• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Lễ hội hoa Tớ Dày: Xây dựng thương hiệu du lịch từ văn hóa bản địa

Văn hoá 19/12/2023 14:35

(Tổ Quốc)- Từ năm 2022, lễ hội hoa Tớ Dày lần đầu tiên được tổ chức đã trở thành sự kiện hấp dẫn du khách đến với vùng đất Mù Cang Chải (Yên Bái). Ngoài vẻ đẹp rực rỡ của những thửa ruộng bậc thang khi lúa chín dịp tháng 10,11, Mù Cang Chải cũng làm xiêu lòng du khách bởi những vạt Tớ Dày hồng rực, khoe sắc thắm vào dịp cuối năm.

Vẻ đẹp độc đáo

Sau thành công của lễ hội hoa Tớ Dày năm 2022, năm nay, lễ hội hoa Tớ Dày gắn với sự kiện tỉnh Yên Bái công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghệ thuật khèn và Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông 3 huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đồng thời khai mạc Festival Khèn Mông. Cùng với những di sản độc đáo của cộng đồng dân tộc Mông, lễ hội hoa Tớ Dày đang hứa hẹn là một sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt, tạo nên sức hấp dẫn du khách đến với vùng cao Yên Bái.

Lễ hội hoa Tớ Dày: Xây dựng thương hiệu du lịch từ văn hóa bản địa  - Ảnh 1.

Hoa Tớ Dày gắn với vẻ đẹp của cộng đồng người Mông

Theo đồng bào ở Mù Cang Chải, khoảng 300 năm trước, khi người Mông đến định cư trên mảnh đất này đã có loại cây Tớ Dày. Tớ Dày là loài hoa thuộc họ hoa đào. Người Mông thường gọi là "Pằng Tớ Dày”, dịch theo nghĩa tiếng Việt là "Hoa đào rừng”. Tớ Dày là loài cây thuộc loại thân gỗ, tán rộng, mọc trên những sườn đồi, triền núi. Hoa có năm cánh hồng như hoa đào ta, nhưng khi nở thì kết chùm, nhụy hoa lại rất dài và mang màu đỏ.

Người Mông rất ưa thích hoa Tớ Dày bởi hoa Tớ Dày còn là biểu tượng cho tâm hồn, phong cách sống của cộng đồng dân tộc người Mông và của núi rừng Tây Bắc. Đồng bào Mông quan niệm, mỗi dịp hoa Tớ Dày nở là đất trời chuyển mình sang xuân. Sau một năm lao động vất vả, mùa vàng bội thu, thóc đã đầy nhà, nhìn lên đỉnh núi thấy những cây Tớ Dày nở hoa đỏ thắm núi rừng thì cũng là lúc những chàng trai, cô gái Mông xúng xính trong bộ váy mới, luyện khèn, chuẩn bị quả pao để chơi Tết. Hoa Tớ Dày gắn liền với đời sống nhiều thế hệ người Mông vùng cao Mù Cang Chải, là loài hoa có sức sống mãnh liệt và chỉ nở vào mùa đông lạnh giá, thường nở rộ nhất trong vòng cuối tháng 12, sau khoảng thời gian đó tuy chưa tàn hết nhưng màu sắc cũng sẽ phai không còn đẹp như trước nữa.

Ban đầu chỉ là những đốm nhỏ trên cây, chỉ sau 1 tuần bung nở, Tớ Dày đã phủ hồng rực núi rừng. Những vạt hoa Tớ Dày báo hiệu mùa xuân sớm tràn từ đỉnh núi xuống thung lũng, viền theo ven đường bên phố huyện, trên mọi lối đi. Những ngôi nhà của người Mông cũng khuất trong sắc hoa hồng rực. Sau một thời gian dài chìm trong cái rét ảm đạm của mùa đông, những vạt Tớ Dày bừng sắc hồng như điểm lên đất trời miền núi cao một sức sống mới.

Người Mông bản địa nơi đây bảo, thông thường cứ 4 năm hoa Tớ Dày mới một lần nở đúng đón tết Dương lịch, do cũng có xê dịch ít ngày theo thời tiết. Năm nay cũng là năm thứ hai huyện Mù Cang Chải tổ chức Lễ hội hoa Tớ Dày càng khẳng định sức hút của loài hoa dung dị nhưng cứng cỏi, khỏe khoắn, như vẻ đẹp của người dân vùng cao Mù Cang Chải.

Lễ hội hoa Tớ Dày: Xây dựng thương hiệu du lịch từ văn hóa bản địa  - Ảnh 2.

Hoa Tớ Dày

Xây dựng thương hiệu du lịch từ văn hóa bản địa

Chị Nguyễn Thúy Nga- du khách Hà Nội cho biết: "Tôi đã muốn lên Mù Cang Chải vào mùa lúa chín vừa qua nhưng không thu xếp được công việc nên đành lỡ hẹn. Dù là lần đầu tiên đến với Mù Cang Chải, đúng dịp lạnh cao điểm nhưng tôi đã thực sự rất ấn tượng bởi khung cảnh nơi đây, đặc biệt là lần đầu tiên biết đến lễ hội hoa Tớ Dày. Được ngắm những cánh đào rừng khoe sắc trên những triền đồi trải dài, những đóa hoa thắm đượm thơm ngát, được hít hà trong cái giá lạnh của vùng cao trong những ngày qua quả thực tôi cảm thấy như lạc vào một thế giới khác”.

Để phát triển loài cây này gắn với làm du lịch, thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều hành động quyết liệt bảo vệ những rừng hoa Tớ Dày tự nhiên và vận động nhân dân trồng mới. Trong đó, phải kể đến cuộc vận động mỗi cán bộ, đảng viên trồng từ 2 - 5 cây hoa Tớ Dày; mỗi trường học, đơn vị công sở trồng 30 cây; các xã, thị trấn trồng tại trụ sở, hai bên đường đi...

Ông Sùng A Chua – Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: "Khoảng hai năm trở lại đây, huyện đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân bảo vệ và trồng mới hoa Tớ Dày để tạo cảnh quan, phát triển du lịch. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết trồng cây đầu xuân, huyện kết hợp vận động nhân dân trồng mới hàng trăm nghìn cây hoa Tớ Dày. Đến nay, toàn huyện có khoảng 5 ha diện tích trồng hoa Tớ Dày tập trung tại thị trấn Mù Cang Chải và các xã: La Pán Tẩn, Mồ Dề, Cao Phạ, Chế Tạo, Khao Mang”.

Lễ hội hoa Tớ Dày: Xây dựng thương hiệu du lịch từ văn hóa bản địa  - Ảnh 3.

Hoa Tớ Dày thắp sáng núi đồi

Lễ hội hoa Tớ Dày: Xây dựng thương hiệu du lịch từ văn hóa bản địa  - Ảnh 4.

Du khách mê đắm vẻ đẹp của hoa Tớ Dày

Mù Cang Chải đang hướng đến mục tiêu du lịch bốn mùa qua việc khai thác nhiều sản phẩm du lịch ngoài ruộng bậc thang. Và du lịch của huyện đang đi đúng hướng nhờ nỗ lực giữ trọn được vẻ đẹp thuần tự nhiên, hạn chế bê-tông hóa, bằng các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương để thu hút khách du lịch như: Lễ hội mùa nước đổ, Lễ hội Mùa vàng, Tết Độc lập, Festival Khèn H’Mông, lễ hội hoa Tớ Dày... Với phương châm là một điểm du lịch nhiều dịch vụ, sản phẩm du lịch, khai thác và gìn giữ văn hóa dân tộc H’Mông... Mù Cang Chải đang nỗ lực trong lộ trình trở thành huyện du lịch vào năm 2025.

Cùng với vẻ đẹp của ruộng bậc thang vào mùa lúa chín, hay mùa nước đổ, những nét văn hóa truyền thống của đồng bào H’Mông, lễ hội hoa Tớ Dày hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn của Mù Cang Chải trong thời gian tới./.



Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ