(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đã trở lại trụ sở Liên hợp quốc và chuẩn bị cho phiên họp trực tiếp ở New York, tăng cường giải quyết khủng hoảng leo thang liên quan đến các vấn đề dịch bệnh Covid-19 và hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Vào năm ngoái, các phiên họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra bằng hình thức trực tuyến do dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề trên khắp thế giới. Tuy nhiên, đến năm nay, Đại hội đồng đưa ra hai lựa chọn: hoặc tham dự trực tuyến hoặc đến New York tham dự trực tiếp. Hiện tại, hơn 100 quốc gia thành viên đã bước vào Tuần lễ cấp cao Khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm giải quyết hàng loạt các vấn đề thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
"Tại phiên họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutteres sẽ không nhắc đến thực trạng diễn ra trên thế giới mà sẽ đưa ra tầm nhìn nhằm bắc cầu hàn gắn các chia rẽ đang cản trở tiến trình", Người phát ngôn Liên hợp quốc - Stephane Dujarric nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ có bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, tăng cường ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu và kêu gọi các đồng minh thúc đẩy hợp tác giải quyết các vấn đề đang tồn tại xung quanh dịch bệnh Covid-19 cũng như vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo hãng AP, Tổng thống Biden đã có cuộc gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trước thềm bài phát biểu dự kiến vào ngày 21/9, bày tỏ vai trò quan trọng của Liên hợp quốc trong khoảnh khắc khó khăn của lịch sử. Trong bài phát biểu ngắn ở cuộc gặp với Tổng thư ký Guterres, Tổng thống Biden nhấn mạnh, đây là cơ hội để chứng minh với các thành viên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng "Nước Mỹ đã trở lại" – đúng với tuyên bố của ông khi nhậm chức.
Giới chuyên gia nhìn nhận sự chú ý của lãnh đạo các nước sẽ tập trung vào Tổng thống Biden trong Tuần lễ cấp cao Khóa họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Các vấn đề căng thẳng trước mắt
Về vấn đề căng thẳng Mỹ-Trung, trước thềm lễ khai mạc, Tổng thư ký Guterres đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm trọng, nhấn mạnh thế giới có thể rơi vào cuộc Chiến tranh Lạnh mới và sẽ nguy hiểm hơn trừ khi Mỹ và Trung Quốc có các động thái hàn gắn mối quan hệ giữa hai nước. Nguời đứng đầu Liên hợp quốc đã có bài phỏng vấn trên hãng AP, nhận định xu hướng Mỹ và Trung Quốc nên tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề khủng hoảng khí hậu, đàm phán thương mại và công nghệ.
Nhắc đến bài phát biểu của Tổng thống Biden, Người đứng đầu Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group) - Richard Gowan nhấn mạnh câu hỏi thực sự đáng quan tâm nhất là bằng cách nào để có thể định hình mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Richard Gowan cho rằng các lập trường cứng rắn nhấn định của Mỹ đối với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong chính quyền Tổng thống Biden.
Liên quan đến việc thành lập liên minh an ninh giữa Mỹ, Anh và Australia (mang tên AUKUS), Pháp đã có các phản ứng chỉ trích trước thông báo bất ngờ của Tổng thống Biden cùng với lãnh đạo hai nước Australia và Anh về thỏa thuận cung cấp tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Sydney. Trước đó, Australia đã ký hợp đồng trị giá ít nhất 66 tỷ đô la với Pháp liên quan đến thỏa thuận mua hàng chục tàu ngầm. Động thái liên minh an ninh của Mỹ - Anh – Australia đã ảnh hưởng đến thỏa thuận trước đó giữa Sydney và Paris.
Thêm vào đó, các chuyên gia cho rằng, về vấn đề Afghanistan, Tổng thống Biden đã không đưa ra được sự thống nhất với các đồng minh về kế hoạch rút quân khỏi khu vực. Động thái này đã gây ra sự hỗn loạn trong kế hoạch sơ tán ở Afghanistan. Khác biệt về vấn đề vaccine cũng như hạn chế đi lại được xem là các khúc mắc hiện tại giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu vào thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Le Drian từng nhận định "giai đoạn khủng hoảng niềm tin" đang tồn tại giữa Mỹ và Pháp sau hàng loạt các vấn đề tranh cãi nêu trên.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng liên minh châu Âu – ông Charles Michel cũng lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ Mỹ khi cho rằng chính quyền Tổng thống Biden đưa EU ra khỏi chiến lược khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và lờ đi các yếu tố thống nhất trong liên minh xuyên Đại Tây Dương – bao gồm tính minh bạch và lòng trung thành.
"Động thái rút quân khỏi Afghanistan của Mỹ và việc thành lập liên minh Mỹ-Anh-Australia là hai ví dụ điển hình cho lập trường đó", ông Charles Michel nhấn mạnh.
Vì vậy, trước thềm phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, giới quan sát nhận định "cuộc khủng hoảng lòng tin" giữa Mỹ và các đồng minh lâu đời nhất có thể đang xảy ra trong bối cảnh hiện tại khi Pháp nhìn thấy họ đang bị loại ra chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu.
Theo hãng AP, mặc dù tồn tại các khác biệt nhưng Tổng thống Biden vẫn bày tỏ hy vọng sẽ có thể nhấn mạnh các quan điểm của Mỹ trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên hợp quốc đồng thời các cuộc gặp riêng với một số nhà lãnh đạo trên thế giới trong tuần này sẽ khẳng định thêm vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế.
"Mặc dù tồn tại các bất đồng vào thời điểm hiện tại nhưng điều quan trọng hơn ở đây … là chúng tôi luôn tuân thủ cam kết với các liên minh truyền thống. Đó là hành động mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng thực hiện", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nhấn mạnh./.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!