• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lao động bất hợp tại Hàn Quốc (kỳ cuối) : Hệ lụy và giải pháp

Pháp luật 04/04/2019 08:46

(Tổ Quốc) - Chuyện người Việt cư trú, lao động bất hợp pháp (BHP) tại Hàn Quốc đã và đang đặt ra không ít thách thức cho chính quyền sở tại cũng như chính các cơ quan hữu quan phía Việt Nam. Đồng thời, gây ra không ít những hệ lụy không tốt đối với người lao động nói riêng với công dân Việt Nam khi muốn đến Hàn Quốc nói chung.

Những hệ lụy buồn

Trước hết và trực tiếp nhất chính là chuyện đánh mất thị trường lao động, mất cơ hội làm việc ở một xã hội phát triển và có thu nhập cao, ổn định.

Hàn Quốc là một trong những thị trường lao động tốt nhất cho những nước đang phát triển, các nước nghèo. Tại Hàn Quốc với mức thu nhập cao và nhiều chính sách giúp người nhập cư, lao động nước ngoài hòa nhập với xã hội bản địa, có nhiều chính sách đảm bảo quyền lợi đảm bảo cho đời sống người nhập cư.

Hiện tại, khu vực châu á có đến 15 nước phải cử lao động sang làm việc ở quốc gia này. Riêng khu vực Đông Nam Á có Việt Nam ,Thái Lan, Indonesia.....Việt Nam luôn nằm trong tốp nguồn cung lao động được ưa chuộng nhất ở Hàn Quốc.

Lao động bất hợp tại Hàn Quốc (kỳ cuối) : Hệ lụy và giải pháp - Ảnh 1.

Một lao động làm việc trong một nhà máy tại Hàn Quốc

Từ hơn chục năm trước lao động đến từ Việt Nam luôn chiếm một tỷ lệ áp đảo so với các quốc gia khác trong thành phần được cấp phép làm việc ở Hàn Quốc. Hằng năm chỉ tiêu tuyển dụng dành cho phía Việt Nam luôn cao hơn so với các quốc gia khác.

Đặc biệt, từ giai đoạn 2007-2010 thậm chí có lúc chỉ tiêu dành cho lao động Việt Nam chiếm đến xấp xỉ 50% tổng chỉ tiêu dành cho 15 nước.

Vì thế, khi tỷ lệ lao động nước ngoài cư trú, làm việc BHP tăng nhanh người Việt lại luôn nằm trong tốp đầu về con số, tỷ lệ ở quốc gia này.

Mặc dù, chính phủ Hàn Quốc bên cạnh việc truy bắt lao động BHP, ngăn cấm việc sử dụng lao động BHP còn đưa ra những chính sách khuyến khích người nước ngoài tự động hồi hương để chờ cơ hội quay lại một cách hợp pháp.

Bên cạnh, việc hạn chế, thậm chí ngừng tuyển dụng lao động Việt Nam thời gian gần đây người Việt đi du lịch, du học, buôn bán ở Hàn Quốc cũng gặp không ít trở ngại trong việc xin Visa nhập cảnh.

Lý do là ngày càng nhiều người Việt mượn danh nghĩa du học, đi buôn bán hai chiều (thương mại) để tìm cách ở lại làm việc BHP. Làm cho tình hình càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến những người thật sự có nhu cầu đi lao động, học tập, công tác và du lịch thật sự.

Đâu là lời giải?

Như đã nói ở trên để giải quyết tốt, giảm tối đa số lao động BHP ở Hàn Quốc là cả một quá trình đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa cả 2 phía Việt Nam và Hàn Quốc.

Trong đó, phía bộ Lao động thương binh và xã hội Việt Nam cần trực tiếp tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đi sâu đi sát vào thực tế cuộc sống của người lao động ở Hàn Quốc. Để hiểu được những khó khăn những vướng mắc mà người lao động gặp phải.

Từ đó trao đổi, tham mưu cho phía bạn đưa ra được những giải pháp hài hòa nhất có thể vừa đảm bảo được sự nghiêm minh của pháp luật nước sở tại,vừa đảm bảo lợi ích cho lao động người Việt tại Hàn Quốc.

Lao động bất hợp tại Hàn Quốc (kỳ cuối) : Hệ lụy và giải pháp - Ảnh 2.

Cần có giải pháp căn cơ để giảm tình trạng lao động BHP tại Hàn Quốc

Cục Quản lý lao động ngoài nước cần phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang làm ăn tại Việt Nam, khoanh vùng danh sách và có thể từ chối tiếp nhận những lao động BHP cố tình chây ì việc hồi hương vào làm việc cho các công ty, nhà máy tại Việt Nam.

Để dành sự ưu tiên cho những người tự nguyện chấp hành, tự nguyện hồi hương khi kết thúc hợp đồng lao động ở Hàn Quốc. Đây coi như là biện pháp thưởng - phạt bổ sung đối với lao động tự nguyện hồi hương và lao động bị cưỡng ép hồi hương.

Ngoài ra, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, cần phối hợp gặp gỡ, tuyên truyền, vận động người lao động chủ động tuân thủ hợp đồng lao động, tuân thủ luật pháp nước sở tại.

Phía bộ Lao động thương binh và xã hội cần phối hợp với địa phương, gia đình có người cư trú, lao động BHP tích cực vận động lao động tự nguyện hồi hương.

Đặc biệt, cần có những quy định, chính sách sát sườn, sát thực với cuộc sống của người lao động, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa đảm bảo công bằng giữa lao động các vùng miền, địa phương trong cả nước.

Bởi chỉ có thực sự tìm hiểu, thực sự đi sát vào thực tế cuộc sống của người lao động thì mới có được những định hướng, những giải pháp thiết thực, đúng đắn để giải quyết chính vấn đề của người lao động được.

Hy vọng trong thời gian tới sẽ có những biện pháp, giải pháp tốt nhằm giảm tỷ lệ lao động BHP người Việt tại Hàn Quốc một cách nhanh chóng.

Bởi vấn đề lao động BHP không chỉ đơn thuần là chuyện công ăn việc làm, kiếm tiền nơi xứ người mà nó còn là thể diện quốc gia, là bộ mặt văn hóa của con người Việt Nam.


Văn Bình – Xuân Quỳnh (từ Hàn Quốc)

NỔI BẬT TRANG CHỦ