(Tổ Quốc) - Hiệp ước quốc tế đầu tiên trên thế giới về bảo vệ biển khơi dự kiến sẽ được thông qua vào thứ Hai tuần tới tại LHQ. Theo AFP, đây là một bước tiến lớn đối với hiệp định môi trường "lịch sử" này sau hơn 15 năm thảo luận.
Ông Minna Epps, Giám đốc phụ trách đại dương của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, chia sẻ với AFP: "Đó là một khoảnh khắc lịch sử nhưng thật buồn là đã mất quá nhiều thời gian."
Nhu cầu cấp thiết bảo vệ biển khơi
Hiệp ước mang tính bước ngoặt này sẽ thiết lập một khuôn khổ pháp lý để mở rộng các biện pháp bảo vệ môi trường tới các vùng biển quốc tế - hiện chiếm hơn 60% diện tích các đại dương trên thế giới.
Sau bốn năm đàm phán chính thức, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cuối cùng đã đồng ý về văn bản của hiệp ước vào tháng 3 năm nay.
Cho tới nay, văn bản này đã được các luật sư và dịch giả của Liên hợp quốc nghiên cứu kỹ để đảm bảo nó khớp với sáu ngôn ngữ chính thức của cơ quan này.
Tuy nhiên, sau khi LHQ thông qua hiệp ước vào thứ Hai tới, văn bản này vẫn cần được ít nhất 60 quốc gia thành viên phê chuẩn để có hiệu lực.
"Nhân loại trông cậy vào đại dương. Nhưng liệu đại dương có thể trông cậy vào chúng ta?" Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gần đây đã đặt câu hỏi trên Twitter và kêu gọi tăng cường bảo vệ đại dương.
Các nhà khoa học ngày càng nhận ra tầm quan trọng của đại dương, nơi tạo ra hầu hết lượng oxy mà con người hít thở, hạn chế biến đổi khí hậu bằng cách hấp thụ CO2 và là nơi sinh sống của nhiều hệ động thực vật phong phú, trong đó có nhiều loại có kích thước siêu nhỏ.
Nhưng trong khi rất nhiều đại dương trên thế giới nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của từng quốc gia, việc bảo vệ biển khơi đòi hỏi phải có sự hợp tác quốc tế. Do chưa có cơ chế nào như vậy, các vùng biển này đã bị bỏ qua từ lâu trong nhiều cuộc chiến môi trường, vì tâm điểm chú ý thường là các khu vực ven biển.
Dự trữ sinh quyển trên biển và nghiên cứu tác động từ biến đổi khí hậu
Một công cụ quan trọng trong hiệp ước này là việc cùng phối hợp tạo ra các khu vực biển được bảo vệ trong vùng biển quốc tế. Trong một hiệp định lịch sử về đại dương khác tại Montreal vào tháng 12 năm ngoái, các chính phủ trên thế giới đã nhất trí đặt mục tiêu bảo vệ 30% các đại dương và đất liền trên thế giới vào năm 2030.
Jessica Battle, một chuyên gia về chính sách đại dương của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới, cho biết nếu Hiệp ước biển khơi không được phê chuẩn, "chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu đó".
Hiệp ước biển khơi cũng đặt ra yêu cầu về nghiên cứu tác động môi trường đối với các hoạt động được đề xuất diễn ra ở vùng biển quốc tế.
Những hoạt động như vậy, mặc dù không được liệt kê trong văn bản của hiệp ước, nhưng sẽ bao gồm rất nhiều hoạt động, từ đánh bắt cá và vận tải hàng hải đến những mục tiêu gây tranh cãi hơn, như khai thác khoáng sản dưới biển sâu hoặc thậm chí các chương trình địa kỹ thuật nhằm đối phó với sự nóng lên toàn cầu.
Hiệp ước này cũng thiết lập các nguyên tắc chia sẻ lợi ích của "nguồn gen biển" (MGR) được thu thập thông qua nghiên cứu khoa học ở vùng biển quốc tế. Đây là một điểm mấu chốt gần như đã khiến các cuộc đàm phán đổ vỡ vào phút cuối hồi tháng Ba vừa qua.
Các nước đang phát triển, thường không có tiền để tài trợ cho những chuyến thám hiểm như vậy, đã nỗ lực để giành được quyền chia sẻ thông tin. Họ cũng hi vọng không bị bỏ lại phía sau khi việc thương mại hóa nguồn gen biển MGR có thể mở ra một thị trường thương mại khổng lồ, đặc biệt là khi các công ty dược phẩm và mỹ phẩm tìm kiếm các hoạt chất mới để phát triển sản phẩm.
Sau khi văn bản được thông qua vào thứ 2 tới, giới quan sát cho rằng sẽ không khó để tìm được 60 quốc gia phê chuẩn hiệp ước và đưa nó vào hiệu lực. Trong Liên hợp quốc cũng có một liên minh thúc đẩy mạnh mẽ hiệp ước này, ước tính khoảng 50 quốc gia, bao gồm cả nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu, Chile, Mexico, Ấn Độ và Nhật Bản.
Liz Karan, một nhà vận động bảo tồn đại dương tại tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền lợi cộng đồng Pew Charitable Trusts cho biết: "Điều chúng tôi hy vọng là một khi hiệp ước có hiệu lực thì các quốc gia chưa lập tức phê chuẩn cũng sớm có ý định tham gia, để giúp định hình hướng đi trong tương lai của đại dương".
Mặc dù văn bản này là một bước tiến lớn trong việc thiết lập quyền quản lý các vùng biển quốc tế, nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi sẽ được đưa ra trong các cuộc họp của những bên liên quan trong tương lai.