(Tổ Quốc) - Ngày 30/11 Iran thể hiện lập trường cứng rắn trong ngày đầu tiên tham gia hội nghị Vienna, khẳng định các vòng đàm phán ngoại giao trước có thể phải thảo luận lại.
Theo truyền thông nhà nước Iran, đây là các bình luận của ông Ali Bagheri – nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran và ông Mohammed Eslami – người đứng đầu hạt nhân dân sự của đất nước trong cuộc họp ở Vienna ngày hôm nay. Tín hiệu mới cho thấy lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống mới của Iran và tiết lộ các rào cản về khả năng khôi phục thỏa thuận hạt nhân 2015 trong thời gian tới.
Trước đó, theo CNN, một số quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần cảnh báo rằng nếu các tiến bộ trong chương trình hạt nhân và khả năng làm giàu uranium của Iran tiếp tục không suy giảm thì Washington sẽ cân nhắc đến lựa chọn khác.
"Chúng tôi hy vọng ngoại giao có thể tìm ra cách", ông Brett McGurk – Điều phối viên của Hội đồng An ninh quốc gia tại Trung Đông và Bắc Phi nói tại Đối thoại Manama do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế tổ chức. "Tuy nhiên, nếu không được, chúng tôi sẵn sàng sử dụng phương án khác".
"Không có gì phải bàn cãi, chúng tôi sẽ không cho phép Iran có được vũ khí hạt nhân. Việc sử dụng quân sự để thay đổi hành vi được xem là khó thành. Tuy nhiên, sử dụng quân sự để ngăn một quốc gia có được vũ khí hạt nhân thì mục tiêu này có thể đạt được", ông McGurk nhấn mạnh.
Mỹ đã quyết định ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump vào năm 2018. Kể từ khi thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, Iran đã tăng cường làm giàu uranium có độ tinh khiết lên tới 60% - cơ hội cho Tehran nhanh chóng sở hữu được vũ khí hạt nhân trong thời gian ngắn. Iran cũng tiến hành kích hoạt máy ly tâm tiên tiến và nâng cấp kho dự trữ uranium vượt quá mức độ cho phép.
Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã lên tiếng Washington sẵn sàng vào lại thỏa thuận cho dù các quan chức Mỹ không hề tham gia các cuộc đàm phán trước kể từ khi Washington rút khỏi thỏa thuận.
Lập trường cứng rắn của Iran trong vòng đàm phán mới
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Iran, nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran - ông Bagheri nhấn mạnh các vòng đàm phán trước chỉ là "dự thảo".
"Các bản dự thảo vẫn có thể thương lượng lại. Vì vậy, không có gì chắc chắn cho đến khi quyết định thống nhất từ các bên", ông nói. "Về cơ bản, tất cả các cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong 6 vòng và kết luận phụ thuộc vào các vòng đàm phán. Điều đó có nghĩa tất cả các bên đều chấp nhận tham gia cuộc họp ngày 30/11.
Trước đó, các nhà ngoại giao của Liên minh châu Âu đã đưa ra các bình luận khác.
"Phái đoàn Iran đại diện cho chính quyền mới nhưng họ đã thừa nhận công việc trong 6 vòng đàm phán đầu tiên là tiền đề cho các định hướng vào thời gian tới, vì vậy không có lý do để quay lại các đàm phán ban đầu", ông Enrique Mora nói.
Một kênh truyền hình nhà nước khác cho biết nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu của Iran - ông Bagheri đã nhấn mạnh các yêu cầu của Iran là đảm bảo của Mỹ không áp đặt các trừng phạt mới hoặc không áp đặt lại các trừng phạt đã dỡ bỏ trước đó.
Phát biểu trên hãng thông tấn IRNA, ông Eslami đã nhắc lại yêu cầu nêu trên.
"Các cuộc đàm phán ở Vienna về việc Mỹ mong muốn quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và cam kết dỡ bỏ các trừng phạt. Điều này phải được thực hiện trên thực tế và có thể kiểm chứng", ông Eslami khẳng định.
Các cuộc đàm phán ở Vienna đã nối lại vào ngày 29/11 sau hơn 5 tháng gián đoạn kể từ khi Tổng thống Ebrahim Raisi lên nắm chính quyền. Ông Ebrahim Raisi được đánh giá là lãnh đạo có lập trường cứng rắn, cho rằng thỏa thuận hạt nhân đang mang lại quá nhiều thứ cho phương Tây.
Ông Mikhail Ulyanov, Đại diện hàng đầu của Nga tham gia đàm phán đã viết dòng tweet nhận định, việc nối lại các cuộc đàm phán được đánh giá "khá thành công".
"Các bên đã quyết định tiếp tục không trì hoãn quá trình soạn thảo trong hai nhóm làm việc xung quanh việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và vấn đề hạt nhân", ông viết. "Công việc này phải bắt đầu ngay lập tức".
Israel – đối thủ cạnh tranh khu vực của Iran đã duy trì áp lực trong các đàm phán. Thủ tướng Israel - Naftali Bennett cảnh báo Iran đang cố gắng chấm dứt các lệnh trừng phạt để đổi lấy việc không có gì". Về phía Iran vẫn khẳng định chương trình nguyên tử là hòa bình. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo Mỹ và các thanh tra viên quốc tế cho biết Iran đang sở hữu chương trình vũ khí hạt nhân có tổ chức. Các chuyên gia không phổ biến vũ khí hạt nhân lo ngại, hành động này có thể đẩy Tehran tới các biện pháp cực đoan hơn để thuyết phục phương Tây phải dỡ bỏ các trừng phạt.
Cho dù các vấn đề đang trở nên khó khăn hơn, các thanh tra giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc vẫn không thể giám sát đầy đủ chương trình hạt nhân của Iran sau khi Tehran hạn chế quyền tiếp cận. Chuyến đi tới Iran vào tuần trước của Người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế - Rafael Grossi được ghi nhận không đạt được bất kỳ tiến bộ nào về vấn đề này.