(Tổ Quốc) - Dự thảo Nghị quyết quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường tại các địa phương đang thí điểm và thực hiện mô hình chính quyền đô thị là chức danh không do HĐND bầu.
Chiều 5/5, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Tờ trình dự thảo Nghị quyết do Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày nêu rõ, dự thảo Nghị quyết giữ nguyên như Nghị quyết số 85/2014/QH13 với 18 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 13/18 điều và bổ sung 2 Biểu mẫu mới. Tại dự thảo Nghị quyết bỏ chức danh Ủy viên Thường trực HĐND; bổ sung chức danh Tổng Thư ký Quốc hội.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ khi có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu, thông báo nghỉ hưu hoặc được bầu, phê chuẩn trong năm lấy phiếu tín nhiệm; nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo và không tham gia điều hành công tác từ 3 tháng trở lên tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm, có xác nhận của cơ sở y tế và cơ quan có thẩm quyền.
Bổ sung chủ thể có quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn là Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng thời, quy định tại TP. Hà Nội và thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh, HĐND cấp quận, thị xã thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND phường.
Bên cạnh việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, tại dự thảo Nghị quyết cũng quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch UBND quận, thị xã, phường tại các địa phương đang thí điểm và thực hiện mô hình chính quyền đô thị là chức danh không do HĐND bầu.
Do vậy, có ý kiến góp ý đề nghị đổi tên dự thảo Nghị quyết thành "Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân". Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Ban Công tác đại biểu nhận thấy đây là đề nghị hợp lý để bao quát nội dung của dự thảo Nghị quyết.
Do tại Điều 4, Quy định số 96-QĐ/TW quy định việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ, nên trong năm 2023, Quốc hội và HĐND sẽ tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm.
Để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, Ban Công tác đại biểu đề xuất, bổ sung việc xây dựng dự thảo Nghị quyết vào Chương trình xây dựng luật, pháp luật năm 2023, trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ Năm tới theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Trình bày Báo cáo ý kiến nghiên cứu về dự thảo Nghị quyết, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật Lê Thanh Hoàn nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với việc trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo Nghị quyết tại Kỳ họp thứ Năm theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm bảo đảm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo quy định mới được thực hiện tại kỳ họp cuối năm 2023.
Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị, Ban Công tác đại biểu lý giải cụ thể, thuyết phục hơn về cơ sở chính trị, cơ sở thực tiễn của quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo và không tham gia điều hành công tác từ 3 tháng trở lên. Đồng thời, làm rõ đối với những người thuộc diện không lấy phiếu tín nhiệm, thì việc chuẩn bị các loại báo cáo theo quy định sẽ thực hiện như thế nào?
Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng nhận thấy, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND không quy định thẩm quyền của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong việc kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.
Do đó, việc bổ sung quy định Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn vào dự thảo Nghị quyết là chưa bảo đảm tính thống nhất với các luật có liên quan.
Thường trực Ủy ban Pháp luật lưu ý, Ban soạn thảo cần quy định thống nhất người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa số đại biểu đánh giá không tín nhiệm, từ quá nửa số đại biểu trở lên đánh giá tín nhiệm thấp có thể xin từ chức trước khi tiến hành các quy trình tiếp theo.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị, với người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá không tín nhiệm thì Quốc hội, HĐND cần tiến hành miễn nhiệm ngay, không thực hiện thủ tục xin từ chức.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, thực tế đang đặt ra yêu cầu sửa đổi Nghị quyết số 85/2014/QH13 nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đã được xác định trong các văn kiện của Đảng và pháp luật; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị quyết số 85/2014/QH13; phục vụ kịp thời việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ Sáu...
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, dù tại dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung 13/18 điều của Nghị quyết số 85/2014/QH13, nhưng chủ yếu sửa đổi, bổ sung để cập nhật thực tiễn, bảo đảm sự thống nhất với các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Do vậy, bên cạnh nội dung quan trọng được bổ sung về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật gợi mở, các đại biểu cho ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Nghị quyết; bổ sung các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm; lấy phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường ở TP. Hà Nội và thành phố thuộc TP. Hồ Chí Minh; quy trình lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm...