(Tổ Quốc) - Lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù không còn là lễ hội của riêng người dân xã Ngọc Khê nữa mà đã trở thành ngày hội văn hóa của cộng đồng các dân tộc Mường, Kinh sinh sống trên đất Ngọc Lặc và các vùng lân cận.
Lễ hội văn hóa du lịch Bàn Bù. Ảnh: Báo Thanh Hóa
Ngày 23/2, người Mường ở xứ Thanh lại nô nức rủ nhau về dự lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù (xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc) để ghi nhớ và tri ân công lao to lớn của Vua Lê Thái Tổ, các Vua Lê và tướng sỹ, nhân dân trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Mở đầu lễ hội, sau lễ thượng hương, những thanh niên, trai tráng của đất Mường huyện Ngọc Lặc thực hiện lễ rước nước thần từ điện thờ chính về khu Di tích văn hóa - lịch sử Bàn Bù. Sau đó, ông Ậu (thầy cúng) thực hiện các nghi lễ truyền thống của dân tộc Mường.
Nét độc đáo nhất trong lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù năm nay chính là màn trình diễn Xường giao duyên và hát múa Pồn Pôông (hát múa quanh cây bông). Đây chính là 2 di sản của huyện Ngọc Lặc vừa vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Xường giao duyên và hát múa Pồn Pôông có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần đồng bào dân tộc Mường Thanh Hóa.
Bên cạnh đó, Lễ hội văn hóa – du lịch Bàn Bù cũng là nơi để các nghệ nhân các câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc thể hiện những nét tinh hoa nhất của dân tộc mình thông qua những âm thanh trầm, bổng của dàn cồng, chiêng, trống hội.
Với nhiều hoạt động đặc sắc, lễ hội văn hóa du lịch Bàn Bù đã trở thành điểm đến hấp dẫn với người dân, du khách trong dịp đầu năm Kỷ Hợi 2019.