng leo thang cũng dẫn đến chi phí vận chuyển cao hơn ảnh hưởng đến tất cả các thành phần trong nền kinh tế, vì vậy đã tác động đến túi tiền người tiêu dùng. Ông Luke Tilley, kinh tế trưởng tại Wilmington Trust khẳng định chiến tranh ở Ukraine đã làm phức tạp góc nhìn về tín hiệu lạm phát.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế cũng chỉ ra rằng ngay khi nền kinh tế hồi phục mạnh từ vực sâu của đại dịch, người tiêu dùng đã dần mở rộng chi tiêu hơn không chỉ ở mua sắm hàng hóa thông thường mà bao gồm cả hoạt động dịch vụ như đi du lịch. Bởi lạm phát cao, ban đầu chỉ phản ánh sự khan hiếm hàng hóa như ô tô, đồ nội thất, thiết bị điện tử và dụng cụ thể thao nhưng sau đó lấn sang cả lĩnh vực dịch vụ như du lịch, chăm sóc y tế và giải trí.
Nếu thống kê giá cả tháng Ba đúng như dự kiến trước đó thì chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ quyết định tăng lãi suất mạnh mẽ vào các tháng tới nhằm làm chậm chương trình vay và chi tiêu đồng thời là nỗ lực để kiềm chế lạm phát cao. Trên thực tế, thị trường tài chính dự báo chương trình tăng lãi suất vào năm nay sẽ cao hơn nhiều so với những gì các quan chức của FED đã cảnh báo cách đây một tháng.
Việc tăng tỷ giá của ngân hàng trung ương sẽ khiến cho các khoản vay cao hơn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đặc biệt, lãi suất thế chấp thấp, cho dù không ảnh hưởng từ FED nhưng cũng khiến giá mua nhà ở tăng vọt những tuần gần đây. Nhiều nhà kinh tế cho biết họ thực sự lo lắng khi FED đã chờ đợi quá lâu để tăng lãi suất và có thể kết thúc bằng hành động quyết liệt dẫn đến suy thoái.
Kinh tế Mỹ
Đến hiện tại, nền kinh tế Mỹ nhìn chung vẫn duy trì ổn định khi tỷ lệ thất nghiệp giữ mức thấp nhất trong 50 năm và tỷ lệ tạo thêm việc làm tăng kỷ lục. Tuy nhiên, lạm phát tăng mạnh đã tác động đến cuộc sống hàng ngày của người dân Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại khi các đợt tăng lãi suất mạnh do FED điều chỉnh nhằm giảm lạm phát. Vào cuối năm 2020, ông Tilley, nhà kinh tế của Wilmington Trust từng đưa dự đoán tỷ lệ lạm phát tiêu dùng hàng năm sẽ chỉ dao động ở 4,5%. Trước khi Nga thực hiện hành động quân sự tại Ukraine, ông cũng phỏng đoán tỷ lệ lạm phát tiêu dùng dưới 3%.
"Trong báo cáo của chính phủ ngày 12/4, ngay cả khi đã loại trừ giá thực phẩm và năng lượng do biến động thì lạm phát cơ bản trong 12 tháng qua dự kiến cũng đạt 6,6%", khảo sát của FactSet cho biết. Đây được xem là mức nhảy vọt lớn nhất trong năm kể từ tháng 8/1982.
Mức độ lạm phát hầu hết đã được kiểm soát trong 4 thập kỷ. Đến mùa xuân năm ngoái, nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung đã phục hồi trở lại với tốc độ bất ngờ sau cuộc suy thoái Covid-19 kéo dài 2 năm.
Mức độ phục hồi đã kích thích tăng cường chi tiêu chính phủ và lãi suất thấp nhưng lại gây ra bất ngờ cho các doanh nghiệp bởi nhu cầu gia tăng từ khách hàng.
Các nhà máy, cảng và bãi vận chuyển hàng hóa phải vật lộn để theo kịp nhu cầu gia tăng. Quá trình vận chuyển hàng hóa chậm trễ và giá cả tiếp tục tăng đột biến.
Theo AP, một số ý kiến cho rằng gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ đôla vào tháng 3/2021 của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giúp làm nóng nền kinh tế mà vốn dĩ đã "quá nóng nực". Nhiều người dân Mỹ cũng được tăng lương theo xu hướng này nhưng tốc độ lạm phát nhanh đã khiến hầu hết mọi người không hưởng lợi từ đây. Vào tháng Hai, sau khi tính đến lạm phát, mức lương trung bình theo giờ của người dân Mỹ ước tính đã giảm 2,5% so với một năm trước đó. Đây là lần giảm lương hàng tháng lần thứ 11 liên tiếp trong mức lương điều chỉnh theo lạm phát./.