• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam: Rừng bị phá như máu mình đổ

Thời sự 30/03/2018 16:46

(Tổ Quốc) - “Cứ mỗi lần nhìn những cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống…” ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam nói.

Vụ phá rừng khá nghiêm trọng

Ngày 30/3, ông Lê Trí Thanh đã cùng đoàn cán bộ liên ngành đến kiểm tra hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại khu rừng phòng hộ Sông Kôn giáp ranh 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam), bị lâm tặc ngang nhiên chặt phá (Báo điện tử Tổ Quốc đã phản ánh).

Sau nhiều giờ băng rừng theo đoàn, nhóm phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc cũng đến được địa điểm xảy ra tình trạng phá rừng. Trước mặt chúng tôi là ngổn ngang những cây gỗ bị chặt phá, hàng chục các phách gỗ được cưa xẻ chuẩn bị vận chuyển đi tiêu thụ. Cùng với đó, là hàng chục các gốc cây hơn một vòng ôm nằm trơ trọi. Có nhiều dấu vết mới lẫn cũ để lại trên gốc cây.

 Hàng chục cây cổ thụ bị sẽ thịt trơ gốc.

Theo ghi nhận tại hiện trường vụ phá rừng phòng hộ Sông Kôn giáp ranh 2 xã Jơ Ngây và Tà Lu, một khoảnh rừng lớn bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Những cây gỗ lớn vừa mới bị chặt hạ, nằm xen lẫn với những cây gỗ lớn bị chặt trước đó nằm ngổn ngang.

Hàng chục cây gỗ mới vừa bị triệt hạ lấy gỗ, chỉ còn trơ gốc, bìa gỗ và mùn cưa, nhánh cây. Nhiều phách gỗ bị xẻ nằm la liệt dưới mặt đất, một số phách bị lá cây và lớp mùn cưa che kín mà lâm tặc chưa kịp chuyển ra ngoài. Men theo dấu đường trâu kéo gỗ, nhiều phách gỗ được lâm tặc vận chuyển ra để ngay hai bên bờ một con suối nhỏ. Dấu vết của những lần vận chuyển gỗ còn rất mới.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đông Giang, khu vực xảy ra phá rừng thuộc khoảnh 8,9,10,11 Tiểu khu 41 xã Tà Lu. Khoảnh 1,3 thuộc Tiểu khu 140 xã Za Hung. Hiện trường có 33 gốc cây bị chặt hạ, ước tính khoảng 45,6m3 thuộc nhóm III đến nhóm V. Một số gỗ đã chuyển ra khỏi hiện trường, còn lại 5 lóng gỗ và một cây gỗ chưa cưa xẻ khoảng 11m3. 8 phách gỗ xẻ với khối lượng khoảng 2,3m3.

Hiện công an huyện Đông Giang cũng đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi hủy hoại rừng. Có năm người đã thừa nhận hành vi khai thác rừng trái phép. Cơ quan chức trách đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

 Nhiều cây gỗ đã được lực lượng chức năng đánh số, đo đếm trước đó.

Rừng bị phá như máu mình đổ xuống

Đó là lời của ông Lê Trí Thanh khi nhìn cảnh tượng rừng bị phá tan hoang trong thời gian vừa qua, những kẻ phá rừng vẫn chưa được xử lý nghiêm khắc.

Tại buổi kiểm tra, ông Lê Trí Thanh cho biết hiện nay, Quảng Nam là nơi có diện tích rừng lớn thứ hai trong cả nước và cũng cận kề với các địa phương đã bị mất rừng nhiều. Do đó, áp lực lên việc bảo vệ tính nguyên vẹn của các cánh rừng là vô cùng khó khăn.

Thế nhưng, không phải vì khó mà chúng ta không tìm ra những giải pháp phù hợp hơn, hiện đại hơn, tích cực hơn để quản lý rừng hiệu quả hơn. Trong thời gian sắp tới, tỉnh Quảng Nam sẽ chỉ đạo quyết liệt nội dung này.

Cũng theo ông Thanh, "trước Tết, chúng tôi cũng nhận định khả năng các đối tượng sẽ tranh thủ thời gian này để phá rừng, săn bắt các động vật quý hiếm ở trong rừng, do đó tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch nhằm tăng cường công tác tuần tra, truy quét, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Cho đến bây giờ thì cũng đã có một số kết quả nhất định, đặc biệt trên địa bàn hai huyện Nam Giang và Đông Giang cũng đã phát hiện được một số vụ phá rừng, một số vụ săn bắt động vật trái phép".

Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam còn cho biết các ban quản lý rừng, được giao quản lý trên lâm phận của mình và gần như tất cả các lâm phận vcủa rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cơ bản các rừng cũ trước đây được thành lập thì đã được cắm mốc quản lý bảo vệ rừng.

Chiều dài của các mốc quản lý bảo vệ rừng thì gấp đôi quốc lệ 1A, thế nhưng lực lượng của ban quản lý bảo vệ rừng chưa phát huy hết trách nhiệm của mình, nhất là cùng với chính quyền địa phương, với lực lượng công an, đặc biệt là cùng với các nhóm hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng để tổ chức thường xuyên tuần tra, phát hiện các hành vi phá rừng.

Việc thiếu tinh thần trách nhiệm, phối hợp không chặt chẽ với các lực lượng cùng chính quyền địa phương và theo dõi giám sát các hộ nhận khoán bảo vệ rừng thì sẽ có các hình thức xử lý phù hợp.

 Một số cây gỗ vừa bị chặt hạ chưa được lâm tặc xẻ gỗ.

Hiện nay, các ban quản lý rừng quản lý trên các lưu vực của rừng, quản lý theo tính chất rừng chứ không quản lý theo ranh giới hành chính. Đây cũng là các mặt thuận lợi, nhưng cũng có  hạn chế, nhất là ở những khu vực ranh giới, giáp ranh giữa các xã.

“Đây là việc mà chúng tôi cũng có những chỉ đạo cho các địa phương, các cơ quan chức năng để ký kết các quy chế phối hợp. Tuy nhiên, các ranh giới ở trong rừng không được xác định rõ ràng, chính vì vậy mà vẫn còn bất cập. Những bất cập này sẽ được nghiên cứu để có hướng xử lý, cũng cố công tác tuần tra, bảo vệ rừng trong thời gian sắp đến”- ông Thanh cho biết.

Những vụ việc vừa qua đã cơ bản xử lý đúng người đúng tội, tuy nhiên tính răn đe vẫn chưa đủ mạnh. Theo ông Thanh, luật Lâm nghiệp vừa mới thông qua và các biện pháp chế tài sắp tới để thực thi luật lâm nghiệp  chắc chắn sẽ mạnh tay hơn và có tính răn đe lớn hơn.

Cũng theo Phó chủ tịch tỉnh Lê Trí Thanh, các chủ trương, biện pháp của tỉnh Quảng Nam cũng như hệ thống chính trị cũng vào cuộc rất quyết liệt nhưng giữ rừng vẫn vô cùng khó khăn. Đối với một địa phương như Quảng Nam có diện tích rừng lớn như vậy, điều kiện hiểm trở, tiếp giáp với nhiều địa phương bạn đang suy giảm nhanh về diện tích rừng thì áp lực rất là khó.

"Tôi nghĩ rằng vẫn phải tiếp tục nỗ lực vì công tác phòng chống, truy quét lâm tặc là một câu chuyện dài kỳ từ hàng chục năm nay cho đến tận bây giờ. Chính vì vậy mà Quảng Nam đang có những biện pháp mang tính khoa học hơn, áp dụng những công nghệ tiên tiến hơn nhất là việc triển khai đề án giám sát diễn biến rừng bằng công nghệ cao, tổ chức lại lực lượng kiểm lâm, tổ chức lại ban quản lý rừng, thay đổi phương pháp tuần tra bảo vệ rừng, thay đổi cách thức hợp đồng với các nhóm hộ.

Tôi tin rằng những vụ việc phá rừng được phát hiện như thế này sẽ giúp chúng ta có kinh nghiệm hơn, có chế tài phù hợp hơn trong thời gian sắp tới. Cứ mỗi lần nhìn những cây rừng như thế này ngã xuống, tôi có cảm giác như máu mình đổ xuống”, ông Thanh cho biết thêm.

Một số hình ảnh hiện trường vụ phá rừng nghiêm trọng xảy ra tại khu rừng phòng hộ Sông Kôn:

 Hàng chục cây cổ thụ bị sẽ thịt trơ gốc.
 Nhiều cây gỗ đã được lực lượng chức năng đánh số, đo đếm trước đó.
 Một số cây gỗ vừa bị chặt hạ chưa được lâm tặc xẻ gỗ.
 Nhiều phách gỗ lớn bị các đối tượng để lại.
 33 cây gỗ, ước tính 45m3 khối gỗ.
 Nhiều cây gỗ lớn vừa mới bị lâm tặc chặt hạ.
 Nhiều cây gỗ lớn, vẫn còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp sườn núi với đường kính từ 1,2 - 1,5m.
 Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đi kiểm tra hiện trường (áo trắng).

Phương Vy

Phương Vy

NỔI BẬT TRANG CHỦ