NATO đã nhận thấy sự gia tăng đáng kể hiện diện quân sự của Nga tại Biển Đen, chủ yếu là từ việc Moscow tăng cường lực lượng đến Crimea, theo Unian.
Một tuyên bố có liên quan đến vấn đề này đã được Tổng thư ký Liên minh Jens Stoltenberg đưa ra. Đối với Nga, Crimea là một yếu tố quan trọng trong việc tăng cường sự hiện diện ở vùng Biển Đen, không chỉ đối với việc cho thấy ưu thế quân sự trước Ukraine mà còn có thể mở rộng ảnh hưởng ra ngoài biên giới của Biển Đen. Theo cây viết Oleksandra Khara cho hãng tin Unian của Ukraine, nếu không có Crimea, sẽ không có chiến dịch Syria và sự gia tăng sự hiện diện của Nga tại Địa Trung Hải: bán đảo Crimea là một điểm hậu cần quan trọng để bổ sung lực lượng và phương tiện.
NATO lơ là Biển Đen
Oleksandra Khara cho biết, Crimea cũng quan trọng đối với Nga từ quan điểm thể hiện sức mạnh công nghệ quân sự của người Nga. Các hệ thống phòng không (S-300 và S-400), được triển khai trên một khu vực rộng lớn, từ Kaliningrad đến Crimea. Vì vậy, Nga coi Crimea là một nơi có thể hạn chế khả năng triển khai ở Biển Đen của NATO. Sau đó, Nga tập trung đối phó với NATO ở vùng biển Baltic, nơi liên minh này đang tăng cường sự hiện diện của mình. Oleksandra Khara cũng cho rằng, phản ứng của NATO với vấn đề Biển Đen là quá chậm.
Tổng thống Trump đã chỉ trích các đồng minh NATO vì không chi đủ tiền cho quốc phòng. Điều này đặc biệt đúng đối với các nước Biển Đen khi sức kinh tế của họ chưa đủ và không thể chi tiêu số tiền cần thiết của quỹ phòng thủ. Một ý tưởng khả quan là NATO tăng cường hợp tác với các quốc gia chưa phải là thành viên của khối như Ukraine và Georgia. Theo Unian, tại thượng đỉnh NATO mới nhất, các tài liệu cuối cùng về Gruzia chỉ ra rằng nước này có thể trở thành thành viên khi hiện đã có những tiến bộ đáng kể trong việc hiện đại hóa lực lượng vũ trang.
Dự đoán về kịch bản Biển Đen có thể trở thành bàn đạp cho một cuộc chạy đua vũ trang mới, khi NATO sẽ tăng cường các căn cứ của mình và Nga cũng sẽ không kém cạnh, Oleksandra Khara cho rằng, Nga sẽ phải chi tiêu nhiều nguồn lực hơn cho khu vực này trong ngân sách có hạn của họ. Giá dầu thế giới đã tăng một chút, có nghĩa là Nga sẽ có thể kiếm được nhiều tiền hơn và theo đó, sẽ có nhiều cơ hội hơn để điều động ngân sách. Nhưng mặt khác, Nga có nhiều vấn đề khác: giảm chi tiêu xã hội, "cải cách hưu trí" và sẽ không thể duy trì đầy đủ chương trình phát triển cho Crimea. Khi Nga ngày càng dấn sâu vào cuộc đua vũ khí này, họ sẽ giảm can dự vào Syria và tình hình miền đông Ukraine, cũng như giảm sức ảnh hưởng ở các khu vực khác.
Tuy nhiên, khả năng này trong thời điểm hiện tại chưa khả thi. Trong khi ngân sách của liên minh còn đang hạn chế thì sẽ chưa có nguồn lực cho NATO tăng cường mạnh mẽ ở Biển Đen. Nguồn ngân sách khối này đang được chi tiêu theo hướng bắc, vào các nước Baltic. Vì vậy, rất có thể, sẽ không có sự củng cố thực sự các vị trí của liên minh này ở Biển Đen.
Con đường của Ukraine
Kiev từ lâu cũng muốn gia nhập NATO nhưng tiến trình tham gia của nước này còn là một quá trình dài. Trong khi Kiev mới nhận được 2 tàu tuần tra lớp Island do Mỹ chuyển giao thì trên thực tế, điều này không thay đổi hoàn toàn bức tranh sức mạnh trên biển tại khu vực. Ukraine vẫn không có hạm đội hải quân lớn và tương quan lực lượng hải quân so với Nga vẫn còn yếu.
Theo Oleksandra Khara, cách duy nhất đối với Ukraine là hợp tác với Gruzia, Romania và Moldova. Cũng có một đối tác tiềm năng là Thổ Nhĩ Kỳ. Dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đang cần hợp tác với Nga để giải quyết nhiều vấn đề then chốt, như cuộc xung đột Syria, thì không có nghĩa là ông Erdogan không còn đáng tin cậy đối với NATO. Ông Erdogan sẽ cố gắng cân bằng, để vừa không thể tụt mức quan hệ với ông Putin và vừa không khiến quan hệ với NATO quá căng thẳng. Vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ là một phương trình khá phức tạp ở Biển Đen và cả Ukraine, Washington và Liên minh châu Âu đều có phần hạn chế về những mong đợi đối với Ankara.
Ukraine cho rằng NATO vẫn chưa tập trung vào khu vực Biển Đen. (Nguồn: NATO MARCOM)
Theo Oleksandra Khara, khi NATO chưa thể tăng cường lực lượng tại Biển Đen thì Ukraine cần phải bắt đầu các chiến lược khác nhau: không chỉ dừng ở việc xây dựng tàu tại các nhà máy của mình, mà cần xem xét khả năng thu hút đầu tư nước ngoài trong ngành đóng tàu, mua tàu ở các quốc gia khác, đặc biệt là ở Mỹ, đồng thời cũng sử dụng các công cụ tài chính khác có thể cho phép nước này trong ngắn hạn tăng cường đội tàu.
Điều này là cần thiết để không cho phép người Nga có những hành động cứng rắn tại Biển Azov và mở rộng hoạt động phong tỏa lan rộng đến các cảng ở Biển Đen, nếu không sẽ có tác động đáng kể đến hoạt động giao thương của Kiev với nước ngoài. Ukraine cần phải chủ động hơn, Oleksandra Khara nhận định.
Ukraine cần tăng cường vị thế của mình và quân sự hóa. Vấn đề là Ukraine đã có sự mất cân bằng lực lượng với Nga khi tính đến sức mạnh của Moscow tại Crimea, sức ảnh hưởng tại vùng Donetsk và Luhansk hay các căn cứ quân sự mới được tạo ra dọc biên giới Ukraine - Nga ... Do đó, việc quân sự hóa Ukraine là điều bắt buộc. Đây là điều duy nhất có thể ngăn chặn Nga và ngăn chặn sức mạnh đang lên của Moscow, theo Oleksandra Khara.