(Tổ Quốc) - Người Khơ Mú là một trong 19 cộng đồng dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên, hiện nay còn bảo lưu được nhiều phong tục, tập quán rất đặc sắc, trong đó có Lễ hội “Chư mo hờ ngọ, Khờ ro cư mạ”(Tra hạt làm lễ cầu mưa). Đây là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng, đậm bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống của người Khơ Mú vùng Tây Bắc.
Lễ hội "Chư mo hờ ngọ, Khờ ro cư mạ" (Tra hạt làm lễ cầu mưa) là một nghi lễ nông nghiệp quan trọng, đậm bản sắc văn hóa truyền thống trong đời sống của người Khơ Mú. Nghi lễ truyền thống này có từ xa xưa, gắn bó với đời sống kinh tế, văn hóa nông nghiệp. Lễ tra hạt có ý nghĩa cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, để cho cây lúa cây ngô, khoai sắn tươi tốt, bông to, hạt trắc, cây cối đồi núi xanh tươi, hạn chế lũ lụt, hạn hán, cầu xin các vị thần linh, đất trời phù hộ cho hoa màu tốt tươi, nhằm tạo khí thế, hy vọng vào năm mới, với ước vọng ngày một ấm no, đầy đủ, tốt đẹp hơn. Qua đó thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin của đồng bào vào cuộc sống và thiên nhiên. Lễ hội cũng là dịp để đồng bào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỏi thăm sức khỏe nhau, được tham gia vào các điệu múa và các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc.
Theo truyền thống, lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng 2 đầu tháng 3 âm lịch hằng năm trên nương rẫy. Lễ tra hạt diễn ra trong ngày, được chủ nhà làm tại nương rẫy của mình, có sự góp mặt của thầy cúng và sự giúp đỡ của nhiều gia đình khác. Người làm thầy cúng được coi là chiếc cầu nối giữa thế giới trần gian với thế giới thần linh, là người có am hiểu về các nghi lễ truyền thống đứng ra thực hiện các nghi thức mời các vị thần linh liên quan đến Lễ Tra hạt.
Để nghi lễ diễn ra theo đúng nghi thức truyền thống, trước khi tổ chức lễ hội khoảng một tháng các gia đình, dòng họ sẽ họp bàn và thống nhất việc chọn ngày tốt, ấn định ngày tổ chức lễ, chuẩn bị đóng góp các lễ vật, phân công công việc tổ chức cúng. Theo quan niệm của đồng bào, càng nhiều người tham gia thì lễ hội càng đông vui, năm đó gia đình chủ lễ sẽ thu hoạch được năng suất lao động cao, mùa màng bội thu. Trong ngày tổ chức lễ, đồng bào Khơ Mú quan niệm rằng không được cãi cọ, gây mất đoàn kết, sẽ làm ảnh hưởng đến sự linh thiêng của buổi lễ.
Trước khi thực hiện lễ cúng, gia chủ phải chuẩn bị các đồ dâng lễ như: gà trống lông đỏ, thủ lợn, thịt chó, rượu, nước, chè, hoa quả, thuốc lá, một bó hương, nến sáp ong, xôi; 2 bộ quần áo truyền thống của dân tộc Khơ Mú ( gồm 1 bộ nam, 1 bộ nữ), vải trắng và vải dệt thổ cẩm, khăn piêu, túi đeo... Đặc biệt trong lễ cúng phải có hạt giống, có thể dùng hạt thóc hoặc ngô, gậy chọc lỗ tra hạt, hạt giống dùng để tra hạt phải được chọn lựa kĩ, sàng sẩy sạch sẽ rồi phơi khô đảm bảo không mối mọt. Đồng bào quan niệm mỗi dòng họ có một hướng gieo trồng khác nhau, không họ nào được phép đi theo hướng gieo trồng của dòng họ khác.
Sau phần lễ, bà con dân bản kéo về nhà thầy cúng để giao lưu, chơi hội. Những chàng trai, cô gái Khơ Mú nhảy múa, hát ca, cùng ước vọng về một năm mưa thuận gió hòa. Kết thúc, bà con Khơ Mú lại trở về với cuộc sống lao động bình thường, tích cực tham gia lao động sản xuất, tạo khí thế và hy vọng vào năm mới, đầu vụ mới với ước vọng cuộc sống ngày một ấm no, đầy đủ và tốt đẹp.
Ngày nay, phương thức canh tác theo hình thức chọc lỗ tra hạt không còn phổ biến, nhưng điệu múa tra hạt thì vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa của đồng bào Khơ Mú và được giữ gìn, phát huy. Nghi lễ được đồng bào tái hiện trong những dịp quan trọng trong năm, các sự kiện giao lưu văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Lễ hội "Chư mo hờ ngọ, Khờ ro cư mạ" (Tra hạt làm lễ cầu mưa) là sản phẩm tinh thần của dân tộc Khơ Mú trong lịch sử phát triển và hình thành. Việc bảo tồn nghi lễ tra hạt cầu mưa của người Khơ Mú tại Điện Biên là một việc làm thiết thực trong việc thực hiện chủ trương về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, đưa văn hóa vào phát triển kinh tế - xã hội và góp phần giữ gìn và phát huy bức tranh đa sắc màu các dân tộc tỉnh Điện Biên.