(Tổ Quốc) - Trả lời phỏng vấn hãng tin AFP hôm thứ Ba (6/10), Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho hay, "sự hỗ trợ toàn diện" của Thổ Nhĩ Kỳ là động cơ khiến Azerbaijan làm bùng phát cuộc chiến tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh .
"Mặc dù giới lãnh đạo Azerbaijan luôn duy trì thái độ hiếu chiến trong suốt 15 năm qua, nhưng quyết định châm ngòi chiến tranh đến từ sự hỗ trợ toàn diện của Thổ Nhĩ Kỳ", Thủ tướng Pashinyan nói. "Không có sự tham gia tích cực của Thổ, cuộc chiến này sẽ không bắt đầu".
Người đứng đầu chính phủ Armenia cũng tỏ ra kiên quyết khi cáo buộc Azerbaijan tiến hành một "cuộc chiến tranh khủng bố chống lại một dân tộc đang đấu tranh vì tự do".
Là một cựu biên tập viên, ông Pashinyan nhậm chức Thủ tướng vào năm 2018 sau khi lãnh đạo hàng chục nghìn cuộc biểu tình phản đối đảng cầm quyền. Ông cũng kêu gọi giới lãnh đạo Armenia cải tổ ở quy mô lớn và mong muốn có được mối quan hệ tốt hơn với Nga và cả phương Tây.
Ông Pashinyan nhấn mạnh, cuộc chiến mới đây "không đơn giản là những leo thang mới" của xung đột tại Karabakh – vùng lãnh thổ tranh chấp nhiều năm giữa Armenia và Azerbaijan.
Những xung đột hiện tại đã chứng kiến "sự hiện diện chủ động của các nhóm khủng bố từ Trung Quốc trong khu vực xung đột", Thủ tướng Armenia nói, đồng thời miêu tả quân đội nước này như một lực lượng hoạt động chống khủng bố.
Thổ Nhĩ Kỳ bị cho là đã gửi quân lính từ Syria tới hỗ trợ Azerbaijan ở Karabakh. Theo phía Armenia, đích thân quân lính Thổ cũng đang chiến đấu trong khu vực.
Thủ tướng Pashinyan chỉ trích việc Thổ hiện diện tại Nagorno-Karabakh là một phần trong "chính sách diệt chủng Armenia" của Ankara.
Yerevan cáo buộc, có tới 1,5 triệu người dân Armenia từng bị Đế chế Ottoman tàn sát trong Thế chiến Thứ nhất. Thổ Nhĩ Kỳ phủ nhận tội danh "diệt chủng" và cho rằng, rất nhiều người Thổ cũng đã thiệt mạng.
Ông Pashinyan cảnh báo, nếu "châu Âu không nhận dạng tình huống theo đúng tên của nó", quân đội Thổ có thể xuất hiện ngay bên ngoài Vienna vào một ngày nào đó trong tương lai. Hồi thế kỷ 17, Đế chế Ottoman từng bao vây Thủ đô nước Áo.
Nói về vai trò của đồng minh Nga, Thủ tướng Armenia cho biết: "Nếu Armenia phải đối mặt với nguy cơ an ninh, sự tham gia của Nga sẽ nằm trong khuôn khổ hiệp ước giữa hai bên. Tôi tin rằng, tùy theo tình huống Nga sẽ tuân thủ nghĩa vụ trong hiệp ước".