(Tổ Quốc) - Việc lực lượng Azerbaijan xâm nhập vào lãnh thổ Armenia được thúc đẩy bởi các yếu tố trong nước cũng như những lo lắng về ngoại giao, theo tờ Asia Times.
Một cuộc xung đột kéo dài giữa Armenia và Azerbaijan đã chứng kiến sự leo thang chưa từng thấy trong những ngày gần đây, khi quân đội Azerbaijan tìm cách xâm nhập vào một khu vực khác của Armenia, khác với khu vực tranh chấp cũ Nagorno-Karabakh.
Vượt ra khỏi tranh chấp cũ
Xung đột lần này khởi đầu từ một nỗ lực thất bại của các chỉ huy người Azerbaijan vào ngày 12/7 nhằm chiếm lấy một đỉnh đồi chiến lược ở tỉnh Tavush, phía đông bắc Armenia, nơi quân đội Armenia đóng quân.
Giao tranh xuyên biên giới leo thang trong vài ngày, nhưng đến ngày 16/7, sau khi các cuộc đụng độ còn có sự hiện diện của pháo binh, máy bay không người lái và hỏa lực từ xe tăng, tình hình trên mặt đất đã rơi vào bế tắc. Một nỗ lực khác để chiếm lại ngọn đồi này vào hôm thứ ba cũng thất bại, khiến khu vực biên giới rơi vào trạng thái bất ổn.
Đối với Azerbaijan, vòng chiến đấu mới nhất với đối thủ Armenia bị chi phối nhiều bởi các yếu tố trong nước và sự phức tạp về ngoại giao. Bên cạnh đó, tình hình bất ổn lúc này cũng phần nào ảnh hưởng đến sự tranh giành quyền lực của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và phương Tây ở đây và có thể mở ra một thời kỳ mới của sự khó lường và bất ổn.
Phản ứng từ các cường quốc khu vực đối với diễn biến lần này vừa nhanh vừa đáng ngạc nhiên.
Phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ là một sự chứng thực ngay lập tức các phiên bản thông tin từ Azerbaijan. Mặc dù đây có thể được coi là một lập trường tự nhiên, nhưng sự hậu thuẫn bất ngờ và nhanh chóng cho Azerbaijan phần nhiều bắt nguồn từ nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ để lấy lại vai trò trong quá khứ với tư cách là người bảo trợ quân sự chính của Azerbaijan.Vai trò này đã bị suy giảm từ lâu khi Nga trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Azerbaijan trong nhiều năm.
Về phần mình, Moscow gây chú ý vì sự im lặng bất ngờ, thậm chí chưa có động thái nào thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Armenia, một cam kết phòng thủ tập thể theo kiểu NATO trong Tổ chức Hiệp ước An ninh (CSTO) do Nga đứng đầu.
Mặc dù phản ứng rụt rè như vậy một phần là do Moscow tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ với Baku, nhưng cũng phần nào do Nga không hài lòng với chính phủ mới ở Armenia.
Một thế lực quan trọng nữa trong khu vực là Iran, đã nhanh chóng tận dụng một cơ hội để phát huy ảnh hưởng ngoại giao của chính mình bằng cách đề nghị hòa giải.
Mặc dù có thể không khả thi, nhưng bản thân lời đề nghị này là một sự thể hiện quyết tâm của Iran đối với việc thể hiện sự hiện diện và tái khẳng định vị thế ở Nam Caucasus.
Liên minh châu Âu, mặc dù không được coi là một thế lực địa chính trị đặc biệt mạnh mẽ, nhưng cũng thành công trong việc lấp đầy khoảng trống ngoại giao bằng cách kêu gọi một cuộc điện đàm giữa hai bên Armenia và Azerbaijan.
Được Đại diện cấp cao EU, Phó Chủ tịch Josep Borrell làm trung gian, cuộc điện đàm có ý nghĩa như cuộc đối thoại đầu tiên từ trước đến nay giữa Ngoại trưởng mới của Azerbaijan và người đồng cấp Armenia.
Đó cũng là một thành tựu mà một sáng kiến của EU đã đánh bại Moscow khi đưa được hai bên đối thoại với nhau.
Tín hiệu bất ổn từ Azerbaijan
Việc nối lại chiến sự mới nhất này được thúc đẩy bởi hai yếu tố quan trọng trong nước. Đầu tiên bắt nguồn từ một cảm giác thất vọng rõ rệt về vấn đề ngoại giao, vì Azerbaijan không thấy tiến triển gì từ tiến trình hòa bình đối với Nagorno-Karabakh.
Khi Baku từ chối đàm phán trực tiếp với khu vực cộng hòa tự xưng Karabakh, nơi không được bất kỳ quốc gia thành viên LHQ nào công nhận, thì cuộc đàm phán hòa bình giữa họ với Yerevan với tư cách là bên đối thoại duy nhất đã khiến Armenia trở thành mục tiêu và là đối tượng của sự thất vọng ngoại giao này.
Khi tiến trình hòa bình về Nagorno-Karabakh được thực hiện thông qua Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE), do ba quốc gia Pháp, Nga và Hoa Kỳ chủ trì, thì cuộc tấn công vào Armenia cũng có thể được xem như một thông điệp cho các hòa giải viên này.
Thậm chí sự thất vọng này cũng đã phần nào tác động đến việc bãi nhiệm Ngoại trưởng phục vụ lâu dài của Azerbaijan, Elmar Mammadyarov, vào ngày 16/7 vì bị cho là quá nhút nhát và yếu đuối trong các cuộc đàm phán.
Tuy nhiên, Mammadyarov chỉ thực hiện các mệnh lệnh và các chính sách từ chính phủ của mình.
Việc sa thải ngoại trưởng sau hơn 16 năm phục vụ cho thấy sự suy sụp của tiến trình ngoại giao. Sự thay thế bằng Bộ trưởng Giáo dục Jeihun Bayramov, người không có kinh nghiệm ngoại giao nào, tiếp tục cho thấy ngụ ý chuyển sang một chiến lược mới dựa nhiều vào lực lượng vũ trang hơn là đối thoại ngoại giao.
Nhưng một yếu tố nội bộ thứ 2 còn nghiêm trọng hơn, đó là cuộc đấu tranh quyền lực nội bộ, bắt đầu vào đầu năm nay với sự dâng lên của một tầng lớp mới, trẻ hơn.
Quá trình chuyển đổi này bao gồm việc thăng chức cho trợ lý tổng thống và cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hikmet Hajiyev lên làm Trưởng phòng Chính sách đối ngoại mới của Tổng thống và nâng một số người khác lên các vị trí mới trong đội ngũ của Phó Tổng thống thứ nhất Mehriban Aliyeva đầu năm nay.
Kể từ đó, đã có một cuộc đấu tranh quyền lực gay gắt trong hàng ngũ cao cấp của chính phủ Azerbaijan, điều dường như đã leo thang trong những tháng gần đây. Vì lý do này, một số nỗ lực thất bại trong việc chiếm giữ lãnh thổ của Armenia có thể đang phục vụ một mục tiêu rất khác: tận dụng sức mạnh quân sự để có được quyền lực và vị thế chính trị.
Trong tình hình này, những hậu quả rộng lớn hơn là đáng lo ngại, trong đó có nguy cơ can thiệp các nước lớn hơn vào một Azerbaijan giàu năng lượng. Khi sự bất ổn tiềm tàng ở đây có thể mở ra một đấu trường mới cho cuộc cạnh tranh thực sự giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, điều làm lu mờ cả vấn đề hiện tại ở Syria và Libya.