(Tổ Quốc) - Gần 400 hiện vật được trưng bày tại Triển lãm "Rồng lửa Việt Nam chiến thắng"; Lập hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia đối với bộ sưu tập đĩa vàng thời Lý; Lưu diễn vở "Di sản mùa xuân" là những thông tin văn hóa nổi bật tại các tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng.
Hà Nội: Chiều 14/7, Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) đã khai mạc Triển lãm chuyên đề "Rồng lửa Việt Nam chiến thắng" nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Tên lửa (24/7/1965 – 24/7/2020).
Triển lãm "Rồng lửa Việt Nam chiến thắng" trưng bày gần 400 ảnh, tư liệu, hiện vật thể hiện sự trưởng thành và lớn mạnh của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam trong những trận đánh dũng cảm, xuất sắc trên nhiều mặt trận.
Triển lãm được chia thành 6 phần chính, gồm: Sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, các Bộ, ngành với Bộ đội Tên lửa; Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam ra đời, xây dựng, huấn luyện và đánh thắng trận đầu ngày 24/7/1965; Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam đánh thắng Không quân Đế quốc Mỹ giai đoạn 1965-1975; Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam giai đoạn 1975-1999; Bộ đội Tên lửa Phòng không trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1999 đến nay; Những phần thưởng cao quý của Bộ đội Tên lửa.
Cùng với các hoạt động của Quân chủng PK-KQ, triển lãm là dịp để tuyên truyền sâu rộng tới bộ đội và nhân dân về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam anh hùng.
Thông qua đó, động viên tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy truyền thống, quyết tâm xây dựng Quân chủng PK-KQ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Triển lãm sẽ diễn ra đến hết tháng 10-2020.
Hưng Yên: Sở VHTTDL sẽ tiến hành lập Hồ sơ hiện vật đối với sưu tập đĩa vàng báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2020.
Sưu tập đĩa vàng thời Lý đã được tìm thấy tại thôn Cộng Vũ (thôn Mụa) xã Vũ Xá, huyện Kim Động vào năm 1965 trong quá trình cải tạo sông Cửu An. Sưu tập gồm 05 đĩa vàng đều được chế tạo bằng cách dát mỏng, gò và chạm trổ trên khuôn xỉ cánh kiến, theo phương pháp cổ truyền của nghề hàng vàng.
Các đĩa làm theo hình những đĩa khay tròn có nhiều múi: 1 chiếc 29 múi, 3 chiếc 20 múi và 1 chiếc có 16 múi. Kích thước của đĩa không đều nhau, đường kính mỗi cái xấp xỉ nhau, đường kính miệng 18,5 - 23,4cm. Trọng lượng của cả 05 đĩa vàng là 1,712kg. Lòng đĩa tròn phẳng, thành đĩa là hình hoa sen cách điệu do những mối cong nối tiếp nhau uốn lượn quanh đĩa tạo thành, gờ đế đĩa cũng lượn cong theo hình múi.
Họa tiết hoa văn trang trí trên các đĩa chủ yếu là hình chim phượng, hoa cúc dây mang phong cách thời Lý. Ngoài ra còn có một cục vàng nhỏ, là chân đế của một chiếc đĩa.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, sưu tập đĩa vàng thời Lý được tìm thấy tại xã Vũ Xá, huyện Kim Động là phát hiện khảo cổ học hết sức quan trọng cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, chính xác.
Trong thời gian tới, Sở VHTTDL sẽ tiến hành lập Hồ sơ hiện vật đối với sưu tập đĩa vàng báo cáo UBND tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận là bảo vật Quốc gia năm 2020 cùng với 02 hiện vật Trống đồng Động Xá và Hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng.
Hải Phòng: Đoàn Kịch nói Hải Phòng vừa có chuyến lưu diễn vở "Di sản mùa xuân" tại xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng. Đây là một trong những chương trình nằm trong Đề án "Sân khấu truyền hình".
Vở "Di sản mùa xuân" tái hiện cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - người cộng sản chân chính, dâng trọn vẹn 24 mùa xuân tràn đầy nhiệt huyết cho cách mạng, trong đó gần 10 năm hoạt động ở Hà Nội, Hải Phòng và vùng mỏ Đông Bắc.
Dù bị giam cầm, tra tấn bằng những trận đòn dã man, nhưng người cộng sản trung kiến ấy không chịu khuất phục trước kẻ thù. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh mãi là tấm gương về tinh thần hy sinh cao cả, đạo đức cách mạng trong sáng, cống hiến trọn đời cho Đảng và cách mạng.
Buổi lưu diễn đã được Đoàn kiểm tra của Sở Văn hóa và Thể thao đánh giá cao trong việc thực hiện đúng với mục đích, yêu cầu của Đề án Sân khấu truyền hình, góp phần hiệu quả hoạt động lưu diễn, nâng cao đời sống tinh thần của người dân ở khu vực ngoại thành, vùng sâu, vùng xa.
Đề án "Sân khấu truyền hình" được triển khai từ tháng 11- 2019 do Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng và các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện.
Đề án được xây dựng bao gồm các vở diễn Chèo, Cải lương, Kịch nói, Múa rối, Ca múa nhạc tổng hợp...với các chủ đề, nội dung tư tưởng là khơi dậy, tôn vinh truyền thống cách mạng, bề dày lịch sử, chiều sâu văn hoá, vẻ đẹp thiên nhiên, đặc trưng vùng đất và con người Hải Phòng xưa và nay; tuyên truyền, quảng bá những thành tựu đổi mới, nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong giai đoạn gần đây với những khát vọng vươn lên...
Việc tổ chức chương trình sân khấu truyền hình góp phần khẳng định vai trò nền tảng tinh thần xã hội của văn hóa, khẳng định giá trị to lớn của sân khấu với đời sống xã hội. Thể hiện quyết tâm hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững để Hải Phòng phấn đấu trở thành "động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cà nước...
Cùng với đó, qua các chương trình còn phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc; tạo động lực tinh thần, sự đổi mới trong tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ; nâng cao đời sống tinh thần, thẩm mỹ cho người dân thành phố. Với phương thức truyền tải giàu cảm xúc, ấn tượng, các chương trình vở diễn đã đưa hình ảnh đất và người Hải Phòng tới gần hơn bạn bè bốn phương.