• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Làn sóng di dân khỏi New Zealand vì khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Thế giới 10/09/2024 10:07

(Tổ Quốc) - Theo trang CNBC, dù từng được thế giới công nhận là thiên đường an toàn "đẹp như tranh vẽ" và tiến bộ xã hội nhưng hiện tại, nền kinh tế mong manh của New Zealand đang đẩy nhiều người dân nước này phải rời khỏi đất nước.

Trong bối cảnh giá cả tăng, lãi suất cao và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, chính phủ New Zealand mới đây đã đưa ra thống kê khoảng 131.200 người dân đã rời khỏi đất nước trong 12 tháng qua tính đến tháng 6/2024, ghi nhận mức cao kỷ lục.

Khủng hoảng người tị nạn vì kinh tế nghiêm trọng ở New Zealand - Ảnh 1.

Máy bay cất cánh từ Sân bay Queenstown. Ảnh: Mrruj | Istock | Getty Images

Ông Wilson Ong, 32 tuổi, làm quản lý và mua hàng trong ngành bán lẻ thời trang của New Zealand, đã chứng kiến nhiều người bạn của ông đang rời đi khỏi New Zealand và ông cũng có kế hoạch sẽ tham gia cùng họ trong thời gian tới.

"Đối với tôi, yếu tố chính là chất lượng công việc. Ở New Zealand, tôi đang cảm thấy bị hạn chế về cơ hội việc làm dù là kinh nghiệm rất tốt", ông nói.

Từ lâu, những người New Zealand trẻ tuổi thường tìm kiếm trải nghiệm làm việc ở nước ngoài, đặc biệt từ sau Covid-19 vì trì hoãn nhiều kế hoạch du lịch.

Ông Nick Tuffley, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ASB của New Zealand cũng cho rằng quá trình phục hồi kinh tế đầy biến động sau đại dịch Covid-19 là "yếu tố khuyến khích" thúc đẩy thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z ở New Zealand rời đi.

Ông Tuffley nhận định: "Thật khó khăn".

Theo số liệu thống kê của chính phủ New Zealand, tính đến tháng 6/2024, hơn 50% người dân di cư khỏi nước này là những người trong độ tuổi từ 20 đến 39, trong đó những người trong độ tuổi từ 25 đến 29 nằm trong nhóm di cư lớn nhất.

Bà Shamubeel Eaqub, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế New Zealand khẳng định trong suốt 1,5 năm qua, nền kinh tế New Zealand đã chậm lại và tình trạng thất nghiệp thường xuyên xảy ra. Cho đến khi thị trường việc làm được cải thiện, những người tị nạn vì kinh tế đó sẽ vẫn rời khỏi New Zealand.

Khủng hoảng chi phí sinh hoạt

Vào đầu đại dịch Covid-19, chính phủ New Zealand đã thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và bắt buộc cách ly 14 ngày đối với những người nhập cảnh vào nước này.

Trước khi lệnh cách ly có kiểm soát, Thủ tướng Jacinda Ardern khi đó cho biết gần 40.000 người New Zealand đã trở về nhà trong khoảng thời gian từ ngày 20/4/ 2020 đến ngày 9/4/2020.

Sau đó, New Zealand được ca ngợi vì phản ứng nhanh chóng đối phó với đại dịch, với tỷ lệ tử vong thấp.

Ngay cả ông Ong cũng từng hoãn kế hoạch chuyển đến Anh vào năm 2020 và quyết định ở lại New Zealand, nơi ông coi là nơi an toàn hơn để chờ đợi đại dịch qua đi. Ông đã trở thành người hưởng lợi từ các khoản trợ cấp tiền lương thời Covid và sau đó có thể quay lại công việc trước đây tại thành phố lớn nhất của đất nước, Auckland.

Nhưng sau đó các khoản trợ cấp này trở nên cạn kiệt. Nhiều doanh nghiệp nhỏ đóng cửa trong thời gian phong tỏa đã không bao giờ mở cửa trở lại. Trong khi đó, lạm phát liên tục ở mức cao đã làm giảm sức mua của khoảng 5 triệu người tiêu dùng trong nước.

Vào quý 2/2022, tỷ lệ lạm phát hàng năm tại New Zealand đạt 7,3%, mức cao nhất trong hơn ba thập kỷ. Mặc dù đã hạ nhiệt xuống 3,3% kể từ quý 2/2024, nhưng vẫn cao hơn mục tiêu trung hạn từ 1% đến 3% của Ngân hàng Dự trữ New Zealand.

Theo dữ liệu từ công ty CoreLogic, khả năng chi trả nhà ở, bao gồm tiền thuê nhà và thế chấp so với tiền lương, vẫn ở mức cao.

Ông Ong, người hiện đang tìm kiếm việc làm ở một số quốc gia, nhận định: "Tôi nghĩ rằng một đặc điểm của nền kinh tế tồi tệ là người lao động không có cơ hội tăng lương trong khi chi phí sinh hoạt cao".

Chính sách thu hút nhân tài

Trong khi đó, nước láng giềng Australia là điểm đến thường xuyên nhất của những người di cư khỏi New Zealand.

Không chỉ giữ vững nền kinh tế tốt mà Australia còn tạo điều kiện thuận lợi cho người New Zealand chuyển đến theo thị thực đặc biệt. Kể từ tháng 7/2023, những công dân New Zealand đã sống ít nhất 4 năm tại Australia có thể trực tiếp nộp đơn xin nhập quốc tịch.

Australia cũng tìm kiếm những người lao động New Zealand trong khu vực công. Trong những tháng gần đây, Australia đã trả tiền cho các quảng cáo trên các ấn bản của tờ New Zealand Herald, hứa hẹn "những ngày ấm áp hơn và mức lương cao hơn" đối với những cảnh sát viên New Zealand muốn chuyển đến quốc gia này, theo phương tiện truyền thông địa phương.

Trong khi đó, công ty tuyển dụng Hays cũng ghi nhận nhiều ngành công nghiệp ở Australia sẵn sàng trả mức lương cao đáng kể để thu hút nhân tài.

"Chúng tôi có khả năng mất đi những tài năng ở New Zealand khi họ đang tìm kiếm công việc ở những nơi khác trên thế giới. Mặc dù số lượng người dân nhập cư vào New Zealand từ lâu đã bù đắp cho tình trạng thiếu hụt lao động do người di cư để lại và tỷ lệ sinh chậm nhưng tình trạng thất nghiệp gia tăng cũng cho thấy New Zealand hiện đang phải đối mặt với những vấn đề lớn khác", chuyên gia Tuffley cho biết.

Theo Nhà kinh tế trưởng Shamubeel Eaqub từ Viện Nghiên cứu Kinh tế New Zealand, bất chấp những lo ngại ngày càng tăng về tình trạng chảy máu chất xám và mất đi lao động lành nghề, New Zealand không thể làm gì nhiều trong ngắn hạn để cải thiện tình hình kinh tế vào thời điểm hiện tại.

"Tôi nghĩ rằng nền kinh tế có thể phải tồi tệ hơn trước khi trở nên tốt hơn", ông Eaqub nhận định./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ