(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, lần đầu tiên không lực Mỹ triển khai các máy bay ném bom B-1 tới Na Uy.
Động thái trên được đánh giá là một thông điệp rõ ràng gửi tới Nga rằng quân đội Mỹ sẽ hiện diện tại khu vực Bắc cực. Nó đồng thời chứng minh, Washington sẽ bảo vệ các đồng minh của mình chống lại bất kỳ hành động gây hấn nào từ Nga.
Bốn máy bay ném bom B-1 và khoảng 200 quân nhân Mỹ đang được triển khai tới Căn cứ Không quân Orland tại Na Uy. Trong vòng 3 tuần tới, họ sẽ bắt đầu thực thi các nhiệm vụ tại Vòng Bắc cực và tại một không phận quốc tế phía bên ngoài tây bắc Nga.
Cho tới thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ quân sự liên quan tới Bắc cực của Mỹ đều diễn ra phía ngoài lãnh thổ Anh. Việc điều động lực lượng tới gần Nga hơn đồng nghĩa Mỹ sẽ có thể phản ứng tốt hơn trước các động thái của Moscow.
"Khả năng sẵn sàng tác chiến và năng lực hỗ trợ các đồng minh và đối tác của chúng tôi cũng như tốc độ phản ứng nhanh là những yếu tố cơ bản dẫn tới thành công", Tướng Jeff Harrigian, Tư lệnh Không lực Mỹ tại châu Âu và châu Phi nói.
Những tháng gần đây, Lầu Năm góc đã gửi các nhóm máy bay ném bom B-52 quy mô nhỏ tới Trung Đông nhằm minh chứng cho khả năng Mỹ có thể nhanh chóng điều động lực lượng tới khu vực. Theo một số quan chức, các nhiệm vụ này thường tốn hàng tuần để lên kế hoạch; do đó, việc triển khai quân tới Na Uy đã được hoạch định từ khá lâu.
So với người tiền nhiệm, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ thái độ sẽ đi theo một lập trường cứng rắn hơn với Moscow. Cuối tháng trước, ông Biden đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bộ Quốc phòng Mỹ luôn lo ngại khả năng Nga tiến hành hoạt động quân sự với mục đích chính là ngăn chặn con đường tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên và lối vào hàng hải tại Bắc cực.
"Các khoản đầu tư gần đây của Nga tại Bắc cực bao gồm một mạng lưới các hạ tầng phòng thủ trên không và hệ thống tên lửa ven biển", một quan chức không lực Mỹ dưới thời chính quyền Trump cho hay.
Hồi tháng Một, một phi cơ chiến đấu của Nga đã bay ở tầm thấp sát với tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ trên vùng biển quốc tế tại Biển Đen. Hải quân Mỹ thường xuyên nhấn mạnh, sự hiện diện của họ tại các vùng biển này biểu hiện cho quyết tâm của Washington duy trì tự do hàng hải trong khu vực.