(Tổ Quốc) - Nhiều địa phương đã xác định xây dựng văn hóa gia đình là một trong những mục tiêu quan trọng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
- 18.08.2023 Gia đình - cái nôi của văn hóa và nhân cách
- 18.08.2023 Tổ chức “Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố miền Tây Nam bộ lần thứ IV, năm 2023”
- 17.08.2023 Tôn vinh và nhân rộng gia đình Thủ đô tiêu biểu
- 16.08.2023 Cần "lên tiếng" trước các hành vi bạo lực gia đình
- 15.08.2023 Phát huy vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập
Do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, xã hội bộc lộ không ít mặt trái, đạo đức một bộ phận người dân bị xuống cấp. Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai nhằm ngăn chặn những vấn nạn ấy; đồng thời, xây dựng nếp sống văn hóa cơ sở. Trong đó, nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Giang... xác định phát huy giá trị của văn hóa gia đình là hạt nhân, là nền tảng để xây dựng nếp sống văn hóa mới.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nêu gương
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, thành phố luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng văn hóa gia đình thông qua triển khai các Chương trình cụ thể, gần đây nhất là Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy khóa 17 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”. Những nội dung cốt lõi của chương trình gồm: Xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh; xây dựng Gia đình Văn hóa và xây dựng các mô hình văn hóa, trong đó lấy con người làm hạt nhân, gia đình là nền tảng. Từ việc triển khai các hoạt động xây dựng văn hóa gia đình mà nhiều “vấn nạn” văn hóa ứng xử, những tiêu cực trong các mối quan hệ gia đình đã được ngăn chặn.
Hằng năm, số các gia đình đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa” đều đạt hơn 90%. Và đến nay, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu Gia đình văn hóa trên địa bàn thành phố đạt 88%.
Cũng thông qua công tác tuyên truyền, triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mà trọng tâm là xây dựng gia đình văn hóa gắn với phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới, triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình… trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều Gia đình văn hóa tiêu biểu. Bản thân những gia đình này đã giữ được gia phong, nền nếp từ nhiều năm qua, nhưng triển khai cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các gia đình đều ý thức, trách nhiệm hơn trong xây dựng văn hóa gia đình, nêu cao trách nhiệm của gia đình với cộng đồng.
Đối với công tác xây dựng văn hóa gia đình, hiện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tập trung triển khai năm nội dung chính gồm: Xây dựng gia đình văn hóa; thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình; thu thập lưu trữ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình; tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, nhân rộng các mô hình thuộc phạm vi quản lý; tuyên truyền, giáo dục các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình....
Để tạo ra những giá trị văn hóa chuẩn mực, có tính phổ quát trong gia đình, thành phố Hà Nội thúc đẩy việc xây dựng mô hình Gia đình văn hóa (trong triển khai phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa), thí điểm triển khai Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình. Cùng với đó là nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nêu gương... trong xây dựng văn hóa gia đình thời hiện đại.
Không chỉ “khoán” cho ngành văn hóa, các ngành, đoàn thể, địa phương đều tham gia với nhiều sáng kiến, sáng tạo khác nhau. Tiêu biểu như huyện Ứng Hòa triển khai mô hình Câu lạc bộ “Gia đình văn minh, hạnh phúc”; huyện Đan Phượng vận động thực hiện Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động; huyện Thanh Trì nhân rộng mô hình điểm “Gia đình 5 có, 3 sạch”; huyện Chương Mỹ tổ chức tọa đàm “Giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”...
Lấy gia đình làm gốc xây dựng đời sống văn hóa
Còn tại Bắc Giang, UBND tỉnh xác định, năm 2023 tập trung ưu tiên công tác gia đình, lấy gia đình làm gốc để xây dựng đời sống văn hóa.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương, Ban Chỉ đạo phong trào các cấp cần có nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào và công tác gia đình, trong đó, tập trung tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu về vị trí, vai trò của văn hóa; đặt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa ngang hàng với các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế; đưa chỉ tiêu về tính bền vững của các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”… vào nhiệm vụ phấn đấu hàng năm.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí xây dựng, trang thiết bị cho các thiết chế văn hóa, nhất là đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí cho trẻ em, thanh thiếu niên và người cao tuổi; kinh phí duy trì và phát triển các hoạt động, mô hình của phong trào. Huy động các nguồn lực, xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho các hoạt động của phong trào. Nghiên cứu tổ chức các hội thi, giải đấu đối với các loại hình văn nghệ, môn thể thao đang được đông đảo người dân tham gia. Đồng thời, tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của địa phương.
Tập trung ưu tiên công tác gia đình, lấy gia đình làm gốc để xây dựng đời sống văn hóa. Sở VHTTDL nghiên cứu xây dựng, xin ý kiến rộng rãi trong Nhân dân khẩu hiệu, thông điệp, tiêu chí ứng xử gia đình với nội dung dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện in, phát bộ tiêu chí ứng xử văn hóa gia đình đến các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phong trào ở cơ sở; đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, giữa các ngành, đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo cùng cấp; phát huy ý thức tự nguyện, tự giác của người dân và vai trò tự quản của cộng đồng… Qua đó, phát hiện các mô hình hay, cách làm hiệu quả, tiêu biểu để nhân rộng trong thực hiện phong trào. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, đi đôi với việc nghiêm khắc phê bình những tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, vi phạm các quy định, tiêu chí của phong trào.
Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ và đầu tư trang thiết bị làm việc cho đội ngũ cán bộ làm công tác phong trào và công tác gia đình, nhất là ở cơ sở để thực thi nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của phong trào và công tác gia đình trong thời gian tới.
Trong thời điểm hiện nay, khi những biểu hiện lệch lạc trong văn hóa gia đình đang có chiều hướng gia tăng, đe dọa trực tiếp đến sự ổn định và phát triển bền vững của xã hội, xây dựng văn hóa gia đình là vấn đề vừa cấp thiết vừa mang tầm chiến lược lâu dài, đòi hỏi các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, trong đó, coi xây dựng văn hóa gia đình như một bộ phận của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cách làm sáng tạo, thiết thực./.
Hồng Hà
*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện