(Tổ Quốc) - Nga và Hoa Kỳ hôm thứ Năm đã đổ lỗi cho nhau về việc từ bỏ thỏa thuận kiểm soát vũ khí mang tính bước ngoặt từ thời Chiến tranh Lạnh.
Moscow cũng đưa ra lời cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ trang mới còn chính quyền Trump yêu cầu chi tiết về vụ nổ bí ẩn gần đây đã giết chết 5 kỹ sư hạt nhân Nga.
Bất đồng sâu sắc
Nga đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tổ chức một cuộc họp khi Mỹ thử nghiệm một tên lửa bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung năm 1987 – thỏa thuận mà hai bên đã chính thức rút khỏi từ ngày 2/8.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky đã chỉ trích điều ông gọi là sự "đạo đức giả" của Mỹ, nói rằng Mỹ "vi phạm liên tục và cố tình hiệp ước INF trong một khoảng thời gian." Ông cho biết vụ thử tên lửa vào ngày 18/8, ngay sau khi INF hết hiệu lực, đã chứng minh điều đó.
Quyền Đại sứ Mỹ tại LHQ Jonathan Cohen thì phản bác rằng, Nga hơn một thập kỷ trước đã quyết định phá vỡ các nghĩa vụ của hiệp ước INF và đã triển khai nhiều tiểu đoàn tên lửa hành trình phóng từ mặt đất "với khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng của châu Âu".
Theo AP, cuộc họp này của Hội đồng đã thể hiện sự ngờ vực sâu sắc giữa hai cường quốc hạt nhân và sự lo lắng của các quốc gia khác về một cuộc chạy đua vũ trang leo thang, bao gồm cả Trung Quốc.
Phó đại sứ Nga tại LHQ Dmitry Polyansky. Ảnh: EPA-EFE.
Các đồng minh NATO của Mỹ đã cùng với ông Cohen đổ lỗi cho Nga về điều mà Phó đại sứ Pháp tại LHQ Anne Gueguen gọi là "cái chết của hiệp ước".
Điều phối viên chính trị của Anh Stephen Hickey, cho biết hành động của Nga đúng với mô hình gây hấn - thể hiện mối đe dọa rõ ràng đối với hòa bình và an ninh quốc tế và làm suy yếu tuyên bố của nước này về một đối tác quốc tế có trách nhiệm.
Gueguen cảnh báo rằng "đó sẽ là một bước lùi nguy hiểm và kéo tới một cuộc chạy đua vũ trang mới".
Đặc phái viên của Nga thì lên tiếng nhắc nhở trực tiếp các thành viên châu Âu trong NATO như Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Ba Lan. Ông Polyansky hỏi liệu họ có hiểu rằng bằng cách ủng hộ Hoa Kỳ "từng bước một, các ông đang quay lại tình huống lịch sử khi tên lửa nhắm vào các thành phố châu Âu từ nhiều địa điểm khác nhau".
"Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ không phải là người đầu tiên sử dụng các biện pháp như vậy", ông nói thêm. "Tuy nhiên, xem xét việc các đồng nghiệp Mỹ của chúng tôi rõ ràng đang xoa tay và muốn thể hiện lực lượng, thì có thể tình huống đó ... dường như sẽ xảy ra khá sớm."
Ông Polyansky kêu gọi người châu Âu nên nhận ra "vì tham vọng địa chính trị của Hoa Kỳ, chúng ta chỉ còn cách một bước nữa là tới một cuộc chạy đua vũ trang không thể kiểm soát hay điều chỉnh theo bất kỳ cách nào."
Nga, Trung không cùng đường với Mỹ
Ông Cohen nói với hội đồng rằng có lẽ nên sử dụng thời gian tốt hơn để yêu cầu Nga "giải quyết các mối đe dọa mà họ gây ra cho hòa bình và an ninh quốc tế", bao gồm cả nơi họ triển khai tên lửa hành trình phóng từ mặt đất và số lượng tên lửa được triển khai.
Cohen cũng yêu cầu Nga thông tin với Hội đồng về nguyên nhân gây ra vụ nổ ngày 8 tháng 8 tại một bãi thử của hải quân Nga trên Biển Trắng phía tây bắc nước này. "Đó là hệ thống gì, và hệ thống đó phục vụ mục đích gì?"
Ông Polyansky không đề cập đến vụ việc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định hôm thứ Tư rằng vụ nổ, giết chết hai quân nhân và năm kỹ sư hạt nhân và sáu người bị thương, không gây ra bất kỳ mối đe dọa phóng xạ nào, nhưng ông vẫn tỏ ra e ngại về tình huống của vụ việc.
Nhà ngoại giao Nga tại LHQ cũng tiếp tục đề cập đến sự sụp đổ của hiệp ước INF sẽ "gây nguy hiểm" cho hiệp ước New START – ràng buộc Moscow và Washington về vũ khí hạt nhân tầm xa - dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2021. Tổng thống Donald Trump cho biết gần đây ông đã thảo luận về một thỏa thuận mới nhằm cắt giảm vũ khí hạt nhân với Trung Quốc và Nga.
Ông Cohen nói với hội đồng rằng Trung Quốc đang nhanh chóng mở rộng và đa dạng hóa kho dự trữ hạt nhân, bao gồm cả các hệ thống phóng mới, và họ đang xem xét nhiều lựa chọn như các hệ thống siêu âm, tên lửa đạn đạo phóng từ trên không và vũ khí hạt nhân năng suất thấp.
"Những diễn biến này từ Liên bang Nga và Trung Quốc - cùng với các hành vi gây hấn và cưỡng chế của họ - là những nguyên nhân chính đằng sau một môi trường an ninh xấu đi," ông nói.
Trái ngược với "những bình luận thái quá" của Nga, Cohen nói, Hoa Kỳ đã tỏ rõ mối quan tâm của mình đối với việc kiểm soát vũ khí hiệu quả và có thể kiểm chứng được, đối với cả Nga và Trung Quốc và vượt xa các hiệp ước hạn chế tập trung vào các loại vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun cho biết chính sách quân sự của đất nước ông là phòng thủ, chiến lược hạt nhân của họ là "hoàn toàn minh bạch", và kho vũ khí hạt nhân của họ "cực kỳ hạn chế về quy mô và không bao giờ gây ra mối đe dọa".
Ông nói rằng không thể chấp nhận được việc Hoa Kỳ sử dụng chương trình vũ khí của Trung Quốc là "cái cớ" để rời khỏi hiệp ước IMF.
Trung Quốc phản đối một cuộc chạy đua vũ trang, ông Zhang nói. Nhưng, ông nói thêm, "ở giai đoạn này, Trung Quốc không quan tâm và sẽ không tham gia vào các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí ba bên" với Hoa Kỳ và Nga.