• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Leo thang Trung - Ấn đang hiện rõ trên mặt trận truyền thông

Thế giới 10/06/2020 09:06

(Tổ Quốc) - Tranh chấp biên giới mới nhất Trung - Ấn vốn chủ yếu là sự đối đầu của lực lượng quân sự tại thực địa nhưng nó đang leo thang sang mặt trận truyền thông song phương.

Căng thẳng đang gia tăng ở dãy Himalaya - dọc theo một trong những biên giới đất liền dài nhất thế giới. New Delhi và Bắc Kinh đều cáo buộc bên kia vượt qua Đường kiểm soát thực tế (LAC) ngăn cách hai bên. Lãnh thổ này từ lâu đã là đối tượng tranh chấp chủ quyền, với nhiều cuộc xung đột nhỏ và những cuộc cãi vã ngoại giao kể từ sau cuộc chiến giữa hai bên vào năm 1962.

Thứ bảy tuần trước, các quan chức quân sự đã họp tại biên giới để "giải quyết hòa bình tình hình ở khu vực biên giới", theo một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ. Ngay cả đến lúc này, những gì xảy ra trên thực địa tại khu vực bị dồn quân này vẫn chưa rõ ràng, một phần vì các động tĩnh về vấn đề này đang chủ yếu diễn ra thông qua truyền thông.

Trước cuộc họp hôm thứ Bảy, các đài truyền hình Trung Quốc đã phát sóng cảnh quay cuộc diễn tập của quân đội Trung Quốc (PLA) trong khu vực, với nhiều máy bay và xe tải chở đầy quân đội - theo cách mà truyền thông nước này mô tả là "thể hiện khả năng của Trung Quốc trong việc tăng cường phòng thủ biên giới khi cần thiết".

Leo thang Trung - Ấn đang hiện rõ trên mặt trận truyền thông - Ảnh 1.

Hai nước đã đưa thêm lực lượng quân sự lên vùng biên giới trong thời gian qua.

Viết trên tờ Hindustan Times của Ấn Độ, nhà phân tích các vấn đề chiến lược Shishir Gupta hôm Chủ nhật cho biết các bản tin của Trung Quốc về hoạt động diễn tập của PLA là một phần của "chiến dịch đánh lạc hướng thông tin" để làm giảm hiệu quả giải quyết vấn đề của Ấn Độ và "khiến khả năng đàm phán của đối thủ bị suy yếu."

Các tiếng nói thể hiện lập trường cứng rắn

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cho đến nay vẫn thể hiện một lập trường cứng rắn về cuộc đối đầu Trung - Ấn lần này, một điều rõ nét qua việc thông tin hoạt động của PLA tại Himalaya.

Về phía Ấn Độ, bất chấp thông báo hôm thứ Bảy của Delhi về việc giảm căng thẳng, các nhân vật hàng đầu của chính phủ Ấn Độ vào thứ Hai vẫn thể hiện tiếng nói mạnh mẽ. Bộ trưởng Nội vụ Amit Shah phát biểu tại một sự kiện của Đảng Bharatiya Janata cầm quyền (BJP) rằng "bất kỳ sự xâm nhập nào vào biên giới Ấn Độ sẽ bị trừng phạt".

"Một số người từng nói rằng Mỹ và Israel là những quốc gia duy nhất sẵn sàng và có khả năng báo thù từng giọt máu của binh lính họ", Shah nói. "(Ông Modi) đã thêm Ấn Độ vào danh sách đó. ''

Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh cũng đã đề cập đến điều này vào thứ Hai, nói: "Tôi sẽ nhắc nhở mọi người, giới lãnh đạo Ấn Độ sẽ không để lòng tự trọng của chúng ta bị tổn thương. Chính sách của Ấn Độ rất rõ ràng, chúng tôi sẽ không làm tổn hại đến sự liêm chính và phẩm giá của đất nước. Đồng thời, chúng ta cũng không để bất kỳ quốc gia nào làm tổn thương sự toàn vẹn của chúng ta. "

Những tuyên bố của họ được đưa ra trong bối cảnh sức ép ngày càng tăng từ các đảng đối lập về việc có một lập trường mạnh mẽ hơn, khi ông Rahul Gandhi từ đảng Quốc đại lặp đi lặp lại tuyên bố rằng Delhi đã hạ thấp quy mô của vụ tấn công Trung Quốc.

Tranh chấp kéo dài

Trong một bài viết đăng hôm thứ ba trên tờ Thời báo Hoàn cầu và được đăng lại trên trang web chính thức của PLA, các nhà phân tích quân sự dự đoán rằng "cuộc đối đầu đang diễn ra không có khả năng kết thúc ngay lập tức, vì các vấn đề cụ thể phải vẫn được giải quyết".

Cách giải quyết được những vấn đề thực sự là không rõ ràng, vì chúng có từ hàng thập kỷ trước và chủ yếu là do cả 2 bên không chấp nhận yêu sách lãnh thổ của bên kia. Căng thẳng đã gia tăng vào cuối tháng trước khi hai nước cáo buộc nhau vượt qua LAC và đang củng cố vị thế quân sự của họ tại vùng biên giới thực tế.

Nếu các thông tin trên truyền thông của Trung Quốc và việc công khai triển khai hoạt động của PLA là để Ấn Độ "thấy khó lui bước" thì Delhi cũng có thể đang tìm kiếm con đường gây ảnh hưởng tương tự trong việc tăng cường và xây dựng quan hệ quốc tế, liên kết vấn đề biên giới với các tranh chấp khác có liên quan đến Trung Quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tuần trước, Ấn Độ và Australia đã ký hai hiệp định quân sự song phương - "bước đầu tiên làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng" giữa hai cường quốc tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, bao gồm cả cuộc tập trận hải quân Malabar hàng năm, cũng liên quan đến Nhật Bản.

Chiến lược này cũng đã thu hút sự chú ý ở Bắc Kinh. China Daily, một tờ báo chính thống khác, cho biết trong một bài xã luận rằng "trái với lập trường tỉnh táo của Trung Quốc và Ấn Độ, một số chính trị gia ở Hoa Kỳ dường như rất muốn khơi dậy sự thù địch giữa hai nước láng giềng khổng lồ".

"Đề nghị giúp đỡ (từ Washington) có thể đã thúc đẩy một số người ở Ấn Độ có lập trường cứng rắn hơn chống lại Trung Quốc để 'bảo vệ niềm tự hào của họ'", tờ báo viết thêm.

Trong một bài viết vào cuối tháng trước, nhà phân tích Trung Quốc Long Xingchun cảnh báo Delhi "hãy giữ một cái đầu tỉnh táo để không bị Mỹ coi là tro pháo".

"Mặc dù mối quan hệ của Trung Quốc với Mỹ rất căng thẳng, môi trường quốc tế đối với Trung Quốc tốt hơn nhiều so với năm 1962 khi Ấn Độ bắt đầu và (đã) thất bại nặng nề trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc", chuyên gia Long viết. "Năm 1962, sức mạnh quốc gia của Trung Quốc và Ấn Độ là tương đương nhau. Ngày nay, ngược lại, GDP của Trung Quốc gấp khoảng năm lần so với Ấn Độ."

Cho đến nay, mâu thuẫn song phương vẫn chỉ hiện rõ qua mặt trận truyền thông. Nhưng khi căng thẳng đang nóng lên bất chấp nỗ lực của các quan chức quân sự cuối tuần trước, khả năng vấn đề này sớm biến mất dường như rất khó xảy ra.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ