(Tổ Quốc) -Washington đang tăng cường quan tâm đến tình hình Ukraine và muốn thiết lập ảnh hưởng sâu sắc hơn tại đây.
Kurt Volker, đại diện đặc biệt của Mỹ về đàm phán Ukraine, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Guardian – đăng tải vào ngày 1/9 rằng. Washington sẵn sàng mở rộng nguồn cung vũ khí cho Ukraine để xây dựng lực lượng hải quân và không quân của nước này. Theo ông Kurt Volker, chính quyền của Tổng thống Trump đã "hoàn toàn" chuẩn bị tiến xa hơn trong việc cung cấp vũ khí sát thương cho lực lượng Ukraine, vượt hơn những tên lửa chống tăng Washington chuyển giao cho Ukraine vào tháng 4. "Họ cần hỗ trợ về vũ khí sát thương," ông Volker nhấn mạnh.
Mỹ - Ukraine tăng tốc về vũ khí?
Ông Volker giải thích rằng "họ (Ukraine-pv) cần phải xây dựng lại lực lượng hải quân, trong khi năng lực trên không của họ cũng đang rất hạn chế. Tôi nghĩ chúng ta sẽ phải xem xét lại cả năng lực phòng không”. Nhà ngoại giao này tin rằng Ukraine cần các vũ khí không người lái trên không, hệ thống radar và hệ thống chống bắn tỉa. Vấn đề giao dịch vũ khí sát thương đã được thảo luận ở cấp cao nhất.
Kurt Volker, đại diện đặc biệt của Mỹ về đàm phán Ukraine tiết lộ về tiến trình đối thoại Washington - Kiev về chuyển giao vũ khí. |
Đạo luật ủy quyền quốc phòng Mỹ NDAA cho năm tài khóa 2019 đã phân bổ 250 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả vũ khí sát thương. Hoa Kỳ đã cung cấp hệ thống tên lửa chống tăng Javelin cho Kiev nhưng lần này đại diện đặc biệt Volker đã nói về một thỏa thuận quy mô lớn hơn – điều chưa thể so sánh hay tính toán được. Cựu Tổng thống Barack Obama từng cho rằng việc cấp vũ khí phòng thủ sát thương cho Ukraine không phải là quyết định đúng đắn. Chính sách này đã thay đổi dưới thời Tổng thống Trump, người - trong số nhiều động thái khác - đã phê duyệt việc giao tên lửa chống tăng tới Kiev vào tháng 12 năm ngoái.
Ukraine đã chính thức yêu cầu được chuyển giao các hệ thống phòng không của Mỹ. Theo Valeriy Chaly, Đại sứ Ukraine tại Mỹ, quân đội Ukraine muốn mua ít nhất ba hệ thống phòng không. Chi phí của thỏa thuận dự kiến vượt quá 2 tỷ USD. Hệ thống được đề cập không được xác định, nhưng thường được cho là Patriot.
Tuyên bố của ông Volker đã được đưa ra tại thời điểm căng thẳng giữa Ukraine và Nga đang gia tăng ở Biển Azov. Azov được kết nối với Biển Đen qua eo biển Kerch. Nhiều lời chỉ trích được cả hai bên đưa ra đã biến khu vực này thành một điểm sóng gió chớp nhoáng. Nga cũng đã chỉ trích Mỹ về việc ủng hộ các hành vi của Ukraine trong khu vực. Theo hiệp ước năm 2003, Biển Azov là một lãnh thổ được kiểm soát chung mà cả hai quốc gia Nga và Ukraine đều được phép sử dụng tự do.
Gần đây, việc thủ lĩnh phe li khai tại Đông Ukraine Alexander Zakharchenko thiệt mạng cũng đã bồi thêm vào sóng gió Moscow – Kiev.
Trong một động thái khác, quân đội Mỹ đang vận hành một trung tâm hoạt động hàng hải thuộc căn cứ hải quân Ochakov của Ukraine. Cơ sở này là một đơn vị chỉ huy và kiểm soát tác chiến nhằm hỗ trợ hàng hải một cách linh hoạt trong hoạt động quân sự. Hàng trăm giảng viên quân sự của Hoa Kỳ và Canada cũng đang huấn luyện nhân viên Ukraine tại cơ sở tập bắn Yavorov.
Kịch bản leo thang nguy hiểm?
NATO đã đưa Ukraine vào danh sách các quốc gia muốn gia nhập khối này - một bước đi được cho là “khiêu khích” công khai đối với Nga. Macedonia, Georgia và Bosnia-Herzegovina cũng là những quốc gia nằm trong danh sách muốn gia nhập NATO. Năm ngoái, quốc hội Ukraine đã thông qua nghị quyết công nhận việc trở thành thành viên đầy đủ trong NATO là một mục tiêu trong chính sách đối ngoại. Trong năm 2008, NATO đã hứa rằng Ukraine cùng với Gruzia sẽ trở thành một thành viên chính thức. Vào tháng 3 năm nay, Ukraine, Moldova và Gruzia tuyên bố thành lập một liên minh để phản đối Nga.
Dù tình hình Ukraine đang có nhiều bất ổn, Mỹ vẫn đang hỗ trợ quân sự đáng kể cho nước này. Vẫn có lo ngại rằng, những vũ khí Mỹ chuyển giao cho Kiev sẽ rơi vào tay kẻ xấu và được sử dụng để chống lại quân đội Mỹ ở đâu đó bên ngoài châu Âu.
Bằng cách cung cấp những loại vũ khí hạng nặng mà Đại diện đặc biệt Volker đã nói trong cuộc phỏng vấn của mình, Mỹ sẽ tăng cường ảnh hưởng tại Ukraine. Theo Strategic Culture, tình hình ở Donbass đang được Kiev sử dụng để làm sao lãng sự chú ý của công chúng đối với các vấn đề trong nước đang xấu đi. Trong khi Mỹ vẫn kiên quyết với những hành động của mình tại Ukraine, điều này có thể kéo thêm nhiều hệ lụy, theo Strategic Culture.
Ví dụ, Nga có thể cung cấp cho các nước cộng hòa li khai tự xưng ở miền đông Ukraine những hệ thống vũ khí tiên tiến với số lượng đủ để ngăn chặn bất kỳ hành động quân sự nào từ chính phủ Ukraine. Một khi hiệp định Minsk không còn hoạt động nữa và không thể bảo đảm các bên tuân thủ, Moscow có thể thừa nhận những nước cộng hòa đó là các quốc gia độc lập đủ điều kiện tiến hành các thỏa thuận hợp tác quân sự, bao gồm cả việc lập căn cứ quân sự trên đất đai của họ. Nếu chính phủ của họ mời các lực lượng vũ trang Nga tới triển khai bên trong biên giới của họ thì Nga rất tự nhiên sẽ đồng ý với những yêu cầu đó.
Có thể nói, nếu Mỹ vượt qua lằn ranh đỏ về cung cấp thêm vũ khí sát thương cho chính phủ Ukraine, Nga sẽ có hành động tương ứng. Không ai muốn thấy một cuộc chiến tranh dữ dội ở Ukraine, nhưng đó là điều vũ khí của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy khi định hướng Kiev hướng tới một giải pháp quân sự, theo Strategic Culture.