(Tổ Quốc) - Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo phải cân bằng giữa sự hỗ trợ về an ninh của Washington và hoạt động kinh doanh với Bắc Kinh, theo cây viết William Pesek cho tờ Asia Nikkei.
Sự tinh tế về mặt ngoại giao của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chưa bao giờ được kiểm nghiệm nhiều hơn lúc này, khi vấn đề Hongkong thu hút sự chú ý của thế giới.
Gần đây, Trung Quốc đã tuyên bố áp đặt luật an ninh quốc gia đối với Hongkong, điều khiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói rằng ông sẽ có hành động "thu hồi chế độ ưu đãi cho Hongkong" – hiện được coi như một nền kinh tế riêng biệt. Điều này đặt Nhật Bản vào một tình thế khó khăn khi không muốn đứng hẳn về một phía – điều dường như sẽ không mang lại nhiều điều tích cực cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Kể từ khi nhậm chức vào năm 2012, ông Abe đã luôn tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với ông Trump, người bảo vệ quân sự và đồng minh địa chính trị hàng đầu của ông. Và ông Abe cũng cần Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đối tác thương mại quan trọng nhất của ông. Tại một thời điểm nền kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, thách thức này trở thành một cuộc đi dây đầy nguy hiểm. Nếu ông Abe không thành công, nền kinh tế Nhật Bản sẽ gặp hiểm nguy cùng.
Duy trì tăng trường giữa thời kỳ suy thoái
Ông Abe, tất nhiên, cần phải chịu trách nhiệm về cách để Nhật Bản định vị bản thân mình. Ông đã thể hiện sự quan tâm của mình đối với ông Trump, bay tới New York để trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông sau cuộc bầu cử. Nhưng trong vài năm qua, ông Abe cũng đã phải nỗ lực điều chỉnh quan hệ với siêu cường châu Á vì ông Trump cho thấy mình không có những chính sách trầm ổn.
Đại dịch Covid-19, mặt trận mới nhất trong căng thẳng Mỹ - Trung, bên cạnh cuộc chiến thương mại dai dẳng của ông Trump, cũng đang nhanh chóng trở thành mối đe dọa đối với quỹ đạo kinh tế của Nhật Bản.
Nhật Bản bước vào năm 2020 với nhiều khó khăn, cùng với đó là trải qua cú sốc Covid-19 – điều khiến ông Abe phải vật lộn tìm ra cách thúc đẩy tăng trưởng. Cho đến nay, chính phủ của ông đã công bố chi tiêu tài khóa khoảng 2 nghìn tỷ USD, khoảng 40% GDP. Tăng trưởng quý hai năm nay có thể giảm khoảng 22%, mức giảm tồi tệ nhất kể từ những năm 1950.
Giờ đây, sau vấn đề Hongkong, mọi thứ có thể trở nên khó khăn hơn đối với thương mại và thị trường toàn cầu. Với tỉ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò ý kiến đang sụt giảm trước cuộc bầu cử tháng 11 năm nay, ông Trump đang tìm cách để thu hút cử tri và chệch hướng sự chú ý của họ khỏi các chính sách về virus corona phần nào không hiệu quả - điều dấy lên nguy cơ Mỹ có thể thực thi các biện pháp thuế quan mới phá vỡ chuỗi cung ứng châu Á.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng có thể khiến Trung Quốc không hài lòng về vấn đề Hongkong. Đối với ông Abe, mối lo ngại trước mắt là hơn 1.400 công ty Nhật Bản hoạt động tại đây. Và khi tình hình bất ổn thêm nữa thì các công ty Nhật Bản có thể xem xét đến việc di dời theo cách vừa tổn hại lợi nhuận của công ty và cũng khiến Trung Quốc tức giận.
Đó sẽ là một đòn giáng vào riêng Tokyo trong bối cảnh mối quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc đang được cải thiện. Từ năm 2016 đến 2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào Trung Quốc đã tăng 37%.
Chiến lược Nhật Bản cần tính tới
Nếu ông Abe có mối quan hệ ấm cúng với ông Tập thì ông Trump có thể sẽ không hài lòng và điều này có thể dẫn đến việc Washington đưa ra các chính sách không có lợi cho Nhật Bản như: thuế quan đối với ô tô và phụ tùng ô tô; các động thái làm làm suy yếu đồng đô la; yêu cầu Tokyo đồng ý nhượng bộ thương mại lớn hơn hay nhắm mục tiêu các công ty châu Á nói chung, không chỉ như hiện nay là các công ty Trung Quốc đại lục.
Ông Abe cũng đang dễ bị tổn thương về các vấn đề trong nước. Công chúng dường như không hoàn toàn đồng tình về chiến lược của chính phủ đối với việc ngăn chặn dịch bệnh hay các vụ bê bối về tiền bạc. Tỉ lệ ủng hộ cho nội các của ông đã giảm 2,3 điểm xuống 39,4% trong một cuộc khảo sát gần đây của Kyodo News.
Mong muốn đứng ngoài được tình thế hiện tại của ông Abe dường như không phải là một giải pháp khả thi. "Ông Abe phải ... chứng minh với công chúng Nhật Bản rằng ông ấy không phải là người làm việc thiếu hiệu quả như các cuộc thăm dò dư luận hiện nay", Jeff Kingston, người đứng đầu khoa châu Á tại Đại học Temple cơ sở Tokyo nói.
Không có vấn đề nào cấp bách hơn việc tạo dựng các mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn với các đối tác lân cận. Ông Abe phải tăng cường nỗ lực kiểm soát thiệt hại đối với Trung Quốc. Đồng thời, Nhật Bản nên phát triển Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP – hiện có 11 thành viên.
Hàn Quốc, một nền kinh tế top 12 toàn cầu, là một ứng cử viên rõ ràng cho chiến lược này. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng không hề dễ dàng. Tokyo và Seoul cũng đang rơi vào tình trạng "cơm không lành, canh không ngọt" về các vấn đề đền bù hậu chiến, điều lên đến đỉnh điểm bởi các biện pháp hạn chế thương mại đáp trả vào nhau. Dù vậy, trong bối cảnh thế giới hiện tại, Tokyo và Seoul cần hợp tác để bảo vệ sự tăng trưởng và thị trường.
Ông Abe cũng nên kéo các nền kinh tế lớn của Đông Nam Á vào CPTPP và cũng sẽ là khôn ngoan để tiếp tục tăng cường mối quan hệ thương mại của Nhật Bản với châu Âu.
Năm 2020 đang trôi đi với nhiều sự biến động. Nhật Bản không thể bảo đảm sẽ trụ vững nếu rơi vào tình thế căng thẳng với Trung Quốc. Và với sự khó lường của ông Trump, ông Abe sẽ phải "đi dây" hết sức thận trọng khi không có tấm lưới nào bảo hộ nếu Tokyo vấp ngã.