• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lập trường của Tổng thống Biden trước NATO: "Bình mới rượu cũ"?

Thế giới 17/02/2021 13:11

(Tổ Quốc) - Tờ The Washington Post đăng tải, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang hướng tới một thái độ hợp tác hơn trong cuộc họp đầu tiên với giới chức NATO.

Chia sẻ với báo giới mới đây, một số quan chức cấp cao quốc phòng Mỹ cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ không đưa bất kỳ quyết định nào về vấn đề Afghanistan trong cuộc họp trực tuyến kéo dài 2 ngày (17-18/2) với các bộ trưởng quốc phòng NATO. Chính quyền Biden đang xem xét chính sách về rút toàn bộ quân lính Mỹ khỏi Afghanistan trước thời hạn 1/5 theo thỏa thuận hòa bình.

Các quan chức giấu tên nhấn mạnh vào mục tiêu giảm bớt bạo lực tại Afghanistan và đặc biệt là việc Washington đang tái xem xét hiệp định hòa bình với Taliban. Một người tiết lộ, thái độ tuân thủ thỏa thuận của Taliban sẽ là yếu tố then chốt trong quá trình tái đánh giá.

"Nó sẽ quyết định cách chính phủ Mỹ đi tới kết luận về hướng đi sắp tới", quan chức quốc phòng nói, đồng thời lưu ý rằng, Mỹ muốn được tư vấn với các đồng minh NATO về vấn đề này trong thời gian tới.

Ngoài Afghanistan, NATO hiện còn đối mặt với loạt thách thức khác, bao gồm tại cả Iraq - nơi liên minh đang tiến hành sứ mệnh huấn luyện và cố vấn. Hiện diện của NATO được Mỹ ủng hộ cho dù tình trạng tấn công bạo lực vẫn diễn ra tại Iraq. Giới chức Iraq và phương Tây cáo buộc các lực lượng do Iran "chống lưng" đứng sau các cuộc tấn công đó.

Cùng lúc, Nga được cho là đang phát động những chiến dịch tấn công mạng ngày càng tinh vi. Còn Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO lại đang ngăn cản hoạt động và châm ngòi cãi vã trong nội bộ khối. Chưa hết, theo các quan chức quốc phòng Mỹ, Washington muốn NATO đưa Trung Quốc vào danh sách các vấn đề ưu tiên.

Lập trường của Tổng thống Biden trước NATO: "Bình mới rượu cũ"? - Ảnh 1.

Tổng thống Joe Biden (phải) sẽ có cách tiếp cận mới đối với NATO? (ảnh: Reuters)

Một trong những chủ đề gây chú ý nhất trong cuộc họp sắp tới gần như chắc chắn sẽ là sự thay đổi trong phong cách của tân chính quyền Mỹ với NATO. Tổng thống Trump thường xuyên đe dọa các đồng minh NATO về ngân sách quốc phòng và sử dụng một cách tiếp cận "lấn lướt" từng vấp phải chỉ trích từ một số nhà lãnh đạo thế giới. Tuy nhiên, tại NATO, những lo lắng liên quan tới Washington không chỉ dừng ở các phát ngôn của ông Trump.

Các nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ, đôi khi họ phải thức dậy vào 3 giờ sáng để kiểm tra Twitter xem ông Trump có thay đổi gì về lập trường quân sự của Mỹ hay không. Họ từng dành nhiều tuần cẩn thận vạch ra các kế hoạch chiến lược với các quan chức cấp thấp của Mỹ nhưng đổi lại chỉ nhận được những thông báo bất ngờ từ Phòng Bẩu dục. Đôi khi, chính giới chức Mỹ cũng tìm đến các đồng nghiệp tại NATO để thảo luận cách "hạ hỏa" cơn giận của ông Trump đối với liên minh quân sự.

Tổng thống Biden tuyên bố sẽ đi theo hướng tiếp cận rất khác biệt trước NATO. Ít ngày sau khi nhậm chức, ông tạm dừng một phần kế hoạch rút quân đội Mỹ khỏi Đức theo lệnh của người tiền nhiệm. Cuộc điện đàm đầu tiên sau khi nhậm chức của Bộ trưởng Austin là với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.

Theo các nhà ngoại giao, một trong những thay đổi có ý nghĩa nhất cho tới thời điểm hiện tại là việc chính quyền Biden bày tỏ sẵn sàng lắng nghe ý kiến của đồng minh trong các vấn đề, bao gồm cả Afghanistan. Hồi đầu tháng, các quan chức từ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Lầu Năm góc đã có một hội nghị trực tuyến với các đại sứ NATO để tiếp nhận những chia sẻ về lập trưởng triển khai quân cũng như tình hình an ninh của mỗi nước. Đây được coi là một khác biệt mang tính tích cực lớn so với thời Trump.

"Rõ ràng trong bốn năm qua, chúng tôi đã có một vài cuộc thảo luận khó khăn trong nội bộ NATO nhưng giờ chúng tôi đang nhìn về tương lai", ông Stoltenberg nói với báo giới hôm thứ Hai. "Và tương lai chính là chính quyền mới tại Washington có những cam kết mạnh mẽ với quan hệ xuyên đại tây dương, để NATO, châu Âu và Bắc Kinh làm việc cùng nhau.

Một quan chức cấp cao Mỹ chỉ ra: "Ý kiến tham vấn thực sự là yếu tố chính trong cuộc họp [sắp tới]".

Tuy nhiên, nhiệm vụ hàn gắn quan hệ giữa Mỹ với các thành viên NATO không hề dễ dàng. "Sự lo lắng với còn rất cao sau bốn năm sóng gió", một nhà ngoại giao cấp cao NATO đánh giá. "Đó là bốn năm của sự chối bỏ, những thứ giả dối, lặp đi lặp lại như 'Đây là một NATO mạnh mẽ và chúng ta thậm chí còn có thể trở nên mạnh hơn'".

Bản thân ông Biden cũng đưa ra những tín hiệu về khả năng đi theo chính sách cứng rắn của người tiền nhiệm về các cam kết quân sự như yêu cầu các đồng minh gia tăng chi tiêu quốc phòng.

"Tôi nghĩ điều bạn sẽ được nghe từ Bộ trưởng Austin là sự thay đổi trong giọng điệu và cách tiếp cận trong khi vẫn tiếp tục gây dựng và thừa nhận sự tiến bộ to lớn của NATO từ năm 2014", quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ đề cập tới ngân sách quốc phòng tăng cường của nhiều thành viên kể từ thời điểm đó.

Ngoài ra, NATO cũng dự đoán, Mỹ sẽ giữ nguyên lập trường trong một số vấn đề khác bao gồm tập trung rút quân khỏi các cuộc xung đột nước ngoài.

"Về cơ bản, tôi cảm thấy Mỹ sẽ vẫn cứng rắn giống như trong thời kỳ chính quyền Trump", một nhà ngoại giao cấp cao NATO nhận định.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ