(Tổ Quốc) - Nhiều dấu hiệu cho thấy mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao thiếu sự “mặn nồng” cần có.
Khi tin tức Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo vào vùng biển giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được xác nhận, Tổng thống Donald Trump đã rất nhanh chóng chỉ ra cách giải quyết của Nhà Trắng. Chỉ trong vòng vài giờ, ông Trump đã xuất hiện cùng Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, và khẳng định, nước Mỹ “ủng hộ Nhật Bản - đồng minh lớn của mình 100%.”
Mặc dù thời điểm tuyên bố trên được đưa ra, ông Abe đang có chuyến thăm chính thức đến Washington; nhưng việc Tổng thống Trump không nhắc bất kỳ điều gì đến một đồng minh khác của Mỹ tại châu Á là Hàn Quốc, đã kịp thời được một “cánh tay trợ giúp” của ông để ý tới – Ngoại trưởng Rex Tillerson. Vì vậy, theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên của mình đến Bonn (Đức) tham dự Ngoại trưởng G-20, ông Tillerson đã sắp xếp một cuộc gặp ba bên tại đây với hai Ngoại trưởng Nhật và Hàn Quốc, nhằm chứng tỏ Washington không hề có “con cưng, con ghẻ”.
Những cuộc nói chuyện trên đã kết thúc bằng một tuyên bố chung, theo đó, Mỹ cam kết sẽ bảo vệ cho hai láng giếng châu Á - vốn không phải lúc nào cũng “mưa thuận gió hòa” với nhau. Không có buổi lễ công bố trước truyền hình, không có phát biểu trước báo chí… nội dung của tuyên bố chung được ấn định một cách khá “im ắng”.
Bộ Ngoại giao Mỹ đang bị Nhà Trắng “vượt mặt”?
Thận trọng, kín đáo và không muốn trở thành tâm điểm của sự chú ý – cựu CEO của Exxon Mobil là phiên bản hoàn toàn trái ngược của người cấp trên - Tổng thống Trump.
Trong những tuần đầu tiên đảm nhận vị trí quyền lực nhất của ngoại giao nước Mỹ, Tillerson dường như đã cố gắng hết sức để tránh xa sự chú ý, bất chấp những “xì xào” rằng Bộ Ngoại giao Mỹ đang bị Nhà Trắng vượt mặt và đẩy ra bên lề.
Một số quan chức của Bộ ngoại giao đã nhận được những thông tin từ Nhà Trắng về một viễn cảnh cắt giảm ngân sách mạnh mẽ, với phần lớn trong số đó tập trung vào ngân quỹ dành cho hoạt động đối ngoại của nước Mỹ. Trump và đội ngũ của mình cũng từng cảnh báo rằng, Bộ Ngoại giao nước này sẽ phải đối mặt với kế hoạch tinh giảm nhân viên, với những động thái đầu tiên dường như đã bắt đầu.
Trong khi Ngoại trưởng Tillerson còn đang ở Đức, nhiều vị trí quản lý cấp cao và cố vấn đã bị xóa bỏ. Đội ngũ nhân viên được tái sắp xếp. Một số vị trí hàng đầu vẫn để trống, và không có dấu hiệu sẽ nhanh chóng được “lấp kín”.
Vào thời điểm ông Tillerson đang bận rộn gặp gỡ các người đồng cấp từ trên khắp thế giới tại Đức, Nhà Trắng lại ra tay thực thi chính sách ngoại giao gây chú ý của mình, trong đó, vai trò mờ nhạt của Bộ Ngoại giao là điều ai cũng có thể cảm nhận được. Sự thật này đã khiến nhiều nhà ngoại giao lâu năm phải “nhăn mặt nhíu mày”.
Ông Tillerson và người đồng cấp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tại Bonn. |
Cuối tuần trước, trong buổi gặp gỡ giữa Tổng thống Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, theo kế hoạch ban đầu, quyền Thứ trưởng Tom Shannon được giao nhiệm vụ đại diện cho Bộ Ngoại giao, bởi vì Ngoại trưởng Tillerson bay đi Đức. Tuy nhiên, đến phút cuối cùng ông Shannon lại không được tham dự cuộc gặp gỡ, và sự kiện quan trọng này diễn ra mà không có bất kỳ đại diện nào từ cơ quan ngoại giao lớn nhất nước Mỹ.
Cuộc gặp gỡ “được thay đổi để phù hợp với những thảo luận mang tính riêng tư hơn,” một quan chức giấu tên của Mỹ cho biết. Buổi tối trước đó, ông Tillerson đã ăn tối với Thủ tướng Netanyahu và Jared Kushner – con rể, đồng thời là một đặc phái viên của ông Trump trong các vấn đề liên quan đến Israel, Mexico và một vài quốc gia khác. Đáng chú ý, theo lệ thường, những vai trò mà Kushner đảm nhận sẽ là những gì mà một Ngoại trưởng Mỹ phải làm.
Ngoại trưởng “kín tiếng” nhất của lịch sử ngoại giao Mỹ?
Ông Tillerson hầu như không phát biểu công khai, ngoại trừ khi chúc mừng các nhà ngoại giao Mỹ trong lễ nhậm chức, và một vài bình luận ngắn ngủi sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga. Tân Ngoại trưởng Mỹ thể hiện một thái độ đối lập đối với người tiền nhiệm, Ngoại trưởng John Kery – một “Cánh tay” đắc lực của cựu Tổng thống Obama và rất nhiệt tình thực hiện phần “PR” trong các nhiệm vụ của mình. Trong khi ông Kerry khiến nhân viên “quay cuồng” với các chuyến công du nước ngoài đầy ngẫu hứng và các buổi họp báo liên tục, Tillerson đã vạch rõ với cấp dưới rằng, mình không muốn gây sự chú ý.
Ngoại trưởng Mỹ nổi tiếng là một người "kín tiếng" |
Theo một số nhà ngoại giao Mỹ và quốc tế - những người từng có cơ hội làm việc với Tillerson, cựu doanh nhân là một người độc lập, thận trọng và luôn giữ được “cái đầu lạnh” trước mọi tình huống. Các quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, một trong những vấn đề xuyên suốt trong các cuộc gặp gỡ của ông Tillerson với các nhà ngoại giao, đó chính là việc nhấn mạnh vào sự an toàn cho các nhân viên Mỹ ở nước ngoài.
Đây là chủ đề từng được ông đưa ra trong ngày làm việc đầu tiên, và cũng sẽ được đề cập đến trong chuyến đi tới Mexico City vào tuần tới, với Bộ trưởng Bộ an ninh nội địa, John Kelly. Tillerson sẽ có buổi nói chuyện với các nhân viên ngoại giao Mỹ tại Đại sứ quán nước này tại Mexico. Giới ngoại giao quốc tế đánh giá, Ngoại trưởng Mỹ đang chọn một hướng đi an toàn thông qua các cuộc gặp gỡ cấp cao, nhằm tránh vấp phải các bình luận thiếu suy nghĩ gây tranh cãi. Mỗi lần xuất hiện, ngài cựu CEO dường như đã chuẩn bị khá kỹ càng, tự tin nắm bắt được điểm cốt lõi của vấn đề và hiếm khi phải tìm sự trợ giúp từ đội ngũ cố vấn hay tài liệu chuẩn bị sẵn.
Tuần trước, từ Đức, Ngoại trưởng Tillerson kêu gọi Trung Quốc tham gia cùng giải quyết mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên; đồng thời mong muốn Nga thực thi kế hoạch hòa bình đưa ra từ năm 2015 trong vấn đề Ukraine.
Một mặt, những dấu hiệu trên cho thấy sự nhất quán trong chính sách của nước Mỹ, có thể “xoa dịu” phần nào nỗi bất an của một số nhà lãnh đạo thế giới trước một Tổng thống Trump “khó dự đoán”. Mặt khác, sự kín tiếng của ông Tillerson lại khiến không ít người cảm thấy lo lắng.
Sau cuộc gặp gỡ với Tillerson, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault than phiền rằng, nước Mỹ không đưa ra được một lập trường rõ ràng trong nhiều vấn đề, bao gồm cả cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Tillerson nói với các đồng nghiệp nước ngoài rằng, Washington vẫn đang trong gian đoạn “lắng nghe” - dẫn đến nhận định ông Trump vẫn còn đang “loay hoay” xây dựng chính sách đối ngoại của nước Mỹ.
Trong một lần đối thoại hiếm hoi với báo chí trước khi rời nước Đức, Tillerson cho biết, ông mang về rất nhiều thông điệp gửi tới ông Trump. Khi được yêu cầu tiết lộ một số nội dung, Ngoại trưởng Mỹ thẳng thắn từ chối và cho biết, ông sẽ chia sẻ chúng với ngài Tổng thống trước tiên.
(Theo AP)