(Tổ Quốc) - Còn chưa đến 2 ngày nữa, trái bóng Al Rihla của World Cup 2022 sẽ chính thức lăn trên các sân cỏ của nước chủ nhà Qatar.
Diễn ra từ 20/11 đến 18/12 tại Qatar, World Cup 2022 đánh dấu lần đầu tiên giải đấu số 1 thế giới được tổ chức ở một quốc gia thuộc khu vực Tây Á. Là một trong những quốc gia được đánh giá nóng nhất trên Trái Đất, Qatar đã phải trang bị những hệ thống làm mát cực kỳ đắt đỏ cho các sân vận động World Cup 2022 để đối phó với cái nóng từ sa mạc.
Nỗ lực phi thường để làm mát World Cup của Qatar
Theo lịch thi đấu VCK World Cup 2022, vòng bảng sẽ khởi tranh từ ngày 20/11 đến ngày 3/12. Đây là kỳ World Cup đầu tiên trong lịch sử được tổ chức vào mùa Đông, thay vì vào mùa Hè như thường lệ vì thời tiết khắc nghiệt tại Qatar.
Việc chuyển World Cup sang mùa đông tuy vậy vẫn không đủ để tránh cái nắng nóng khắc nghiệt tại quốc gia này, để cho nhiệt độ trong các sân vận động World Cup 2022 luôn ở mức lý tưởng từ 24-28 độ C, Qatar còn phải lắp đặt thêm hệ thống điều hòa không khí cực kỳ hiện đại.
Công nghệ làm mát này được Qatar giới thiệu lần đầu vào năm 2017, khi khánh thành sân vận động Khalifa. Sau đó nó được áp dụng tại 6/7 sân khác phục vụ cho World Cup 2022. Ngoại lệ duy nhất là sân vận động 974, vốn được lắp ráp từ thùng container để đón gió tự nhiên.
Đầu tiên, để bảo đảm không khí nóng không xâm nhập vào sân vận động, nhóm chuyên gia từ Ủy ban tối cao và Giao nhận và Di sản Qatar và Đại học Qatar đã tiến hành phân tích kiến trúc và thiết kế của sân bóng có thể giảm thiểu tình trạng. Trong quá này, các biến thể như số lượng khán giả và nhiệt lượng cũng được đưa vào quá trình thử nghiệm.
Sau khi hoàn thành việc phân tích luồng không khí trên sân vận động dựa nhiều yếu tố, các nhà khoa học đã tìm được cách tối ưu hệ thống làm mát. Qua nghiên cứu, nhóm đi đến kết luận không cần thiết phải làm mát toàn bộ sân, mà chỉ cần tập trung vào sân và khoảng 2m so với vị trí chỗ ngồi cao nhất. Hệ thống làm mát của mỗi địa điểm khác nhau cũng có thiết kế khác nhau để phù hợp với kiến trúc của mỗi sân.
Cung cấp năng lượng cho hệ thống làm mát là trang trại điện mặt trời khổng lồ trên sa mạc bên ngoài thủ đô Doha (Qatar), trong đó bao gồm 1 nhà máy trung tâm và 8 nhà máy khác dành riêng cho các sân vận động.
Cách hệ thống làm mát hoạt động
Đại học Kỹ thuật Qatar đã phát triển hệ thống làm mát, kết hợp sử dụng vật liệu cách nhiệt. Các cảm biến xung quanh sân vận động sẽ giữ nhiệt độ không đổi và điều chỉnh luồng không khí cho các chỗ ngồi trong bóng râm hoặc ngoài trời.
Thông qua kỹ thuật lưu thông không khí, không khí ấm sẽ được hút vào hệ thống làm mát của sân vận động. Sau đó, không khí này được làm sạch bằng nước và làm mát.
Cuối cùng không khí sạch mát này được bơm lại vào sân vận động thông qua các "bong bóng" ngay dưới ghế ngồi của khán giả trên khán đài hoặc các các vòi phun lớn bên cạnh sân. Việc tái chế khí lạnh này tạo nên một chu trình tuần hoàn khép kín.
Hệ thống làm mát tại các sân bóng ở Qatar phân phối khí lạnh dưới ghế ngồi của khán giả và các vòi phun lớn bên cạnh sân (Ảnh: The National)
Các hệ thống sử dụng vật liệu cách nhiệt và làm mát tại chỗ để thân thiện với môi trường nhất có thể. "Công nghệ này ước tính hiệu quả hơn 40% so với các kỹ thuật hiện có", Tiến sĩ Saud Abdulaziz Abdul Ghani tại Đại học Qatar cho hay.
Sân vận động chỉ cần được làm mát hai giờ trước khi trận đấu diễn ra, giúp giảm tiêu thụ năng lượng so với phương pháp khác. FIFA đánh giá rất cao tính thực tế của công nghệ làm mát này bởi nó không chỉ phục vụ World Cup 2022 mà còn các sự kiện thể thao quanh năm. "Điều quan trọng là công nghệ làm mát sẽ được ứng dụng lâu dài, có tính kế thừa", trang chủ FIFA nhận xét.
Tham khảo BBC Arabic, The Sun, Daily Mail, Physics World